Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân kêu khổ vì sập bẫy đường dây lừa đảo tài chính nhiều năm, các đơn vị chức năng đã làm gì?

Công Nguyên

Thứ sáu, 01/09/2023 - 14:00

(Thanh tra) - Nhiều người dân ở một số quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội gửi đơn kêu cứu khắp nơi khi nhà đất của họ bị đưa ra làm tài sản thế chấp cho khoản vay nhiều tỉ đồng của những công ty “ma” mà họ hoàn toàn không hay biết.

Một gia đình thương binh chất độc da cam là nạn nhân. Ảnh: Công Nguyên

Để củng cố niềm tin với các nạn nhân, các đối tượng này ngụy trang bằng các quan hệ thân thiết với người nhà, họ hàng của nạn nhân hoặc cán bộ, lãnh đạo, người có uy tín của địa phương. Chúng sẵn sàng “tạm ứng trước” một khoản tiền để “chờ hoàn thiện thủ tục giải ngân của ngân hàng", đồng thời đưa nạn nhân tới những văn phòng công chứng đã được sắp xếp từ trước để ký những hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng mà sau đó chúng ung dung ngoài vòng pháp luật.

Ông Nguyễn Như Xoa, SN 1966, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cùng con gái ruột là chị Nguyễn Thị Huyền hiện nay đang trong tình trạng kiệt quệ về tài sản, hoảng loạn về tinh thần khi biết được, toàn bộ 5 GCNQSDĐ của 5 hộ gia đình gồm con gái, anh trai bên vợ, em rể, cháu ruột đều bị đưa ra thế chấp và hiện nay kê biên tại một doanh nghiệp không hề biết, và toàn bộ tài sản trên có nguy cơ phát mại khi tòa án liên tục triệu tập trong thời gian vừa qua.

Chị Huyền cho biết, do bố chị (ông Xoa) bị khiếm thính nặng từ nhỏ, bản thân trí tuệ không được như người bình thường. Trước đây, mẹ chị bị bệnh, bố chị đã được một đối tượng mời chào và cho vay một khoản tiền nóng, sau đó đối tượng này đã lợi dụng bố chị thiếu hiểu biết, yêu cầu ông mượn 5 quyển sổ đỏ của anh em họ hàng. Bẵng đi 10 năm sau, đột nhiên ngân hàng cho người vào đo đạc, và gần đây tòa án quận Ba Đình yêu cầu triệu tập, họ hàng mới dồn dập gây sức ép tới gia đình chị, trong khi chị hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Cay đắng hơn, sau nhiều năm gặng hỏi ông Xoa, chị mới biết rõ đối tượng này có quan hệ họ hàng với gia đình khiến bố chị hoàn toàn tin tưởng đã vay mượn cả 5 quyển sổ đỏ giao cho họ. Hiện nay, theo thông báo của Tòa án nhân dân quận Ba Đình, tổng số tiền của 3 trong số 5 GCNQSDĐ các gia đình chú bác nhà chị Huyền và ông Xoa đã bị thế chấp cho khoản vay lên tới trên 57 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Tây Hà Nội.

Ông Nguyễn Như Xoa và chị Nguyễn Thị Huyền tại nhà. Ảnh: Công Nguyên

Tương tự nhà ông Xoa, gia đình ông Đỗ Văn Tuyên trú tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cũng tá hỏa khi nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhân dân quận Ba Đình. Toàn bộ đất ở của gia đình ông đã bị đưa vào thế chấp tại một ngân hàng để đảm bảo khoản vay 2 tỷ đồng của Công ty TNHH Dịch vụ và Đầu tư Hùng Việt, trong đó tổng lãi trong hạn và quá hạn là 1.115.197.869 VNĐ.

Cả gia đình ông Tuyên còn bất ngờ hơn, khi được biết, GCNQSDĐ mang tên ông đã được sang tên cho Hà Văn Kiên không biết từ khi nào.

Ông Tuyên phân trần, cách đó nhiều năm, gia đình khó khăn, do cần tiền gấp, ông được anh em trong gia đình giới thiệu đối tượng Hà Văn Kiên cho vay tiền tại địa phương. Ông Tuyên đã mượn của Kiên số tiền 150.000.000 đồng, với mức lãi suất theo ngày (1 triệu ăn 5 nghìn, tương đương 180%/năm), tuy nhiên Kiên chỉ chuyển cho ông Tuyên 100 triệu đồng và yêu cầu ông Tuyên cho mượn GCNQSDĐ để làm tin. Sau một thời gian Kiên gợi ý ông Tuyên, sẽ hỗ trợ làm hồ sơ vay ngân hàng để giảm lãi suất, và đề nghị ông Tuyên ký một số giấy tờ thủ tục theo quy định của ngân hàng. Sau khi ông Tuyên ký các giấy tờ đối tượng Kiên yêu cầu, ông Tuyên không thấy Kiên yêu cầu trả lãi cũng như chi trả khoản 50 triệu đồng còn lại.

Ông Đỗ Văn Tuyên và bà Trần Thị Hiền trả lời phóng viên. Ảnh: Công Nguyên

Điểm thực sự gây sốc cho gia đình ông là, đối tượng Kiên sau khi nhận GCNQSDĐ của gia đình, đã tự ý sang tên đổi chủ và tạo ra các chứng cứ hồ sơ cực kỳ có lợi cho đối tượng để thuận lợi cho việc đăng ký biến động đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, trong hồ sơ của đối tượng này cung cấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Sóc Sơn, có giấy chứng tử bà Trần Thị Hiền, vợ ông Tuyên. Giấy chứng tử ghi bà Hiền đã chết từ năm 1993, trong khi bà Hiền vẫn còn sống khỏe mạnh.

Với hồ sơ như vậy, đối tượng Kiên đã sang tên thành công và đưa tài sản của gia đình ông Tuyên, bà Hiền vào thế chấp tại ngân hàng với tên chủ sở hữu mảnh đất là Hà Văn Kiên, đảm bảo cho khoản vay 2.000.000.000 của Công ty Hùng Việt như đã nêu trên.

Vì sao các đối tượng này dễ dàng tạo lập hồ sơ nhằm có lợi cho việc chuyển nhượng, sang tên như vậy, liệu có phải có sự “giúp đỡ” hay các đơn vị chức năng đã bị "qua mặt"? Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm