(Thanh tra) - Công an tỉnh Bình Dương đã có kết luận thông báo rõ ràng là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Đinh Huy Năng là trái luật. Khi phát hiện ra sai trái và tiến hành thu hồi sổ đỏ đã cấp trái luật, lẽ ra phải trả lại ngay cho người dân, nhưng UBND tỉnh Bình Dương lại làm ngược lại, không trả đất cho dân mà lại đem cho doanh nghiệp thuê lấy tiền.
>> Chứng cứ rõ ràng, vụ án vẫn bị đình chỉ
>> Gặt xong, mất ruộng
Không có người đòi đất
Ông Nguyễn Văn Đạo (sinh năm 1947 tại Thái Bình, hiện cư trú tại 15/2 ấp Ngãi Thắng, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), lợi dụng danh nghĩa là cháu gọi ông Đinh Huy Năng bằng cậu (ông Đạo là con nuôi bà Đinh Thị Khấn, chị gái ông Năng), đã đứng lên thay mặt cậu làm giả mạo tất cả các loại giấy tờ để lừa đảo những hộ dân thật thà chất phát, chân lấm tay bùn.
Ông Nguyễn Văn Đạo đã lần lượt đưa các ông, bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ và Vũ Thị Sự lên UBND xã Bình An, huyện Dĩ An (nay là xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An) và lừa Họ điểm chỉ vào tờ giấy với nội dung được nói là “để nhận tiền hỗ trợ cày cấy”, nhưng thực chất là giấy trả lại ruộng đất cho ông Đinh Huy Năng. Sau đó, ông Đạo nhờ người mang tiền đến đưa cho 2 người dân nói trên mỗi người 20 triệu đồng, nói là tiền do ông Năng đưa. Khi đó, ông Đạo đang là Trưởng ấp Ngãi Thắng nên biết rất rõ hiện trạng sử dụng đất tại đây.
“Ông Đạo chở ông già lên xã, bảo lăn tay rồi chở về, nhưng không dám chở vào nhà mà chỉ chở đến bên đường rồi để ông già tự đi về nhà”, bà Bùi Thị Vị, con gái ông Bùi Vịnh cho biết. Còn đối với bà Vũ Thị Sự thì ông Đạo còn nhiệt tình hơn, “ra tận ruộng gọi bà, rồi chở bà lên xã”, bà Bùi Thị Nam, con gái bà Sự đã cho PV biết.
Khi PV hỏi, vì sao lại "nhiệt tình" chở các ông bà trên lên xã, ông Đạo trả lời ráo hoảnh: "Tui làm xe ôm, tui thương các cụ tuổi già sức yếu nên chở các cụ đi cho đỡ vất vả”. Xe ôm mà ra tận ruộng đón khách không có nhu cầu, rồi chở khách không lấy tiền nhưng lừa được ruộng đất như ông Đạo thì quả thật không nhiệt tình không được.
Trong đơn trả đất của bà Vũ Thị Sự, lập ngày 26/8/1997, có chữ ký của bà Sự và được ông Huỳnh Long, Chủ tịch UBND xã Bình An ký xác nhận là của bà Sự, trong khi bà không hề biết chữ. Đơn trả đất của ông Bùi Vịnh, lập ngày 27/8/1998, có xác nhận chữ viết và điểm chỉ của ông Bùi Vịnh, nhưng lúc đó ông Vịnh đã 85 tuổi và cũng không biết chữ, cho đến tận ngày 10/12/1998 mới được Chủ tịch UBND xã Bình An ký xác nhận (gần 4 tháng sau). Còn đơn trả đất của ông Nguyễn Mỹ cũng được lập ngày 27/8/1998, với nội dung tương tự như của ông Vịnh nhưng không có dấu lăn tay của ông Mỹ và xác nhận của UBND xã Bình An. Cả 2 đơn này đều do ông Đạo soạn sẵn.
Điều trớ trêu là cả 3 đơn đều có nội dung “trả lại đất cho ông Đinh Huy Năng vì lý do tuổi già sức yếu, không thể canh tác được nữa”, trong khi con cháu các cụ đều đang không có công ăn việc làm, chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng.
Lúc còn sống, bà Vũ Thị Sự đã nói trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương vào năm 2004 rằng: “Ruộng đất bác tôi cho (ông Bùi Tẽo - PV), tôi cấy từ năm 1973, bây giờ nó lấy đất rồi thì con cái chúng tôi thất nghiệp hết rồi”.
Ông Đinh Huy Năng cũng có phần đất ở gần đó, nhưng ở bên phường Long Bình (quận 9, TP Hồ Chí Minh). Vậy nhưng, ông Đạo đã kết hợp với chính quyền địa phương “phù phép” nó sang tận Bình Dương. Việc ông Đạo nhân danh ông Năng đòi đất của 3 hộ dân nói trên, ông Năng không hề hay biết, vì vào ngày 20/7/1999, tức là sau 1 năm ra đời 3 văn tự lừa đảo trả đất kia, ông Năng đã làm 7 văn tự và cũng đã được UBND xã Bình An ký xác nhận với nội dung: “Tôi có 2,4ha đất ruộng ở xứ Nghĩa Sơn, ấp Ngãi Thắng, xã Bình An, huyện Thuận An. Nay tôi đồng ý để cho hộ ông Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ, Vũ Thị Sự đứng tên và nộp thuế cho nhà nước và không tranh chấp số ruộng nói trên”.
Nguồn gốc đất ở đây cũng đã được UBND xã Bình An khẳng định một lần nữa là hoàn toàn không phải của ông Đinh Huy Năng bằng văn bản xác nhận nguồn gốc đất cho ông Bùi Tẽo (người được ông Vũ Khánh Tường giao cho từ năm 1973, sau đó ông Tẽo chia lại cho các hộ trên cày cấy). Trong hồ sơ kê khai nguồn gốc đất của ông Bùi Tẽo để xin cấp sổ đỏ, UBND xã Bình An đã xác nhận: “Ông Bùi Tẽo đang sử dụng diện tích 2.664m2 đất cấy lúa từ trước năm 1975 đến nay có nguồn gốc của ông Vũ Khánh Tường (đã qua đời), hiện nay không có tranh chấp”. Hồ sơ này đã được Chủ tịch UBND xã Bình An lúc đó là ông Huỳnh Long ký xác nhận vào ngày 18/10/2000.
Trong những lần được chính quyền xã Bình An mời về để hòa giải việc tranh chấp ruộng đất nói trên, ông Năng đã không về và dứt khoát trả lời rằng: “Tao có đi ăn cắp đâu mà tao về ký”.
Như vậy, rõ ràng nguồn gốc đất không phải của ông Đinh Huy Năng mà thuộc quyền sử dụng hợp pháp của 3 hộ dân trên, vì không có người nào đứng ra đòi đất và cũng không có người phải trả đất, duy chỉ có kẻ lừa đảo đã "vẽ" ra tất cả.
Chỉ có kẻ lừa đảo
Kẻ lừa đảo đã được xác định rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Đạo đã đạo diễn tất cả. Để thành công trong phi vụ lừa đảo này, công lớn phải kể đến sự giúp sức tận tình của nhiều cán bộ chính quyền địa phương, đặc biệt là Chủ tịch UBND xã Bình An lúc đó là ông Huỳnh Long.
Cho đến tận năm 2002, khi mà xe, máy của Công ty Hưng Đạo Container và Công ty Huy Hoàng xuất hiện, đổ đất san lấp mặt bằng thì các hộ dân mới biết, ruộng nhà mình đã bị lừa bán từ năm 2000.
Quá bức xúc, các hộ dân tại đây đã ngăn cản không cho 2 công ty mua đất từ “trên trời” kia tiến hành việc san lấp mặt bằng, thì được chìa cho xem 2 quyển sổ đỏ do UBND huyện Dĩ An cấp.
Đơn thư cầu cứu được các hộ dân gửi đến các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài tỉnh Bình Dương để mong bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Ngày 11/11/2002, ông Bùi Xuân Thủy đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, tố cáo ông Nguyễn Văn Đạo lừa đảo, chiếm đoạt ruộng đất của gia đình.
Ngày 21/1/2003, UBND huyện Dĩ An lúc đó có công văn chỉ đạo Công an huyện Dĩ An thụ lý xác minh đơn thư.
Qua xác minh, thấy có dấu hiệu tội phạm nên Công an huyện Dĩ An ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đạo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến ngày 17/7/2003, Công an huyện Dĩ An có công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dĩ An, đề nghị chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương thụ lý theo thẩm quyền.
Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Dĩ An ra Quyết định chuyển vụ án số 60/KSĐT ngày 21/7/2003 để chuyển vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương.
Trong suốt quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương, không hiểu do cố tình hay vô ý mà gây nên sự chậm trễ không có thông báo cho người bị hại cũng như những cơ quan chức năng khác.
Thậm chí, đến ngày 18/7/2005, tức hơn 2 năm sau ngày có quyết định khởi tố thì Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có Công văn số 146/VKS/P1 đốc thúc và đã kết luận “điều tra viên thụ lý vụ án đã vi phạm điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, để vụ án kéo dài”.
Trước sức ép của các cơ quan công quyền và người bị hại, mãi đến ngày 29/7/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương mới ra quyết đinh đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can với ông Nguyễn Văn Đạo, với lý do “hành vi của bị can Nguyễn Văn Đạo không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, ngay chính Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã vi phạm vào Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự khi thực thi điều tra vụ án vượt quá 16 tháng theo thời hiệu tối đa trong điều tra một vụ án hình sự đã quy định.
Công văn số 76/CAT-PC16 của Công an tỉnh Bình Dương trả lời UBND tỉnh đã nêu rõ: “Tất cả đơn kê khai nguồn gốc đất và đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Đinh Huy Năng đều do ông Nguyễn Văn Đạo ký tên, nhưng không có ủy quyền của ông Năng cho ông Đạo”. Như vậy là giả mạo hoàn toàn. Dấu hiệu lừa đảo đã quá rõ ràng. Hành vi của ông Nguyễn Văn Đạo đã thực hiện xong, ruộng đất đã lừa đảo bán trót lọt (chỉ riêng hợp đồng bán đất cho ông Nguyễn Huy Hoàng, ông Đạo đã “đút túi” số tiền 459.440.000 đồng vào năm 2001), đủ thấy đây là vụ án lừa đảo đặc biệt nghiêm trọng, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương vẫn… bỏ qua một cách khó hiểu!
Những cán bộ tiếp tay cho ông Nguyễn Văn Đạo lừa đảo đã bị kỷ luật, mà điển hình là ông Huỳnh Long đã bị giáng chức từ Chủ tịch UBND xã xuống làm Chủ tịch Quỹ Tín dụng Bình An. Một số cán bộ khác cũng bị những hình thức kỷ luật tương tự.
Còn "đạo diễn" của vụ lừa đảo thì vẫn sống “nhởn nhơ” như "ông hoàng” trước con mắt đau khổ của những người dân bị lừa mất đất. Không những thế, những người dân này thỉnh thoảng còn nhận được sự đe dọa, thách thức từ chính ông Đạo mà không biết kêu ai? Họ đã đặt niềm tin vào chính quyền, và những cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, niềm tin đó bị coi nhẹ, làm hy vọng của những hộ dân này cứ như đang đi vào ngõ cụt, không biết bao giờ mới thấy đường ra. Họ chỉ mong pháp luật được thực hiện thật nghiêm minh, đúng như những gì họ đã sống và chấp hành.
Kẻ lừa đảo đã thực hiện xong hành vi, đất ruộng cũng đã bị bán. Các cụ được trực tiếp chia đất từ năm 1973, nay đã không còn nữa. Nhưng ,con cháu các ông, bà Bùi Vịnh, Nguyễn Mỹ và Vũ Thị Sự quyết tâm đến cùng đi đòi chính quyền tỉnh Bình Dương trả lại những gì thuộc về họ, trả lại quyền, lợi ích hợp pháp của họ, để những người đã nằm xuống được an ủi.
Nam Dũng