Tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung mỏ đất san lấp

Ngày 8/7/2019, Công ty TNHH Đông Lý (Công ty Đông Lý), có địa chỉ tại tiểu khu Nam Tiến, thị trấn Nông Cống có Công văn số 02/CV-ĐL gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung mỏ đất san lấp tại xã Phúc Đường, huyện Như Thanh (nay là xã Xuân Phúc) vào phương án, bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề nghị này.

Ngày 27/8/2019, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Như Thanh, UBND xã Phúc Đường đã có ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở báo cáo, ngày 17/9/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền có văn bản gửi Sở Xây dựng và Công ty Đông Lý với nội dung “chấp thuận chủ trương bổ sung mỏ đất san lấp tại xã Phúc Đường, huyện Như Thanh, với diện tích khoảng 9ha, ranh giới, tọa độ khu vực mỏ theo trích lục bản đồ kèm theo Công văn số 5412/SXD-VLXD ngày 10/9/2019 của Sở Xây dựng vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (đang rà soát để điều chỉnh, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định”.

leftcenterrightdel
 Theo đề nghị của Công ty Đông Lý, UBND huyện Như Thanh đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường không đưa khu vực mỏ đất đã được chấp thuận quy hoạch vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh: VT

 Ngày 23/3/20121, UBND huyện Như Thanh có Văn bản số 478/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung khu vực mỏ dự kiến đưa vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản với nội dung: “UBND huyện Như Thanh nhận được Công văn số 9128/STNMT-TNKS ngày 29/12/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị các huyện căn cứ quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn và điều kiện thực tế để đề xuất các khu vực mỏ dự kiến đưa vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Căn cứ điểm đ, Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 2010. Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị của Công ty Đông Lý, UBND huyện Như Thanh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, bổ sung 1 khu vực mỏ dự kiến đưa vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cụ thể: Mỏ đất tại tại thôn 1, xã Phúc Đường (nay là xã Xuân Phúc), số thứ tự 23, phụ lục I - Quyết định số 4343/QĐ-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Diện tích mỏ theo quy hoạch 9 ha”.

Bỗng dưng bị đơn vị khác nhảy vào “tranh cướp”

Ngày 25/6/2021, Công ty TNHH Định An (Công ty Định An), có địa chỉ tầng 2, số nhà 149, đường Nhạc Sơn, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị được cấp phép 3 khu vực mỏ để phục vụ vật liệu thi công gói thầu số XL2 đường Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, các mỏ đã nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 4343/QĐ-UBND ngày 14/10/2020. Trong đó, có 1 khu vực mỏ đất mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chấp thuận chủ trương quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất cho Công ty Đông Lý với diện tích khoảng 9ha ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh.

leftcenterrightdel
 Công ty Định An có văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa cấp phép đúng vị trí Công ty Đông Lý đang thực hiện quy trình cấp mỏ. UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý, đề xuất hướng giải quyết. Ảnh: VT

Trước tình hình này, ngày 20/7/2021, Công ty Đông Lý đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo về việc này, đồng thời cho rằng việc Công ty Định An xin cấp phép khai thác vào đúng tọa độ, ranh giới, vị trí, diện tích của Công ty Đông Lý đã được chấp thuận chủ trương và đang hoàn thiện hồ sơ là nhằm “cướp tay trên”, gây ra bức xúc cho môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa nói chung và uy tín của Công ty Đông Lý nói riêng.

Công ty Đông Lý đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa dừng không xem xét cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty Định An tại mỏ đất này.

Ngày 2/7/2021, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Văn bản số 9487/UBND-CN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn, UBND huyện Như Thanh và các ngành, đơn vị liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang nghiên cứu nội dung kiến nghị của Công ty Đông Lý. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tế, có văn bản trả lời Công ty Đông Lý, báo cáo kết quả thực hiện và những vấn đề vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trước ngày 25/9/2021.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh tra, sau khi nhận được văn bản đề nghị cấp phép khai thác các mỏ đất của Công ty Định An để phục vụ thi công nền đường gói thầu XL2, dự án thành phần đầu tư xây dựng Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Phó Chủ tịch UBND UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã Công văn số 9487/UBND-CN ngày 2/7/2021 và Công văn số 9921/UBND-CN ngày 12/7/2021 giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ban, ngành chức năng xem xét đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản các mỏ đất của Công ty Định An, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/7/2021.

Ngày 17/7/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tình Thanh Hóa có Văn bản số 5861 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, trong đó có nội dung đề nghị tỉnh phê duyệt 3 khu vực mỏ đất gồm 2 mỏ đất xã Xuân Phúc diện tích 9 ha (mỏ Công ty Đông Lý đang thực hiện các thủ tục) và 8,7ha và 1 khu vực mỏ xã Yên Thọ và xã Yên Lạc diện tích 8ha thuộc huyện Như Thanh là khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh để cung cấp cấp vật liệu đất đắp thi công gói thầu XL2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Theo đó, đề nghị giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Công ty Định An thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng nội dung Nghị quyết số 60 NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về quy định của pháp luật. Đồng thời, không đưa mỏ đất tại xã Xuân Phúc với diện tích 9ha (phần mỏ Công ty Đông Lý đang làm thủ tục) vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Chiếu theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều câu hỏi được đặt ra trong vụ việc: Nếu UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý với kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường thì “vô tình” đã hất đi bao nhiêu công sức của Công ty Đông Lý đã bỏ ra thực hiện việc chấp thuận chủ trương bổ sung mỏ đất? Nếu tỉnh Thanh Hóa vẫn đồng ý cấp phép mỏ đất này cho Công ty Định An theo Nghị quyết số 60 NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ thì Công ty Đông Lý có được đền bù gì về việc bấy lâu nay đã và đang thực hiện quy trình về thủ tục ở mỏ đất này? Việc đã chấp thuận chủ trương bổ sung mỏ đất san này cho Công ty Đông Lý nhưng lại cấp phép cho một đơn vị khác có đúng luật? Công ty Định An là ai mà được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa ưu ái đến như vậy? Những câu hỏi này xin gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, xử lý, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh trong tỉnh.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.

 

  

Văn Thanh