Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Bình: Giao đất bãi bồi trái quy định không được người dân đồng tình

Bài và ảnh: Trần Quốc Khải

Thứ sáu, 15/09/2023 - 10:27

(Thanh tra) - Hàng trăm ha đất nuôi trồng thuỷ sản được giao cho các cơ quan, doanh nghiệp trái quy định. Sau đó, các đơn vị này chuyển nhượng với giá trị hàng trăm triệu đồng. Rừng ngập mặn bị thu hẹp làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Đầm nuôi trồng thủy sản được UBND huyện Tiền Hải cấp cho cơ quan sau đó chuyển nhượng lại cho người dân sử dụng

Giao đất trái quy định, gây bức xúc trong nhân dân

Bạn đọc cho biết, từ năm 2002, UBND huyện Tiền Hải có quyết định cho các cơ quan, doanh nghiệp (35 đơn vị) của tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải thuê đất để thực hiện việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo mô hình ao tôm Hồng Kông (ao tôm sinh thái) trên địa bàn xã Nam Phú với diện tích lớn lên đến hàng trăm ha.

Sau khi có quyết định của UBND huyện Tiền Hải, giao đất và công nhận chủ đầm, các cơ quan này không tổ chức sản xuất mà đồng loạt hợp thức hóa bằng việc sang tên, sang nhượng lại diện tích được giao cho người dân trong, ngoài địa phương. Sau đó người dân tự ý cải tạo đầm bãi chuyển đổi mục đích sử dụng khiến diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, gây bức xúc cho dư luận.

Theo tìm hiểu của cộng tác viên Báo Thanh tra, năm 2000, UBND tỉnh Thái Bình ban hành quy định về việc cho thuê đất vùng triều, đất đầm nuôi trồng thuỷ sản ven sông, ven biển. Đối tượng được thuê là các hộ ngư dân, nông dân địa phương đang sinh sống ở vùng ven sông, ven biển có nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại quyết định này, UBND tỉnh Thái Bình không đề cập đến đối tượng được thuê là cơ quan, doanh nghiệp.

Người dân cho rằng, việc UBND huyện Tiền Hải ra quyết định giao đất cho các cơ quan, doanh nghiệp với thời hạn 20 năm là không đúng đối tượng, trái với quy định, không đúng chủ chương của UBND tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, người dân chỉ ra, đầm NTTS của Văn phòng Huyện ủy được UBND huyện Tiền Hải ra quyết định cho thuê, công nhận chủ đầm bằng Quyết định số 395, diện tích 6ha; thời hạn 20 năm từ ngày 14/12/2001 đến 31/12/2021, do ông Ngô Xuân Chiến, Chánh Văn phòng Ban Chấp hành Huyện ủy làm chủ đầm.

Tuy nhiên, đến ngày 2/6/2002, sau khi nhận được quyết định cho thuê đất và công nhận chủ đầm, đơn vị này lại có văn bản ủy quyền lại cho ông Phạm Hoài N. có địa chỉ tại (xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được quyền sử dụng vùng đầm trên để thực hiện việc NTTS theo mô hình ao tôm sinh thái và được UBND xã Nam Phú ký hợp đồng thuê đất để NTTS ngày 1/1/2002.

Tại thời điểm cộng tác viên Báo Thanh tra tác nghiệp, chủ đầm là một hộ dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định, mặt bằng gần 6ha đầm đã được cải tạo, không còn bóng cây rừng ngập mặn. Đầm đã được đắp bờ, chia nhỏ thành những ô vuông vức, ngăn cách bởi những con đường nhỏ đã được trải một lớp đá dăm làm lối đi quanh các ao. Chủ đầm cho biết, các ao này dùng để nuôi tôm thẻ chân trắng và vèo ngao giống.

Ông Vũ Xuân Nam, trú tại thôn Bình Hành, xã Nam Phú cho biết, đất bãi đầm là nhu cầu canh tác, tư liệu sản xuất của người dân xã Nam Phú, nhưng những năm qua, nhiều diện tích đất đầm người dân trong xã lại không được làm chủ. Đối với các cơ quan và doanh nghiệp, sau khi có quyết định của UBND huyện Tiền Hải giao đất và công nhận chủ đầm, không tổ chức sản xuất mà đồng loạt hợp thức hóa bằng việc sang tên lại diện tích được giao cho người dân trong, ngoài địa phương thu lợi hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng trên một đầm.

“Người dân chúng tôi muốn có đầm thì phải lên sàn đấu giá từ 5 đến 7 triệu đồng/ha/năm, có những đầm tới 13 triệu/năm trong khi các cơ quan của huyện lại được giao hàng trăm ha, chỉ nộp tiền thuê đất hàng năm. Vì cuộc sống mưu sinh, cuộc sống gia đình nông dân phải chấp nhận đi thuê lại của họ với giá cao”, ông Nam nói và đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất đầm cấp sai, xử lý nghiêm cán bộ liên quan. Đối với diện tích đất sau khi thu hồi cần giải pháp có lý, có tình để người dân trong xã tin tưởng thưc hiện.

Ông Trần Ngọc Vĩnh, thôn Thuý Lạc cho biết thêm, các cơ quan, doanh nghiệp khi được giao đầm không qua đấu giá là không đúng đối tượng, trái với quyết định của UBND tỉnh. Họ lợi dụng cơ chế chính sách để trục lợi cho bản thân. Việc làm này gây thất thoát kinh tế của Nhà nước là rất lớn, cần phải điều tra trong đó khẳng định có lợi ích nhóm hay không?

“Người ta giao đất cho anh rồi, anh không trực tiếp sản xuất, lại bán lại cho người dân thu tiền làm quỹ vậy số tiền đó vào quỹ gì, đang ở đâu”, ông Vĩnh đặt câu hỏi.

Xem nhẹ chính quyền cấp xã?

Quyết định của UBND tỉnh Thái Bình nêu rất rõ về vai trò cấp xã trong việc cho thuê đất: UBND xã xây dựng phương án (xác định đối tượng được thuê, diện tích, vị trí, mức giá cho thuê, thời gian thuê)… đề nghị UBND huyện phê duyệt…

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú, cho biết, toàn bộ các ô đầm giao cho cơ quan, doanh nghiệp UBND xã chỉ quản lý về mặt hành chính, quyết định giao đất do UBND huyện ban hành. “UBND xã chỉ lưu danh sách các cơ quan, doanh nghiệp có đầm trên địa bàn xã, còn việc xác định đối tượng thuê, thu thuế sử dụng đất và các khoản thu khác xã không quản lý việc này”, ông Khương nhấn mạnh.

Trong các quyết định cho thuê đầm mà ông Đặng Văn Khương chuyển (chưa đủ), chúng tôi thấy có cả quyết định cho thuê đất do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Bùi Tiến Dũng ký ngày 5/02/2002, quyết định cho Doanh nghiệp Hải Dương thuê 100.156,4m2, thời hạn giao đến hết ngày 31/12/2020.

Phóng viên nêu câu hỏi: Tại sao có hiện tượng này? Chủ tịch UBND xã Nam Phú trả lời: Đó là quyết định của cấp trên! Đơn vị này đến nay đã hết thời hạn thuê đất nhưng doanh nghiệp vẫn chưa trả lại mặt bằng cho xã.

Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết thêm: Nhân dân trong xã cũng rất bức xúc về việc này, họ cho rằng quyền lợi của chính họ đang bị xâm phạm, tôi có giải thích để họ hiểu đây là quyết định từ tỉnh và huyện. Đối với UBND xã, chỉ biết chấp hành. Trước đây Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thái Bình đã về xác minh, kiểm tra những tồn tại này, nhưng sau đó kết luận thế nào tôi không biết.

Phóng viên hỏi thêm: Các đơn vị thuê đất hàng năm có đóng góp gì cho địa phương không? Ông Đăng Văn Khương trả lời dứt khoát là “chả có đóng góp gì”!

Để làm rõ những nội dung liên quan, phóng viên đã đặt lịch làm việc với Bí thư  Huyện ủy Tiền Hải Nguyễn Xuân Khánh, Chánh Văn phòng Huyện uỷ Đặng Xuân Diệu tiếp nhận những thông tin từ ngày 20/8/2023. Đến nay, sau nhiều lần gọi điện và nhắn tin, chúng tôi vẫn chưa được Chánh Văn phòng và Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Khánh trả lời hay bố trí làm việc.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm