00:00
00:00
00:00

Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiệt hại quá lớn nên người dân chưa đồng thuận?

Hiếu - Quý

Thứ ba, 18/01/2022 - 16:36

(Thanh tra) - Dù được phê duyệt theo các quy trình và phục vụ chính con em của địa phương, nhưng dự án xây dựng Trường THCS Hữu Bằng nhiều năm qua không thực hiện được. Điều đáng nói là 100% dân cư chịu ảnh hưởng đều tha thiết đề nghị di chuyển vị trí xây dựng trường vì gây thiệt hại quá lớn đến nhân dân.

100% cư dân có đất chịu ảnh hưởng bởi dự án Trường THCS Hữu Bằng tha thiết đề nghị di chuyển vị trí xây dựng trường. Ảnh: PV

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực được cắm mốc giới giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án Trường THCS Hữu Bằng nằm gọn trong khu vực nhà xưởng sầm uất nhất nhì của địa phương. Toàn bộ nhà xưởng san sát với hệ thống máy móc lớn. Ngõ nhỏ, đường cũng không đủ rộng nhưng lượng xe chuyên chở hàng hóa ra vào tấp nập. Đi sâu vào con ngõ nhỏ, nhìn qua nhà thờ họ Nguyễn Hữu còn lại một diện tích rất nhỏ thuộc diện thu hồi đang là đất ruộng.

Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện gần 30 hộ dân trong mốc giới phải giải phóng mặt bằng đau đáu và bức xúc.

Ông Nguyễn Duy Chín cho biết: "Năm 2019, chúng tôi được biết UBND huyện Thạch Thất có chủ trương đầu tư xây dựng Trường THCS Hữu Bằng. Đến năm 2020, UBND huyện Thạch Thất ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Hữu Bằng trên địa bàn xã Hữu Bằng. Vị trí dự kiến thu hồi đất thuộc khu đất mà gần 30 hộ gia đình có lán xưởng, nhà ở, nhà thờ họ và sinh sống nhiều năm ổn định, không có tranh chấp. Chúng tôi đã tạo lập nhiều tài sản, công trình kiến trúc kiên cố trên đất, sản xuất làng nghề mộc với máy móc lớn, cố định".

Các hộ dân đều cho rằng việc xây dựng Trường THCS kẹt giữa 2 đầu nhà xưởng của làng nghề cho thấy nhiều bất cập, gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Ảnh: LP

Cũng theo ông Chín, cuối năm 2020, các hộ dân có nhiều đơn kêu cứu đến UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất về việc UBND huyện Thạch Thất, UBND xã Hữu Bằng yêu cầu Công ty Cổ phần Tây Phương tạm ngừng cấp điện đối với các hộ gia đình, nhà thờ họ thuộc dự án Trường THCS Hữu Bằng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân. Đồng thời có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét di dời dự án đầu tư xây dựng Trường THCS Hữu Bằng sang vị trí đất khác, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, không gây tổn hại đến lợi ích của các hộ dân. Tuy nhiên đến nay các hộ dân chưa nhận được phản hồi nào từ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiến nghị này.

“Hiện nay, UBND huyện Thạch Thất vẫn tiếp tục thực hiện kiểm đếm, xác định chủ sử dụng đất, tài sản trên đất để thực hiện kế hoạch thu hồi đất nêu trên. Những việc làm trên gây thiệt hại vô cùng lớn cho nhân dân chúng tôi và gây ra những bất cập, thậm chí nguy hiểm tiềm tàng nếu dự án được thực hiện”, ông Chín bức xúc.

Ông Vũ Hữu Tiến, hộ dân có nhà ở và nhà xưởng bị thu hồi cho biết: "Nhân dân chúng tôi nhận thấy dự án xây dựng Trường THCS Hữu Bằng trong khu dân cư giống vết mổ moi khi mổ con gà vậy, rất nguy hiểm khi bị bịt 2 đầu. Mốc giới các cơ quan chức năng cắm để xây trường cách mặt đường khoảng 50 - 60m, bị bịt kín bởi các nhà xưởng và bớt lại cuối ngõ dân sinh khoảng 20m, cũng đã được bịt kín bởi các nhà xưởng. Ngõ nhỏ, mật độ dân cư và nhà xưởng đông. Nếu trường có xây xong mà xảy ra cháy nổ cũng không có lối thoát".

Vị trí dự kiến thu hồi đất (nhà xưởng bên phải ảnh) để xây dựng Trường THCS Hữu Bằng thuộc phần đất của gần 30 hộ gia đình có lán xưởng, nhà ở sinh sống nhiều năm ổn định, không tranh chấp. Ảnh: LP

Chị Thanh, một hộ dân trong khu vực cũng bức xúc: "Chúng tôi rất khó hiểu về dự án xây dựng Trường THCS Hữu Bằng vì năm 2018, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng có mời chúng tôi lên trao đổi về thông tin này, chúng tôi không đồng ý. 100% các hộ dân được gọi hỏi đều không đồng ý vì nếu thu hồi đất để xây trường thì gây thiệt hại quá lớn. Thậm chí nhiều hộ gia đình bị đẩy đến bờ phá sản vì vay mượn ngân hàng số lượng lớn để sản xuất, kinh doanh. Khi các hộ dân có ý kiến như vậy, ông Phó Chủ tịch UBND xã đã nói, nếu nhân dân không đồng ý thì cũng không làm. Chúng tôi cũng được biết UBND huyện cho xây dựng Trường Tiểu học ở khu cuối làng bên, rìa làng, nằm trọn ở phần đất ruộng, không ảnh hưởng đến phần đất người dân đang sinh sống và kinh doanh. Chúng tôi rất ủng hộ dự án đó và đề nghị dừng việc xây Trường THCS tại vị trí này khi tài sản, nhà ở và nhà xưởng của chúng tôi đã ăn ở ổn định từ hơn 20 năm qua, nhiều hộ không có chỗ ở nào khác. Đó là còn chưa kể, Trường THCS vẫn còn đất để mở rộng. Do vậy, việc tính toán thu hồi đất, nhà xưởng, nhà ở của các hộ dân để xây dựng Trường THCS là không hợp lý".

Ông Nguyễn Duy Hiền cho biết thêm: Gần 30 hộ dân nằm trong dự án đã làm nhà xưởng và sinh sống tại khu vực này nhiều năm qua. Hộ ở lâu nhất như ông Vũ Hữu Tiến, ông Nguyễn Duy Nghĩa, Vũ Hữu Thịnh, Vũ Hữu Giang và Nguyễn Văn Lực đã xây dựng nhà ở và nhà xưởng từ năm 2003. Hộ nhà tôi và nhà ông Nguyễn Duy Chiến xây dựng và ở từ năm 2005. Hộ ông Nguyễn Duy Hùng xây nhà từ năm 2004. Hộ ông Vũ Đình Cường, Nguyễn Duy Lương, Nguyễn Đình Thành xây nhà ở từ năm 2007… Trong đó có nhà xây dựng kiên cố. Tất cả các hộ dân đều vừa làm nhà xưởng vừa ăn ở, sinh sống tại đây.

Phần nhà xưởng (bên trái ảnh) là phần đất được cắm mốc xây dựng Trường THCS Hữu Bằng. Ảnh: LP

“Có thể nói, toàn bộ tài sản của chúng tôi đều chắt bóp, dồn vào xây dựng nhà xưởng. Hữu Bằng là xã làng nghề mộc, các thế hệ con cháu cũng sinh sống bằng nghề mộc. Nếu tính sơ bộ, hằng năm, chỉ trong diện tích đất bị cắm mốc giới xây dựng Trường, số lượng hàng hóa, vốn hàng lưu động của các hộ gia đình là nhiều trăm tỷ đồng. Trong số đó, một phần không nhỏ là vốn vay của ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Chưa kể, khu đất bị thu hồi cũng bao gồm cả khuôn viên 2 nhà thờ lớn của địa phương là nhà thờ họ Nguyễn Hữu và nhà thờ họ La Văn với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông. Rồi dự án trường được cắm lọt thỏm trong làng nghề mộc cũng không đảm bảo về môi trường và an toàn cháy nổ. Do vậy, việc thu hồi đất làng nghề và hệ thống nhà xưởng của các hộ dân chúng tôi để xây dựng trường trong khi xã còn nhiều khu đất phù hợp hơn là không hợp lý”, ông Nguyễn Duy Chín khẳng định.

Dự án xây dựng Trường THCS Hữu Bằng đã được phê duyệt có quy mô như thế nào? Lộ trình để thực hiện dự án ra sao? UBND huyện Thạch Thất đã thực hiện các thủ tục gì để thu hồi khu đất nông nghiệp được mệnh giá đắt hơn vàng nói trên?

Chúng tôi sẽ trở lại trong bài viết sau để rộng đường dư luận.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á bán tài sản lấy tiền cho các cá nhân vay?

Bài 2: CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á bán tài sản lấy tiền cho các cá nhân vay?

(Thanh tra) - Thu về hơn 122 tỷ đồng từ việc bán cổ phần của các doanh nghiệp liên quan, sau đó, lập tức chi 156 tỷ đồng cho các cá nhân vay. Thế nhưng, tài sản bảo đảm và những cá nhân này có mối liên kết nhiều tầng, như một "bùng binh" để xoay vòng dòng tiền của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á.

Nhóm phóng viên

15:42 10/04/2025
Bài 1: Loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment: Giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á không bằng “ly trà đá”

Bài 1: Loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment: Giá cổ phiếu CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á không bằng “ly trà đá”

(Thanh tra) - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm tại Dự án Khách sạn Đông Á Premier and Apartment do Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH) làm chủ đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4/2024, cổ phiếu DAH của doanh nghiệp này niêm yết ở mức 2.850 đồng/cổ phiếu, không bằng giá một ly trà đá trên thị trường hiện nay.

Nhóm phóng viên

10:00 10/04/2025

Tin mới nhất