Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tình trạng khai thác đá trái phép vẫn âm ỉ do buông lỏng quản lý

Minh Tân

Thứ hai, 15/07/2024 - 13:00

(Thanh tra) - Với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, một số cá nhân trên địa bàn các xã phía Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn tổ chức khai thác, thu gom, tập kết và chế biến đá bazan trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này hiện chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý triệt để.

Dù UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu dừng khai thác, vận chuyển đá, nhưng những bãi đá trái phép vẫn ngày càng nhiều hơn. Ảnh: Minh Tân

Xử lý khi… sự đã rồi

Trước những thông tin phản ánh của Báo Thanh tra, UBND huyện Gio Linh đã tổ chức đoàn kiểm tra. Ông Phan Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, qua kiểm tra, xác định việc phản ánh của báo chí là có cơ sở. Cụ thể, tại địa bàn các xã Gio An, Phong Bình có việc đá bazan được tập kết dọc các tuyến đường, trong các lô cao su có hiện tượng việc đào xới đất để lấy đá.

Để chấm dứt tình trạng khai thác đá bazan trái phép, UBND huyện Gio Linh yêu cầu Công an huyện, UBND các xã Phong Bình, Gio An, Hải Thái, Gio Sơn, Linh Hải, Linh Trường, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, các cơ quan liên quan… tiến hành thống kê các bãi tập kết đá bazan trên địa bàn về: Diện tích, khối lượng, chủ sử dụng đất và người tập kết đá. Đồng thời, làm việc với các nông trường cao su để làm rõ việc khai thác đá bazan tại các lô cao su của nông trường cao su quản lý.

Những bãi đá với dấu vết mới khai thác được tập kết khắp các tuyến đường. Ảnh: Minh Tân

Công an huyện Gio Linh chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND các xã tổ chức kiểm tra, xác minh nguồn gốc đá bazan đang tập kết tại các bãi tập kết và đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật. UBND huyện cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị chỉ đạo các nông trường cao su dừng việc khai thác đá bazan và chuyển đá bazan ra khỏi lô cao su.

Đó cũng chỉ một trong những vụ việc khai thác đá trái phép mà báo chí phản ánh mới được kiểm tra, xử lý. Dù trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản gửi các sở, ban, ngành, các đơn vị chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đá "bủa vây" cả Trung tâm Học tập cộng đồng thôn Trí Tiến, xã Gio Sơn. Ảnh: Minh Tân

Vào thời điểm tháng 6 năm 2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, Công an huyện Gio Linh đã tiến hành kiểm tra, rà soát. Qua đó, xác định tính đến thời điểm kiểm tra trên địa bàn các xã Gio Sơn, Linh Hải, Phong Bình, Gio An và Trung Sơn có hơn 19.300m3 đá bazan tại các bãi tập kết. Thế nhưng, có trên 8.930m3 đá không có giấy phép. Nếu tính sơ bộ với mức giá từ 250.000 đồng - 400.000 đồng/m3 đá, thì số lượng đá được khai thác, tập kết trái phép có trị giá hàng tỷ đồng.

Theo Công an huyện Gio Linh, đa số các bãi tập kết đá bazan có khối lượng lớn (trên 500m3) của một số cá nhân được UBND huyện Gio Linh cấp giấy đăng ký vận chuyển, thu gom từ năm 2022 trở về trước. Bên cạnh đó, số lượng đá nhiều nhưng việc bán ra thị trường chậm dẫn đến tồn đọng ở bãi, từ đó dẫn đến các bãi đá lớn, khó kiểm kê được.

Thực tế hơn 1 năm qua, sau khi UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Gio Linh dừng việc cấp giấy đăng ký vận chuyển, thu gom, nhưng những bãi tập kết đá lớn vẫn không hề vơi đi, thay thế vào đó là số lượng đá mới được khai thác, thu gom, vận chuyển trái phép tập kết càng nhiều hơn. Đa phần chủ những bãi đá có khối lượng lớn đều làm nghề xẻ đá từ thô sơ đến chế biến các loại đá xẻ, cung cấp cho các công trình thi công kè chống sạt lở.

Một xã có hàng chục bãi tập kết đá

Tại địa bàn xã Gio Sơn, các bãi tập kết đá không chỉ tập kết dọc theo 2 bên tuyến đường mà còn trong nhà dân. Thậm chí, đá được tập kết, cưa xẻ bủa vây Trung tâm Học tập cộng đồng thôn Trí Tiến và cạnh cả di tích lịch sử Chiến thắng Nam Đông - đường 74.

Qua kiểm tra, rà soát của Công an huyện Gio Linh, thời điểm tháng 6/2023, tại địa bàn các xã phía Tây huyện Gio Linh có 83 bãi tập kết đá, trong đó xã Gio Sơn có đến 39 bãi tập kết đá, chiếm khối lượng lớn nhất trên địa bàn huyện Gio Linh. Cụ thể, số lượng đá tập kết tại xã Gio Sơn là hơn 12.400m3 đá, trong đó có gần 5.900m3 đá không có giấy phép, chứng minh nguồn gốc. Đáng chú ý, bãi tập kết đá của ông Dương Văn Tráng (thôn Trí Tiến, xã Gio Sơn) là lớn nhất với 7.500m3 đá, tuy nhiên trong đó có 4.000m3 đá bazan không có giấy phép. Chưa kể, cá nhân này còn có bãi tập kết đá tại địa bàn xã Trung Sơn với 2.000m3 đá nhưng không có giấy phép, chứng minh nguồn gốc.

Xưởng đá trái phép tồn tại nhiều năm qua nhưng không hề bị xử lý. Ảnh: Minh Tân

Lãnh đạo UBND xã Gio Sơn cũng thừa nhận, việc các bãi tập kết đá trên địa bàn xã tồn tại nhiều năm qua. Cá nhân ông Tráng là 1 trong 3 trường hợp chuyên đi khai thác, thu gom đá từ các địa bàn khác rồi về tập kết tại địa bàn xã Gio Sơn.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại việc chế biến thô sơ, ông Dương Văn Tráng, Giám đốc Công ty TNHH Song Minh Tiến mở một xưởng chế biến đá ngay trên địa bàn xã. Xưởng đá này được đầu tư với hệ thống máy móc, nhà xưởng và được ông Tráng giới thiệu chuyên cung cấp đá làm lăng mộ, đá viên, đá lát, đá lát sân vườn, bàn ghế đá.

Lãnh đạo UBND xã Gio Sơn thừa nhận xưởng đá này xây dựng trên phần đất ở của hộ gia đình ông Tráng và chưa hề được chuyển đổi vào mục đích thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh.

Những bãi tập kết đá trái phép vẫn cứ tồn tại, tình trạng khai thác đá trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để trên địa bàn các xã phía Tây huyện Gio Linh. Ảnh: Minh Tân

“Khi xưởng đá do ông Tráng hoạt động, UBND xã cũng đã trao đổi với chủ cơ sở và yêu cầu việc thực hiện kinh doanh phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Thời điểm đó, chủ cơ sở Dương Văn Tráng có trả lời là đang hoàn thành các bước thủ tục, hồ sơ để cấp phép. Tuy nhiên, đến nay gần 2 năm qua thì xưởng đá vẫn chưa hề có giấy phép hoạt động”, ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn cho hay.

Điều lạ là, dù chưa hề có giấy phép hoạt động nhưng xưởng đá này vẫn tồn tại, hoạt động suốt 2 năm qua, chính quyền UBND xã Gio Sơn cũng không hề có một biện pháp nào. Chưa kể, ngay chính Phòng TN&MT huyện Gio Linh cũng biết việc xưởng đá trái phép trên tồn tại, thậm chí cả 1 xưởng đá trái phép khác tại địa bàn xã Trung Sơn. Tuy vậy, vẫn không hề có động thái xử lý quyết liệt khiến tình trạng “đá lậu” vẫn âm ỉ tiếp diễn và diễn biến phức tạp ở các xã miền Tây huyện Gio Linh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm