Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Mẹo” để “trốn nghĩa vụ” quân sự ở Bắc Ninh?

Thứ tư, 20/11/2019 - 12:55

(Thanh tra) – Làm đơn xin Công an xã (CAX) cấp giấy chuyển khẩu đi đến đâu đó nhưng không nhập khẩu, vài tháng sau quay về sống ung dung nhiều năm tại địa phương và chờ đến hết tuổi theo quy định rồi xin nhập khẩu trở lại nơi thường trú để khỏi phải đi nghĩa vụ quân sự.

Bị cáo Phạm Minh Hiếu (sinh năm 1998, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị Tòa tuyên 12 tháng tù giam về tội “Trốn tránh nghĩa vụ quân sự” trong các năm 2017 và 2018. Ảnh: Quốc Triều

Cả 3 trường hợp đều chờ qua tuổi nhập ngũ mới nhập khẩu lại

Theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 quy định: Công dân độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Còn theo Báo cáo số 474 ngày 5/11/2019 của Công an huyện Tiên Du về kết quả xác minh vi phạm việc thực hiện đăng ký, quản lý cư trú của CAX Cảnh Hưng đối với 3 công dân cho biết:

Trường hợp 1: Ngày 21/8/2014, CAX Cảnh Hưng đã làm thủ tục chuyển khẩu cho anh Nguyễn Đức Quyết (sinh ngày 17/2/1991 ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng) đến Ban Quản lý rừng Cấm Sơn (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).

Theo giải thích, sau quá trình thử việc hai tháng, do không xin được biên chế nên anh Quyết đã không làm thủ tục nhập khẩu tại thị trấn Chũ, và đã về nhà tại thôn Thượng, sinh sống và làm việc từ đó đến nay. Trong quá trình về địa phương ,anh Quyết đã không thông báo với CAX Cảnh Hưng về việc không nhập khẩu tại thị trấn Chũ và cũng không nộp lại cho CAX Cảnh Hưng Giấy chuyển khẩu trước đó.

Tháng 8/2018, anh Quyết mang giấy chuyển hộ khẩu nộp lại cho CAX Cảnh Hưng đề nghị nhập khẩu lại và CAX Cảnh Hưng đã làm thủ tục nhập khẩu về lại xã Cảnh Hưng. Lúc này, anh Quyết đã qua tuổi 27 thì không thể gọi đi nghĩa vụ quân sự theo quy định được nữa.

Trường hợp 2: Ngày 14/3/2016, CAX Cảnh Hưng đã làm thủ tục chuyển khẩu cho anh Nguyễn Đức Mạnh (sinh ngày 25/6/1992, ở thôn Thượng) đến chung cư Hà Đô (phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, do công việc không thuận lợi nên anh Mạnh không làm thủ tục nhập khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 3 tháng sau anh Mạnh về thôn Thượng, xã Cảnh Hưng sinh sống. Trong quá trình về địa phương anh Mạnh đã không thông báo cho CAX Cảnh Hưng biết về việc không nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh và không nộp lại cho CAX Cảnh Hưng Giấy chuyển khẩu đã được cấp trước đó.

Ngày 4/4/2019, anh Mạnh mang giấy chuyển khẩu nộp cho CAX Cảnh Hưng đề nghị làm thủ tục nhập khẩu lại. CAX Cảnh Hưng đã tiếp nhận và làm thủ tục nhập khẩu lại cho anh Mạnh. Như vậy, anh Mạnh chỉ còn hai tháng nữa là qua tuổi 27, trong khi đến cuối năm 2019 mới có đợt gọi đi nghĩa vụ quân sự.

Trường hợp 3: Ngày 5/5/2016, CAX Cảnh Hưng cấp giấy chuyển khẩu cho anh Lê Đắc Kiên (sinh ngày 2/9/1990) cùng đến Ban Quản lý rừng Cấm Sơn (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).

Vẫn lý do, công việc không thuận lợi nên anh Kiên không làm thủ tục nhập khẩu thường trú nơi cư trú mới tại Bắc Giang, khoảng một tháng sau anh Kiên về nhà mình ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng sinh sống.

Trong quá trình về địa phương, anh Kiên không thông báo với CAX Cảnh Hưng về việc không nhập khẩu vào thị trấn Chũ, Lục Ngạn và không nộp lại cho CAX Cảnh Hưng Giấy chuyển khẩu đã cấp trước đó.

Ngày 27/6/2018, anh Kiên mang giấy chuyển hộ khẩu nộp cho CAX Cảnh Hưng đề nghị nhập khẩu lại. CAX Cảnh Hưng đã làm thủ tục nhập khẩu lại cho anh Kiên. Thời điểm này, anh Kiên cũng đã qua tuổi 27, đồng nghĩa hết tuổi đi nghĩa vụ quân sự.

Cả 3 trường hợp trên, Công an huyện Tiên Du cho biết: Kiểm tra hồ sơ lưu tại CAX và tàng thư hộ khẩu lưu tại Công an huyện, không thấy hồ sơ cấp giấy chuyển khẩu đối với các trường hợp này.

“Việc 3 công dân trên đề nghị CAX Cảnh Hưng cấp chuyển khẩu về nơi thường trú mới nhưng đã không làm thủ tục nhập khẩu (về nơi xin chuyển đến) mà vẫn sinh sống tại địa phương. Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn không quy định thời hạn phải đăng ký thường trú khi được cấp Giấy chuyển khẩu. Vậy không có căn cứ xử lý vi phạm của 3 công dân trên”, văn bản Công an huyện Tiên Du nhấn mạnh.

Bản cam kết của Nguyễn Đức Mạnh tại CAX Cảnh Hưng hoàn toàn không đúng sự thật 

CAX Cảnh Hưng có vô can?

Vẫn theo Báo cáo 474 của Công an huyện Tiên Du, theo Luật Cư trú năm 2006 và Luật Cư trú năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cư trú và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú: Việc CAX Cảnh Hưng cấp giấy chuyển khẩu đối với 3 trường hợp nói trên là đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, CAX Cảnh Hưng chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Cư trú trong việc tiếp nhận, giải quyết và hoàn thiện các thủ tục có liên quan trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như: Không vào sổ theo dõi HK 10, không lưu giữ liên 1; Phiếu báo thay đổi nhân khẩu.

Sau khi cấp giấy chuyển khẩu từ 1 đến 3 tháng, 3 công dân trên đều trở về địa phương sinh sống nhưng CAX Cảnh Hưng không kịp thời nắm bắt tình tình, kiểm tra, xác minh xem đã được nhập khẩu tại nơi xin chuyển đến chưa.

CAX Cảnh Hưng không lập, gửi phiếu xác minh nhân thân, hộ khẩu và trao đổi thông tin để nắm được công dân đã đăng ký thường trú tại nơi đã chuyển đến hay chưa.

Việc nhập khẩu lại của CAX Cảnh Hưng cho công dân khi chưa nhận được câu trả lời xác minh của Công an nới chuyển đến là sai quy định theo Điều 21 Luật Cư trú.

Không xác minh, yêu cầu công dân tường trình lý do không đăng ký thường trú tại nơi chuyển đến khi nhập khẩu cho Nguyễn Đức Quyết và Lê Đắc Kiên.

Không chuyển hồ sơ về tàng thư hộ khẩu tại Công an huyện Tiên Du để theo dõi, quản lý sau khi giải quyết đăng ký thường trú cho cả 3 công dân nêu trên.

Trong thời gian khẩu “treo” này của 3 công dân thì có 2 người được ông Nguyễn Đình Khoáng (Trưởng CAX Cảnh Hưng từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2016), Phó Chủ tịch UBND xã ký Chứng nhận đăng ký kết hôn cho anh Nguyễn Đức Mạnh vào ngày 3/3/2017 và anh Nguyễn Đức Quyết vào ngày 23/4/2018 nên nói CAX mà cụ thể là ông Khoáng vô can là vô lý vì anh Mạnh là cháu họ ông Khoáng lại ở cùng thôn Thượng.

Vấn đề này, ông Nguyễn Bá Luận, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng cho hay, theo nguyên tắc đăng ký kết hôn, khi gia đình trình các giấy tờ cần thiết và sổ hộ khẩu đúng là công dân của xã Cảnh Hưng thì cán bộ tư pháp sẽ đăng ký kết hôn cho công dân theo đúng pháp luật.

“Việc không có hộ khẩu mà vẫn đăng ký kết hôn được là không đúng. Tôi nghi ngờ có hai hộ khẩu và dùng thủ thuật khi đăng ký kết hôn thì sẽ mang hộ khẩu cũ và khi nhập khẩu về sẽ mang hộ khẩu mới”, ông Luận nhấn mạnh.

Giấu đầu... hở đuôi

Trường hợp anh Nguyễn Đức Mạnh: Trong hồ sơ lưu tại CAX Cảnh Hưng có Bản cam kết của anh Mạnh ngày 4/4/2019, nêu rõ: “Vào ngày 14/3/2016, tôi có xin chuyển khẩu đến chung cư Hà Đô (phường 10, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) để cho thuận lợi công việc kinh doanh nhưng do không nhập khẩu được vào TP Hồ Chí Minh và do mải mê công việc và không để ý, mãi tới khi được điều chuyển ra Hà Nội công tác và cần có sổ hộ khẩu thì mới nhớ ra là chưa chuyển khẩu về quê để nhập lại”.

Như vậy, anh Mạnh đã cam kết tại CAX Cảnh Hưng là đi làm ở TP Hồ Chí Minh rồi chuyển ra Hà Nội, nhưng thực tế, Công an huyện Tiên Du xác minh thì anh Mạnh vẫn sống ở quê (thôn Thượng, xã Cảnh Hưng).

Điều đó chứng tỏ anh Mạnh đã “khai man” để hợp thức hóa cho việc xin nhập khẩu lại tại địa phương nhưng khi Công an huyện Tiên Du xác minh thì anh Mạnh đã khai là vẫn sinh sống tại địa phương chứ không có làm TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội để rồi đợi đến gần đủ 27 tuổi mới làm đơn xin nhập khẩu lại xã Cảnh Hưng và đã tránh được việc bị gọi đi nghĩa vụ quân sự trong mấy năm qua.

Và ông Nguyễn Đình Khoáng, với tư cách Trưởng CAX Cảnh Hưng đã ký cho công dân Mạnh chuyển khẩu khỏi xã Cảnh Hưng và cũng chính ông ký Chứng nhận đăng ký kết hôn cho anh Mạnh trong thời kỳ anh này chưa nộp giấy chuyển khẩu về địa phương mà trước đó ông Khoáng đã cắt cho anh, bảo ông Khoáng vô can thì là điều hơi lạ.

“Căn cứ vào kết quả xác minh vụ việc, kết luận CAX Cảnh Hưng và các cá nhân có liên quan đã vi phạm quy trình thủ tục đăng ký quản lý Cư trú theo quy định. Tuy nhiên, các đồng chí CAX nói trên là lực lượng Công an bán chuyên trách, nghiên cứu pháp luật về cư trú và các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, đồng thời những vi phạm trên không phải do cố ý và chưa gây hậu quả. Do vậy, Công an huyện Tiên Du báo cáo UBND huyện Tiên Du biết và chỉ đạo xem xét xử lý”, Công an huyện Tiên Du báo cáo UBND huyện Tiên Du.

Việc này không thể là không cố ý được, vì các công dân ở đây đã cố tình giả vờ cắt khẩu nhưng vẫn sinh sống tại địa phương và vẫn đến UBND xã Cảnh Hưng trình sổ hộ khẩu có tên mình để đăng ký kết hôn (trong khi theo Công an huyện xác minh thì lúc này CAX báo cáo 3 công dân chưa nhập về), động cơ của các công dân này đã rõ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

Lấn chiếm vỉa hè để bàn nhậu, quán nhậu Tự Do nói do khách tự kê bàn

(Thanh tra) - Theo đại diện quán nhậu Tự Do, hiện trạng bàn nhậu lấn chiếm vỉa hè có thể do khách kê ra. Còn chính quyền thường xuyên nhắc nhở, có những thời điểm đã bị phạt hành chính. Ở khía cạnh khác, nếu nhìn vào con số tăng trưởng về nguồn vốn, tài sản, doanh thu của chủ sở hữu hệ thống quán nhậu Tự Do, có thể lý giải được phần nào việc đơn vị này thường xuyên vi phạm.

Thanh Giang - Trang Nhung

08:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm