Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ hai, 11/05/2020 - 17:34
(Thanh tra) - Công ty TNHH 888 (Công ty 888) về đầu tư nhà máy may ở địa bàn xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch xã làm văn bản “biếu không” 60.687m2 đất công ích không phải đền bù một đồng tiền nào. Công ty này là ai? Ở đâu? Vì sao lại được ưu ái đến như vậy?
Khu đất được cho là có sai phạm trong kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng tại xã Quảng Hợp. Ảnh: VT
Người dân mất đất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thiếu
Trở lại vấn đề ai phải trả số tiền gần 1 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân có đất bị thu hồi ở các mặt bằng bị Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Đỗ Ngọc Toàn (nhiệm kỳ 2010-2015) và UBND xã này chi trả thiếu đã được cơ quan chức năng huyện Quảng Xương chỉ ra trong kết luận ngày 13/3/2020, nội dung kết luận đã nêu rõ UBND xã Quảng Hợp phải có phương án chi trả số tiền gần 1 tỷ đồng còn thiếu so với các quyết định phê duyệt dự toán bồi thường của huyện Quảng Xương khi thu hồi đất của các hộ để thực hiện các mặt bằng khu dân cư nông thôn. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng trôi qua nhưng các hộ dân này vẫn chưa có ai nhận đươc bất kỳ đồng tiền đền bù thiếu nào.
“Việc UBND huyện Quảng Xương phê duyệt phương án dự toán bồi thường một đằng, nhưng Chủ tịch UBND xã Đỗ Ngọc Toàn tổ chức thương lượng, chi trả cho người dân có đất một nẻo là sai nguyên tắc, trái với quy định của pháp luật. Bởi vì, chức năng, nhiệm vụ của ông Toàn và UBND xã Quảng Hợp không thể thương lượng, áp giá thấp hơn so với quy định hiện hành của Nhà nước. Có chăng, UBND xã chỉ là người thực hiện các quyết định phê duyệt, chi trả bồi thường của UBND huyện Quảng Xương về thu hồi đất mà thôi. Do đó, tất cả những việc làm của ông Toàn có thể khẳng định đây chỉ là chiêu trò mị dân, ăn tiền trên mồ hôi, xương máu, đất đai của người dân mà thôi. Nếu chúng tôi không kiên trì khiếu kiện nhiều năm qua thì làm sao có thể lòi ra được sai phạm như ngày hôm nay”, một người dân xã Quảng Hợp bức xúc nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về việc khi nào thì địa phương sẽ chi trả số tiền thiếu cho các hộ dân, ông Nguyễn Bá Tài, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết: Ngân sách xã eo hẹp, không có tiền để chi trả mà phải làm tờ trình báo cáo lên UBND huyện Quảng Xương xin kinh phí để chi trả cho dân. Tuy nhiên, đến nay đã 2 tuần trôi qua nhưng vẫn chưa nhận được kết quả trả lời.
“Việc rót tiền này liên quan đến ngân sách nên huyện phải họp HĐND xin ý kiến rồi mới quyết định. Nếu phương án huyện cho xã vay tiền trả cho dân rồi sau này xã phải trả lại thì lại rất khó khăn. Vì trường hợp này đã diễn ra ở huyện Thiệu Hóa, UBND huyện cho UBND xã Thiệu Công vay nhưng nay không trả được nên huyện dọa kiện xã ra tòa mà báo chí đã phản ánh nhiều ngày qua”, ông Tài nói.
Ông Toàn được gì khi làm văn bản "biếu không" doanh nghiệp 77.222m2 đất
Ngoài việc cố tình làm trái pháp luật, thiếu tiền bồi thường khi thu hồi đất của các hộ dân ở các mặt bằng khu dân cư, năm 2012 khi Công ty 888 về địa bàn xã Quảng Hợp làm nhà máy may, ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp không thông qua HĐND của xã mà “tự ý” ký Văn bản số 05/VP-UBND ngày 10/12/2012 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa báo cáo toàn bộ 77.222m2 đất đề xuất cho Công ty 888 thuê không phải bồi thường GPMB.
Theo Đoàn Kiểm tra của UBND huyện Quảng Xương chỉ ra, trong 77.222m2 đất này ông Toàn báo cáo là đất nông nghiệp do UBND xã quản lý là không chính xác. Bởi 77.222m2 đất này có 16.544m2 đất nông nghiệp giao cơ bản của 19 hộ dân, Công ty 888 được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Do đó, việc UBND xã Quảng Hợp đứng ra thỏa thuận với Công ty 888 và các hộ dân về mức bồi thường là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 40, Luật Đất đai năm 2003; Khoản 2, Điều 28, Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư. Khi nhận tiền bồi thường từ Công ty 888, UBND xã Quảng Hợp không chi trả hết, giữ lại số tiền 247.798.000 đồng, không được theo dõi trên sổ sách, trái với quy định tại Khoản 3, Điều 14, Luật Kế toán năm 2003.
Còn lại 60.678m2 đất do UBND xã Quảng Hợp quản lý khi Nhà nước thu hồi cho Công ty 888 thuê 50 năm làm mặt bằng xây dựng nhà máy may nhưng không phải bồi thường, hỗ trợ một đồng tiền nào. Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước khi thu hồi đất công ích của xã quản lý, ngân sách xã được hỗ trợ 70% theo giá trị của đất nông nghiệp.
Như vậy, chỉ cần làm một phép tính nhẩm 1 sào đất bằng 500m2 thì 60.678m2 đất bằng hơn 111 sào đất. Năm 2012, một sào đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi phải đền bù là 54 triệu đồng. Với hơn 111 sào đất, lẽ ra Công ty 888 phải đền bù nhiều tỷ đồng cho ngân sách xã Quảng Hợp nhưng ông Đỗ Ngọc Toàn đã làm văn bản “biếu không” 111 sào đất này cho Công ty 888, làm thất thoát ngân sách xã nhiều tỷ đồng.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra Công ty 888 là ai? Vì sao lại được ông Đỗ Ngọc Toàn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp ưu ái đến như vậy? Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH 888 thuộc Tổng Công ty Cổ phần May 10. Đây là doanh nghiệp có vốn Nhà nước, luôn đứng trong top đầu của ngành Dệt may Việt Nam. Sản phẩm thời trang do May 10 sản xuất đã xuất khẩu sang thị trường thời trang EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada…
Với hàng chục nhà máy, xí nghiệp tại các tỉnh, thành trên khắp mọi miền Tổ quốc, đến nay May 10 đã khẳng định vị thế của mình qua hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng và đại lý. Đẳng cấp May 10 còn được khẳng định khi luôn đứng trong top thương hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, cùng rất nhiều giải thưởng: “Giải thưởng Chất lượng Châu Á Thái Bình Dương”, “Sao Vàng đất Việt”, “Thương hiệu mạnh Việt Nam”, được Chính phủ vinh danh là “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” ...
Do đó, việc ông Toàn làm văn bản “biếu không” doanh nghiệp này 60.678m2 đất công ích là điều "hết sức vô lý". Người dân xã Quảng Hợp đặt giả thiết: Một là, Công ty 888 có trả tiền đền bù nhưng ông Toàn và phe cánh đã chia nhau tiền hoặc đóng góp chung cổ phần rồi tìm cách làm văn bản bịt đầu mối ? Hai là, nếu làm văn bản “biếu không” Công ty 888 thì ông Toàn chắc chắn phải được gì từ việc không đền bù hơn 60.678m2 đất công ích này? Ba là, nếu quả thật đất chưa đền bù thì việc Nhà nước thu hồi, cho Công ty 888 thuê đất 50 năm có đúng với quy định của pháp luật?
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.
Thành Nam
18:43 20/11/2024(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.
Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
08:00 20/11/2024Nam Dũng
07:30 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
07:30 20/11/2024Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh
10:09 19/11/2024Nam Dũng
10:11 16/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương