Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tòa xử quyết định nào cũng là “quyết định thu hồi đất”

Thứ hai, 10/06/2013 - 11:09

(Thanh tra) - Ngày 2/7/2012, TAND quận Bình Tân mở phiên xét xử vụ khiếu kiện hành chính yêu cầu “tuyên hủy” Quyết định 11478/QĐ ngày 19/10/2009 bồi thường thu hồi đất của UBND quận Bình Tân.

Bà Nuôi cùng con trai Lâm Tuấn Kiệt trước hồ sơ khiếu kiện. Ảnh: Trúc Lâm.

Bên nguyên đơn cả 7 người con của gia đình bà Nuôi (do con dâu Lương Thị Thúy Liễu đại diện tranh tụng) đều có mặt tại tòa. Phía bị đơn là UBND quận Bình Tân do Phó Ban Bồi thường đại diện nhưng “xin xét xử vắng mặt và yêu cầu giữ nguyên quyết định bồi thường” của UBND quận...

Thừa nhận “gia đình bà Nuôi có 1.609,5m2 đất bị giải tỏa”, nhưng TAND quận Bình Tân không nêu diện tích bị thu hồi vừa nêu là theo quyết định nào. Căn cứ Quyết định bồi thường 11478 ngày 19/10/2009 của UBND quận Bình Tân cũng như Quyết định giải quyết khiếu nại 5381/QĐ ngày 8/11/2011 của UBND TP Hồ Chí Minh, Bản án sơ thẩm số 05/ST ngày 2/7/2012 của TAND quận Bình Tân đã tuyên “giữ nguyên Quyết định 11478 ngày 19/10/2009 về bồi thường 2,8 triệu đồng/m2 của UBND quận là phía bị đơn” và “bác yêu cầu bồi thường đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi khoảng 20 triệu đồng/m2 của bên nguyên đơn”.

Không đồng ý với án sơ thẩm, gia đình bà Nuôi kháng cáo yêu cầu TAND TP Hồ Chí Minh “tuyên hủy” Bản án sơ thẩm số 05/ST ngày 2/7/2012 của TAND quận Bình Tân.

Tại phiên phúc thẩm ngày 26/9/2012, TAND TP Hồ Chí Minh có nêu các quyết định thu hồi đất của UBND TP, nhưng điều “không bình thường” là tòa lại cho rằng: “Cho dù 1.609,5m2 đất thu hồi theo Quyết định 2877/QĐ ngày 11/7/2002 hay Quyết định 2880/QĐ ngày 29/6/2007 đều phải thực hiện theo Phương án bồi thường 286/PA ngày 21/9/2004 đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt”. Thừa nhận “từ lúc phê duyệt phương án năm 2004 đến lúc bồi thường năm 2008 là có chậm và lỗi thuộc về UBND quận Bình Tân”, nhưng tòa cho rằng: “Tuy giá đất bồi thường 2,8 triệu đồng/m2 có thấp hơn giá đất 3,1 triệu đồng/m2 theo giá đất công bố năm 2008 của UBND TP, nhưng sau đó gia đình bà Nuôi được hưởng thêm lãi suất nên không ảnh hưởng quyền lợi”.

Đối với yêu cầu “bồi thường đất theo giá thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2 tại thời điểm thu hồi theo quy định pháp luật”, tòa cho rằng, Phương án 286/PA ngày 21/9/2004 của UBND quận Bình Tân, được UBND TP phê duyệt ngày 17/11/2004 trước Nghị định 197/CP nên không áp dụng.

Bản án phúc thẩm số 1235/PT ngày 26/9/2012 của  TAND TP Hồ Chí Minh tuyên “giữ nguyên” bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, Quyết định 2877/QĐ ngày 11/7/2002 của UBND TP Hồ Chí Minh chỉ là quyết định giao đất cho Ban Quản lý đầu tư dự án, còn Quyết định 2880/QĐ ngày 29/6/2007 của UBND TP mới là quyết định thu hồi đất, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

Nếu cho rằng “cả 2 quyết định vừa nêu đều là quyết định thu hồi đất”, thì khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “Trường hợp các văn văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau”.

Đối với Phương án bồi thường 286/PA của UBND quận Bình Tân dù đã được phê duyệt ngày 17/11/2004, nhưng phương án này áp dụng Nghị định 22/CP ngày 24/4/1998 đã hết hiệu lực. Ngày 3/12/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định 197/CP hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2003, lẽ ra lúc này phải lập lại phương án bồi thường theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, đến ngày 9/3/2009, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn cho phép UBND quận Bình Tân “tiếp tục thực hiện” phương án bồi thường cũ, là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trở lại Quyết định 11478/QĐ bồi thường thu hồi đất ngày 19/10/2009 của UBND quận Bình Tân, chúng tôi nhận thấy diện tích 1.609,5m2 đất ở của gia đình bà Nuôi bị thu hồi theo Quyết định 2880/QĐ ngày 29/6/2007 của UBND TP. Theo Nghị định 197/CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ, tại Điều 9 khoản 1 quy định: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi do UBND cấp tỉnh, thành công bố theo quy định của Chính phủ”. Thời điểm này, giá đất trên địa bàn theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh là 3,1 triệu đồng/m2, nhưng quyết định vừa nêu của UBND quận Bình Tân áp giá 2,8 triệu đồng/m2 để tính bồi thường là vi phạm pháp luật. Mặt khác, việc thu hồi đất của gia đình bà Nuôi từ năm 2007, nhưng đến năm 2009 UBND quận Bình Tân mới ra quyết định bồi thường “là có chậm” như tòa phúc thẩm đã nhận đinh. Vấn đề này, khoản 2 Điều 9 Nghị định 197/CP ngày 3/12/2004 đã quy định: “Trường hợp bồi thường chậm do cơ quan tổ chức có trách nhiệm gây ra, mà giá đất tại thời điểm bồi thường cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi, thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm chi trả tiền bồi thường”.

Liên quan yêu cầu “bồi thường theo giá thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2 tại thời điểm thu hồi đất theo quy định pháp luật” của gia đình bà Nuôi, chúng tôi nhận thấy Nghị định 84/CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, tại điểm c khoản 4 Điều 58 đã quy định: “Trường hợp phương án bồi thường đã có quyết định phê duyệt trước ngày Nghị định 197/CP có hiệu lực, nhưng chưa thực hiện chi trả bồi thường, mà sau đó giá đất cao hơn giá đất đã phê duyệt, thì thực hiện điều chỉnh giá đất theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 197/CP ngày 3/12/2004 (đã nêu) và khoản 2 Điều 4 Nghị định 17/CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ”. Đó là “trường hợp tại thời điểm có quyết định thu hồi đất mà giá đất chưa sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường thì UBND cấp tỉnh, thành quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp”.

Xin nhắc lại, cùng với giá đất thị trường khoảng 20 triệu đồng/m2 như đã nêu, ngày 29/6/2007, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể, ngày 19/10/2009 UBND quận Bình Tân mới có quyết định bồi thường, đến ngày 6/11/2009 gia đình bà Nuôi mới được chi trả tiền bồi thường.

Thiết nghĩ, vụ khiếu kiện hành chính “yêu cầu hủy quyết định bồi thường thu hồi đất của UBND quận Bình Tân” cần phải được xem xét một cách nghiêm túc trên cơ sở quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Hiện, TAND Tối cao đã nhận được đơn khiếu nại của gia đình bà Nuôi đề nghị, xem xét lại bản án của các cấp tòa TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ phản ánh khi có thông tin cần thiết.

Sau khi Phương án bồi thường 286/PA ngày 21/9/2004 được phê duyệt, ngày 29/3/2005, UBND quận Bình Tân đã có Công văn 230/UB gửi UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo: “Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, phối hợp với chủ đầu tư và UBND 8 phường, tổ chức 13 cuộc họp để công bố phương án bồi thường. Kết quả, hầu hết các hộ dân có dự án đi qua bị ảnh hưởng đều phản đối, các ý kiến tập trung kiến nghị phải nâng giá bồi thường và nền tái định cư”.

Trúc Lâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm