Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nộp tiền “bồi dưỡng” mới được cấp giấy đi đường tại Đông Anh?

Hoàng Long

Thứ ba, 05/10/2021 - 22:09

(Thanh tra)- Trong thời gian thực hiện giãn cách theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại thành phố Hà Nội, nhiều tiểu thương tại chợ Kim Nỗ, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh cho biết, phải nộp khoản tiền “bồi dưỡng” khi xin cấp giấy đi đường để được đi chợ, kinh doanh, buôn bán kiếm sống.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của các tiểu thương, do vậy các tiểu thương bức xúc vì cho rằng phải đóng nhiều khoản tiền thiếu minh bạch. Ảnh: Hoàng Long

Đơn thư của nhiều tiểu thương tại chợ Kim Nỗ nêu: “Trong thời gian, thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc cấp giấy đi đường cho bà con tiểu thương đang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại chợ Kim Nỗ phải do Ban Quản lý chợ Kim Nỗ lập danh sách các tiểu thương có vị trí gian hàng ổn định tại chợ, sau đó liên hệ với UBND Kim Nỗ để xác nhận vào giấy đi đường cho bà con tiểu thương. Tuy nhiên, có hiện tượng Ban Quản lý chợ Kim Nỗ thu phí mỗi trường hợp xin giấy đi đường 100.000 đồng đối với 1 trường hợp”.

Theo Văn bản số 2574/UBND-KT ngày 11/8/2021 của UBND huyện Đông Anh, trong thời gian giãn cách xã hội, Ban Quản lý chợ có trách nhiệm lập danh sách nhân viên Ban Quản lý, các tiểu thương có vị trí gian hàng ổn định tại chợ và trực tiếp liên hệ với UBND xã, thị trấn nơi tiểu thương, nhân viên Ban Quản lý chợ cư trú để xác nhận vào giấy đi đường và gửi lại cho từng tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí, bà Lê Thị Mai Hương, bán mặt hàng tôm tại chợ Kim Nỗ cho biết, sau khi nghỉ ở nhà nửa tháng, do muốn đi tới chợ để kinh doanh, buôn bán trong thời gian giãn cách xã hội nên phải xin cấp giấy đi đường từ Ban Quản lý chợ Kim Nỗ. Sau nghe tiểu thương khác kể về việc bị “bắt” đóng 100.000 đồng để được cấp giấy đi đường, bà Hương có xin thì được giảm xuống 50.000 đồng. Do nghĩ việc cấp giấy đi đường không mất tiền nên bà Hương không mang tiền theo nên đã đi vay mượn để nộp khoản tiền này.

Bà Nguyễn Thị Dây, tiểu thương bán mặt hàng thịt bò tại chợ Kim Nỗ cho biết, đầu tiên, một số tiểu thương xin cấp giấy đi đường trước thì không bị mất tiền. Tuy nhiên, sau đó, một số cá nhân đề nghị “bồi dưỡng” 100.000 đồng để cấp giấy đi đường. Bà Dây cũng phải vay tiền của một tiểu thương khác và cùng nộp 100.000 đồng để lấy giấy đi đường tại văn phòng điều hành của Ban Quản lý chợ.

Bà Dây cho biết thêm, còn rất nhiều tiểu thương khác phải nộp tiền để lấy giấy đi đường như bà. Trong khi đó, một số tiểu thương có “đấu tranh” thì được giảm xuống còn 50.000 đồng. Việc thu tiền cũng không có giấy tờ xác nhận cho các tiểu thương.

Giấy đi đường được cấp cho bà Nguyễn Thị Dây (ảnh đã che phần thông tin cá nhân của bà Dây). Ảnh: Hoàng Long

Theo tài liệu do người dân cung cấp, Ban Quản lý chợ Kim Nỗ cấp Giấy đi đường số 30/GĐĐ-TT ngày 12/8/2021 về việc tham gia giao thông trong thời gian giãn cách cho bà Nguyễn Thị Dây. Mục đích tham gia giao thông: Bà Dây hiện đang trên đường đi lấy hàng tại chợ Đầu Mối, Cổ Điển, Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội và di chuyển từ nhà đến chợ Kim Nỗ để kinh doanh (hoặc ngược lại).

Giấy đi đường số 30/GĐĐ-TT được ông Khúc Duy Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư Thái Thịnh ký, đóng dấu, có xác nhận ông Nguyễn Mậu Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã tại phần đại diện chính quyền.

Như Báo Thanh tra phản ánh, các tiểu thương cho biết đã gửi đơn lên UBND huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh, UBND xã Kim Nỗ phản ánh về nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật của Ban Quản lý chợ Kim Nỗ, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Thái Thịnh như: “Ép” tiểu thương nộp khoản tiền không minh bạch, không có hoá đơn, chứng từ trong khi đời sống tiểu thương đang rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh; xây dựng chợ không đúng quy hoạch; không đảm bảo công tác phòng, cháy chữa cháy trong chợ Kim Nỗ…

Ban Quản lý chợ Kim Nỗ có Văn bản số 219/2021/CV-TT ngày 21/9/2021 gửi tới Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đông Anh, UBND xã Kim Nỗ giải đáp đơn thư kiến nghị của một số tiểu thương chợ Kim Mỗ về các hoạt động của chợ Kim Nỗ.

Văn bản số 219/2021/CV-TT có nêu: “Ban Quản lý chợ Kim Nỗ có tuân theo các thông tư, Công văn số 2574/UBND-KT hướng dẫn triển khai thực hiện Thông báo số 3885/TB-UBND, 3887/TB-UBND ngày 9/8/2021 của UBND huyện Đông Anh làm giấy đi đường cho các tiểu thương kinh doanh ngành hàng thiết yếu tại chợ Kim Nỗ có nhu cầu đi lại lấy hàng hoá nhằm mục đích kinh doanh. Trong quá trình làm giấy đi đường và đi xin xác nhận của chính quyền địa phương cho các tiểu thương không hề có việc Ban Quản lý chợ Kim Nỗ thu “phí” làm giấy xác nhận đi đường 100.000 đ (đồng - PV)/1 trường hợp như kiến nghị, chỉ có một số tiểu thương thấy các anh em trong Ban Quản lý làm việc quá giờ ăn trưa rất vất vả thì có biếu anh em ít hoa quả gọi là cảm ơn”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ Nguyễn Mậu Thịnh cho biết, chưa nhận được bất kỳ thông tin phản ánh về việc thu tiền của các tiểu thương tại chợ Kim Nỗ khi cấp giấy đi đường về việc tham gia giao thông trong giãn cách xã hội. Việc thu tiền của các tiểu thương để xin cấp giấy đi đường (nếu có) là trái quy định của pháp luật.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng cho biết, huyện Đông Anh không có chủ trương thu tiền cấp giấy đi đường của các tiểu thương cho nên việc thu tiền (nếu có) là vi phạm. Phòng Kinh tế hạ tầng sẽ tham mưu UBND huyện tiến hành kiểm tra, làm rõ những nội dung phản ánh của các tiểu thương trong thời gian tới.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 Bí thư Huyện uỷ Đông Anh chỉ đạo làm rõ

Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và báo cáo liên quan đến các nội dung đơn thư của các tiểu thương tại chợ Kim Nỗ, xã Kim Nỗ sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí.

Sau khi cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng tiểu thương phải bán hàng ngoài vỉa hè, lòng đường, UBND xã Kim Nỗ đã làm việc với Ban Quản lý chợ Kim Nỗ và các tiểu thương. Bước đầu, các tiểu thương đã được trở vào trong chợ Kim Nỗ để kinh doanh, buôn bán.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm