Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Doanh nghiệp làm nứt nhà dân, các ngành kiểm kê, rồi... để đấy!

CTV Khoa Lê

Thứ sáu, 21/10/2022 - 06:35

(Thanh tra) - Hơn 3 năm nay, 24 hộ dân ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận rất bức xúc khi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng do thi công đập hạ lưu sông Dinh gây ra.

Căn nhà của bà Võ Thị Kim Chi, thôn An Thạnh 1 chi chít những vết nứt lớn, nhỏ. Ảnh: Khoa Lê

Nhiều ngôi nhà ở An Thạnh 1 bị hư hỏng nghiêm trọng

“Cứ đến mùa mưa là nước theo các vết nứt len vào nhà. Mỗi khi có gió mạnh thì nhà bắt đầu rung, lắc. Hơn 3 năm qua, các ngành đã nhiều lần xuống chụp ảnh, ghi nhận hiện trường, kiểm kê, rồi... để đấy”, đó là những điều bức xúc của 24 hộ dân ở thôn An Thạnh 1.

Vào tháng 10 hàng năm, Ninh Thuận bước vào mùa mưa, nhiều gia đình không có điều kiện kinh tế sửa nhà nên cứ mặc kệ để nước mưa len vào bên trong, lâu ngày các vách tường đã bị ẩm mốc.

Ngày 15/10, chúng tôi đến thôn An Thạnh 1 ghi nhận thực tế, vừa bước vào thôn đã nghe người dân nói: “Cứ ghi hình hoài mà chẳng thấy ai đền bù cho dân chúng tôi cả. Có đền bù hay không thì nói để chúng tôi còn biết”.

Cùng chung nỗi bức xúc, bà Võ Thị Kim Chi cho biết, căn nhà mới xây chưa được 10 năm mà đã chi chít vết nứt. Hễ mưa là nước chảy vào nhà, gia đình phải vận động con cái lấy quần áo bỏ để lau liên tục.

Chỉ tay về hướng đập hạ lưu sông Dinh cách đó vài chục mét, bà Chi nói: “Năm 2017 - 2018, khi con đập đang thi công thì nhà tôi bắt đầu xuất hiện vết nứt nhỏ. Khi đập hoàn thành thì căn nhà của tôi và nhà tình thương của ba tôi bắt đầu nứt nghiêm trọng. Hai căn nhà có hơn chục vết nứt lớn, nhỏ. Nhà tình thương của ba tôi bị nứt, mỗi khi mưa, gió nhà rung lắc nên tôi phải đưa ba sang nhà bà con ở cho an toàn".

Cách nhà bà Chi khoảng 10m, nhà anh Võ Thanh Tùng cũng chẳng mấy khả quan hơn. “Vết nứt dài và rộng, mỗi khi mưa là nước thấm hết vào nhà. Chúng tôi cũng đã ý kiến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào đền bù cho chúng tôi cả”, anh Tùng cho biết.

Cách đập hạ lưu sông Dinh chỉ vài bước chân, căn nhà của bà Hà Thị Đỏ được xem là bị hư hỏng nặng nhất. Phần mái nhà bị gãy, căn phòng phải đóng cửa bỏ hoang từ lâu nay và kèm theo đó là những vết nứt lớn kéo dài khắp căn nhà.

Bà Đỏ cho biết: “Lúc thi công đập hạ lưu, móc mốc hoạt động rất mạnh, nhiều lần chúng tôi phải tháo chạy vì rung lắc mạnh. Nhà tôi giờ toàn người lớn tuổi, nhà bị hư hỏng, sống cũng thấp thỏm lo sợ không biết nó sẽ sập lúc nào”.

“Hơn 3 năm qua, có nhiều đoàn xuống kiểm tra, ghi nhận thực tế, rồi đến nay cũng chẳng thấy đâu. Nhà tôi không có điều kiện kinh tế nên cũng không sửa nhà được, một căn phòng phải đóng cửa vì phần mái dường như bị sập hoàn toàn”, bà Đỏ nói.

Sát vách nhà bà Đỏ là căn nhà của bà Hà Thị Phước cũng trong tình cảnh chi chít những vết nứt kéo dài. “Chờ đền bù lâu quá, gia đình tôi phải bỏ tiền túi ra mua keo dán tường, xi măng để trám tạm những vết nứt để nước mưa không len vào nhà”, bà Phước cho hay.

Đợi mãi vẫn chưa thấy đền bù

Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, hơn 3 năm qua, 24 hộ dân đã liên tục kiến nghị vấn đề trên. Đến nay, bà con vẫn chưa nhận được đền bù. Đây là sự thiệt thòi lớn đối với bà con.

Căn nhà của bà Hà Thị Đỏ bị hư hỏng nghiêm trọng do thi công đập hạ lưu sông Dinh gây ra. Ảnh: Khoa Lê

“Với tinh thần trách nhiệm, UBND xã cũng đã đi khảo sát, lập dự toán để trình các cấp để hỗ trợ cho bà con. Địa phương cũng mong muốn các ngành, các cấp và chủ đầu tư, nhà thầu sớm quan tâm hỗ trợ bà con sửa chữa nhà. Đặc biệt trong mùa mưa bão sắp đến”, ông Phong nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi, cho biết dự án đập hạ lưu sông Dinh do Chi cục Thủy lợi làm chủ đầu tư và các liên danh nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần 389 Group - Chi nhánh Hà Nội, Công ty Cổ phần Hassi Việt Nam và Công ty Cổ phần Cầu 14 thi công.

Trong quá trình thi công, dự án đã gây ảnh hưởng đến nhiều nhà dân. Chi cục đã thương lượng, bồi thường cho hơn 40 hộ gia đình. Riêng 24 hộ dân còn lại đến nay vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường.

Ông Lại Nguyễn Vĩnh Phúc nói: “Chúng tôi đã nhiều lần mời các đơn vị thi công lên làm việc trực tiếp và liên tục gửi văn bản yêu cầu sớm bồi thường cho 24 căn nhà của người dân bị hư hỏng do thi công đập hạ lưu sông Dinh. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 3 năm trôi qua, các đơn vị này vẫn chưa có động thái gì”.

“Trước những kiến nghị kéo dài của người dân, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, xác định số tiền bồi thường cho 24 hộ dân là hơn 1,2 tỉ đồng. Mới đây, qua buổi làm việc trực tiếp, các đơn vị thi công cam kết trong quý IV/2022 sẽ chi trả đền bù cho người dân...”, ông Phúc cho biết thêm.

Đập hạ lưu sông Dinh có vốn đầu tư hơn 691 tỉ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương.

Công trình được xây dựng 6 khoang điều tiết, mỗi khoang rộng 37,8m, âu thuyền rộng 6,2m, dài 21m giúp tàu thuyền du lịch qua lại, kết hợp làm cống xả cân bằng, đảm bảo giảm chênh lệch cột nước trước khi vận hành cửa van chính.

Mặt đập kết hợp làm cầu đường giao thông với 4 làn xe ô tô, 2 làn đi bộ, nối tiếp hai bên bờ sông Dinh thuộc phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm ở phía Bắc và xã An Hải, huyện Ninh Phước ở phía Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm