Dự án được mời thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và nghiệm thu (EPC) có giá 24.147,637 tỷ đồng. Phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng.

Ngày 6/8/2021, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1307/ĐL-NĐ&ĐHN gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) liên quan đến các kiến nghị của Nhà thầu Siemens Energy, DL E&C Co., Lted và Mitsubishi Power đối với gói thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (NMĐ NT3 & NT4), đề nghị PVN/PV Power xem xét giải quyết theo quy định các kiến nghị của các nhà thầu.

Đáng chú ý, Bộ Công thương nhắc lại tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ-ĐHN ngày 21/4/2020 của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Cục ĐL) về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở dự án NMĐ NT3 & NT4, Cục ĐL đã khuyến cáo chủ đầu tư về lựa chọn công nghệ, nhà cung cấp, đảm bảo tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của dự án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020 thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở dự án NMĐ NT3 & NT4, Cục ĐL đã lưu ý “phương án cấu hình 1-1-1 đơn trục hoặc đa trục sử dụng tua bin khí thế hệ H, J/JAC là phù hợp đến hiện tại vận hành nhà máy. Tuy nhiên, chủ đầu tư lưu ý trong trường hợp đến thời điểm đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp tuabin khí, không có hoặc ít các nhà sản xuất có thể đáp ứng được số giờ vận hành tương đương với cấu hình 1-1-1 chho dải công suất của NMĐ NT3 &NT4, chủ đầu tư nên xem xét áp dụng các điều kiện quy đổi (như áp dụng các điều khoản tăng thời gian bảo hành, điều kiện về bảo hiểm gián đoạn trong vận hành và thay thế thiết bị, hoặc xem xét kinh nghiệm số giờ vận hành tương đương của chủng loại tua bin khí của thế hệ H, J/JAC trước đó) để làm cơ sở đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp, giúp tăng tính cạnh tranh cũng như hiệu quả của dự án”. 

leftcenterrightdel

Trích ý kiến của Cục ĐL tại Văn bản số 515/ĐL-NĐ&ĐHN ngày 21/4/2020

Thế nhưng, trong hồ sơ mời thầu đã yêu cầu loại tua bin khí do nhà thầu chào cho dự án phải đã được cung cấp ít nhất 02 tổ máy trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 01 tổ máy đã đưa vào vận hành thương mại với cùng tần số hay trong dải công suất định sẵn.

Tua bin khí dùng để tham chiếu kinh nghiệm phải giống với loại được đề xuất, trong đó tiêu chí phải có cùng tần số hay dải công suất là điểm chốt chặn cuối cùng mà không thiết bị nào có thể vượt qua trừ thiết bị của GE do nhà thầu một nhà thầu Hàn Quốc đề xuất sử dụng. 

“Điểm lạ”, một mặt, hồ sơ mời thầu yêu cầu thiết bị phải thuộc thế hệ mới, hiệu năng cao tại thời điểm triển khai dự án nhưng, mặt khác là yêu cầu thiết bị giống hệt như vậy phải hiện hữu, phải đã đang hoạt động tại thời điểm hiện tại để được kiểm chứng.

Được biết, trên thế giới hiện có 3 nhà sản xuất có khả năng sản xuất và cung cấp thiết bị tua bin khí cho dự án là Siemens Energy; Mitsubishi và GE. Tuy nhiên, duy nhất dòng sản phẩm GE đạt chỉ tiêu này. Thực tế tại thời điểm đóng thầu lúc 13h30 ngày 6/8/2021 vừa qua thì đúng là chỉ có duy nhất nộp hồ sơ!

Ngay trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu là Công ty Cổ phần Tư vấn Điện 2 (“PECC2”) cũng cho rằng, với tình hình thị trường hiện tại và với dự thảo nội dung hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ có ít hơn 4 nhà sản xuất (OEM) tua bin có thể đáp ứng yêu cầu. Việc này sẽ làm giới hạn khả năng lựa chọn được nhà OEM cho tua bin khí tốt, giá thiết bị cạnh tranh, và đảm bảo lợi ích tốt nhất của chủ đầu tư. Để đảm bảo tính cạnh tranh, PECC2 đã khuyến nghị bên mời thầu có thể xem xét“mở rộng phạm vi yêu cầu năng lực kinh nghiệm đối với tua bin khí, cho phép các nhà thầu đệ trình hồ sơ chứng minh năng lực kinh nghiệm của cả hai dòng máy 50Hz và 60Hz để làm thông tin tham chiếu. Các tổ máy đã phát điện thương mại lên lưới cũng nên được chấp nhận dùng làm tham chiếu”.

Khuyến nghị này phù hợp với ý kiến khi thẩm định thiết kế cơ sở của Cục ĐL nêu trên.

Cần biết rằng, PECC2 có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiệt điện, đặc biệt là lĩnh vực điện khí, đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhiều dự án nhiệt điện khí như: Phú Mỹ 2-1; Phú Mỹ 1; Phú Mỹ 5; Phú Mỹ 3-2; Phú Mỹ 3; Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1, 2; Sơn Mỹ 1; Dung Quất 2….

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã "chưa quan tâm" các khuyến nghị trên. Thực tế cho thấy, tại thời điểm đóng thầu (13h30 ngày 6/8/2021), mặc dù có tới 16 nhà thầu trong và ngoài nước mua hồ sơ nhưng chỉ có duy nhất Samsung C&T Corporation (sử dụng thiết bị của nhà sản xuất GE) nộp hồ sơ dự thầu.

PV Power ngay sau đó gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 2 tuần, đến ngày 23/8/2021 để có thêm nhà thầu nộp hồ sơ. Nếu đến ngày 23/8/2021 vẫn chỉ có duy nhất một nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu thì cuộc đấu thầu này liệu còn có ý nghĩa?

Trước các thông tin liên quan đến gói thầu, PV Power khẳng định, hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của dự án NMĐ NT3 &NT4 được lập đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng, bám sát nội dung thiết kế cơ sở được Bộ Công thương thẩm định. Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, cũng như hoàn toàn tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Đặc biệt, việc tổ chức đấu thầu còn có sự theo dõi, giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Minh Anh