Theo tìm hiểu của phóng viên, để qua mắt lực lượng chức năng, một số doanh nghiệp đã tìm cho mình những "lá bùa" là ký hợp đồng nạo vét với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Cục ĐTNĐ - Bộ Giao thông Vận tải) hoặc xin giấy phép xây dựng cảng thủy nội địa để hút cát bán chứ thực chất không hề xây dựng hay nạo vét như giấy phép được cấp.

Cụ thể là Doanh nghiệp Tư nhân Sáu Hằng (địa chỉ tại xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Từ đơn đề nghị Cty Sáu Hằng xin được chấp thuận phương án thi công cải tạo vùng nước tại cảng Đông Ninh, ngày 18/1/2016, Cục ĐTNĐ đã có Công văn số 108 chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa cho doanh nghiệp này.

Đến ngày 1/2/2016, Cục ĐTNĐ tiếp tục có Công văn số 215 cho ý kiến về việc cải tạo vùng nước phục vụ thi công xây dựng cảng nội địa Đông Ninh. Theo đó, Cục ĐTNĐ chấp thuận cho Cty Sáu Hằng được thực hiện cải tạo trong phạm vi chiều dài dọc sông là 306,3m; chiều rộng là 30m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông…

Ngày 5/7/2016, Cục ĐTNĐ tiếp tục có Công văn số 1413 chấp thuận lại chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa của Cty Sáu Hằng. Lần này, chiều rộng được nâng lên thành 60m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông.

Ngay khi có các công văn của Cục ĐTNĐ, Cty Sáu Hằng thay vì tiến hành các công đoạn xây dựng cầu cảng như quy định trong giấy phép đã tiến hành cho tàu hút cát đổ lên bãi để bán, một hình thức “cát tặc” trá hình.

Trước việc làm vi phạm của Cty Sáu Hằng thì ngày 7/10/2016, Cảng vụ ĐTNĐ Khu vực 2 đã có Công văn 964 báo cáo Cục ĐTNĐ “theo báo cáo của Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hưng Yên, ngày 5/9/2016 trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã phát hiện chủ doanh nghiệp Sáu Hằng đang tiến hành thi công trong vùng nước không theo phương án đã được chấp thuận tại Điểm e Khoản 2 của Văn bản số 1413 ngày 5/7/2016 của Cục ĐTNĐ (thi công nạo vét trong mùa mưa lũ)”.

Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hưng Yên đã tiến hành xử phạt Cty Sáu Hằng số tiền là 7,5 triệu đồng và yêu cầu đơn vị này chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đã được Cục ĐTNĐ chấp thuận trong các văn bản trước đó, nếu cố tình vi phạm thì sẽ đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng cảng đã cấp.

Để có thể hút cát bán một cách công khai mà không sợ các cơ quan chức năng xử lý là do trong 3 văn bản chấp thuận, Cục ĐTNĐ đã đồng ý cho Cty Sáu Hằng thực hiện việc cải tạo trong vòng 60 ngày nhưng lại không ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc cũng như phương án cải tạo bến bãi như thế nào. Có lẽ vì lẽ đó nên mỗi ngày, hàng trăm khối cát từ lòng sông Hồng được hút trực tiếp và đổ lên bãi chứa của đơn vị này thu lời số tiền không nhỏ.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Sáu - Chủ Cty Sáu Hằng đã thừa nhận: “Chúng tôi làm như vậy cũng là sai mong các anh ấy bỏ qua…”.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hưng Yên, trên tuyến sông này có các lực lượng cảnh sát đường thủy của Hà Nội - Hưng Yên, công an các huyện, thanh tra giao thông đường thủy, thanh tra giao thông của 2 địa phương... nhưng "cát tặc" vẫn hoạt động được do làm lén lút. Không chỉ ban đêm, ngay cả ban ngày, những chiếc máy này vẫn hoạt động hết công suất để hút cát làm lợi cho các ông chủ bến bãi ven sông Hồng.

Trong báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Hưng Yên, 9 tháng đầu năm 2016, đơn vị này đã bắt giữ 21 phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt với số tiền gần 580 triệu đồng. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng vẫn diễn ra do lợi nhuận quá lớn từ hành vi phạm pháp này.

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xử lý nghiêm việc lợi dụng việc được cấp giấy phép để hút cát dưới lòng sông bán thu lợi bất chính.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng