Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nguyên Dũng
Thứ hai, 17/04/2023 - 16:14
(Thanh tra) - Khai hoang đất rồi sinh sống, làm nhà ở ổn định từ năm 1977, đến nay đã 46 năm và không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch. Nhiều năm nay, một gia đình tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vì bị cho là… đất công.
Bà Trần Thị Thủy chỉ vào hố đất sâu trũng mà gia đình bà Ba đã sửa sang, cải tạo, sử dụng nhiều năm nay. Ảnh: Nguyên Dũng
Đất của gia đình sử dụng 46 năm bỗng dưng trở thành… đất công
Bà Trần Thị Thủy (59 tuổi, ngụ xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, năm 1977, bố mẹ ruột của bà là ông Trần Văn Hậu, bà Nguyễn Thị Ba, cùng những người con trong nhà đến khai hoang, ở ổn định trên khu đất đồi hoang, rộng khoảng 6.000m2, sát tỉnh lộ 765 (nay thuộc tổ 2, ấp Bình Minh, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Lúc mới lên khai hoang, vợ chồng ông Hậu, bà Ba cùng các con xây dựng 1 căn nhà cấp bốn trên khu đất để ăn ở, sinh hoạt.
Từ năm 1988 - 1993, từ sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình bà Ba cho đơn vị thi công tuyến tỉnh lộ 765 đưa máy móc vào lấy đi một phần đất đá phía sau nhà (tài sản trên đất - PV) để cải tạo, nâng cấp đường, giúp người dân địa phương đi lại thuận lợi.
Phần diện tích đất sau khi đơn vị thi công lấy đất đá đi làm đường, đã trở thành 1 vùng sâu trũng, nên gia đình bà Ba đã sửa sang, cải tạo thành hồ rồi nuôi cá.
Năm 1992, sau khi ông Hậu lâm bệnh chết, bà Ba cùng các con vẫn ở, sinh sống và trồng cây keo tràm, thả cá trên diện tích rộng khoảng 6.000m2 của gia đình đã khai hoang.
Năm 1997, bà Ba được UBND huyện Xuân Lộc cấp 1.300m2 đất (trong đó 300m2 đất ở, 1.000m2 đất trồng cây lâu năm) thuộc thửa đất 43, tờ bản đồ số 12 (tọa lạc tại tổ 2, ấp Bình Minh, xã Suối Cát), theo GCNQSDĐ số 0100QSDĐ/435/QĐ-UBND ngày 29/7/1997.
1.300m2 đất được cấp GCNQSDĐ này là một phần diện tích đất (thuộc khu đất đồi hoang, rộng khoảng 6.000m2) của gia đình ba Ba khai hoang từ năm 1977.
Năm 2009, bà Ba chết không để lại di chúc.
Năm 2011, gia đình bà Thủy (con ruột bà Ba) làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định, toàn bộ diện tích 1.300m2 đất được đã cấp GCNQSDĐ được tặng riêng cho bà Thủy theo hồ sơ số 26437.000143.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, bà Thủy cho biết, riêng phần diện tích đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ khoảng 4.700m2 (chủ yếu là phần đất phía sau nhà có hồ nuôi cá), gia đình bà vẫn liên tục sử dụng từ năm 1977 đến nay, đã 46 năm, không có bất kỳ ai tranh chấp và được các hộ dân liền kề làm chứng về nguồn gốc đất thuộc sở hữu của gia đình.
Năm 2020, bà Thủy làm thủ tục kiến nghị UBND huyện Xuân Lộc xem xét, cấp GCNQSDĐ đối với phần diện tích này, nhưng không được chính quyền địa phương chấp nhận.
Tại Văn bản trả lời số 10191/UBND-NL ngày 10/12/2020 về việc trả lời đơn kiến nghị của bà Thủy, UBND huyện Xuân Lộc cho rằng: Khu đất thuộc thửa đất số 24, tờ bản đồ 26 (tức hố đất sâu nơi gia đình bà Thủy làm hồ nuôi cá nhiều năm qua - PV) là đất do Nhà nước quản lý từ năm 1980 đến nay và đã được đưa vào phương án quản lý đất công. Do đó, việc bà Thủy kiến nghị cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất trên là không có cơ sở.
Cần trả lại quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai cho gia đình bà Thủy
Không đồng tình với Văn bản trả lời số 10191/UBND-NL ngày 10/12/2020 của UBND huyện Xuân Lộc, ông Nguyễn Duy Bá (người đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị Thủy) đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, giải quyết việc cấp GCNQSDĐ theo quy định pháp luật.
Ngày 2/3/2022, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản trả lời số 2116/UBND-KTN với nội dung nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh như sau:
“UBND huyện Xuân Lộc phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất, xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của ông Nguyễn Duy Bá và có văn bản trả lời đơn cho công dân theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2013. Đề nghị ông Bá liên hệ với UBND huyện Xuân Lộc để được xem xét, giải quyết kiến nghị theo quy định pháp luật”.
Ngày 21/3/2022, Văn phòng Đăng ký đất đai (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai) có Văn bản số 1902/VPĐK-ÐKTK gửi UBND huyện Xuân Lộc, với nội dung: Sau khi xem xét nội dung đơn kiến nghị, căn cứ Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh được quy định tại khoản 2, Điều 105 Luật Đất đai năm 2013; nội dụng kiến nghị liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ (lần đầu) thuộc thẩm quyền của UBND huyện Xuân Lộc. Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển đơn kiến nghị của ông Nguyễn Duy Bá đến UBND huyện Xuân Lộc xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật”.
Ông Bá cho biết, sau khi nhận được văn bản trả lời của UBND tỉnh Đồng Nai và Văn phòng Đăng ký đất đai, ông đã nhiều lần trực tiếp đến UBND huyện Xuân Lộc để được hướng dẫn giải quyết vụ việc, nhưng đều bị đơn vị này né tránh, khước từ.
Vì chờ đợi giải quyết vụ việc quá lâu, tháng 11/2022, ông Bá đã làm đơn khiếu nại UBND huyện Xuân Lộc về việc “không giải quyết đơn kiến nghị của công dân” gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, bà Trần Thị Thủy cho biết, diện tích đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ (khoảng 4.700m2) là phần đất nằm trong thửa đất của gia đình khai hoang từ năm 1977 và sử dụng liên tục từ đó cho đến nay đã 46 năm.
“Đây là phần đất của gia đình tôi khai hoang, sở hữu, cải tạo đúng mục đích và không có tranh chấp gì với bất kỳ ai, phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013, đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định, nhưng UBND huyện Xuân Lộc lại không giải quyết vì những lý do rất khó hiểu”, bà Thủy bức xúc nói.
Cũng theo bà Thủy, việc UBND huyện Xuân Lộc trả lời đơn kiến nghị chưa rõ ràng và không có cơ sở, cho rằng đất của gia đình là đất công do UBND xã Suối Cát quản lý, đã đẩy gia đình vào tình thế vô cùng khó khăn trong việc làm thủ tục đất đai từ nhiều năm nay.
“Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc tìm hiểu, xác minh, rà soát lại hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất để trả lại quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai cho gia đình tôi”, ông Trần Văn Phúc, con ruột của bà Thủy nói.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.
Quang Dân
11:03 23/11/2024(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang