Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Có tuân thủ quy định về tố tụng dân sự?

Chính Bình

Thứ năm, 15/09/2022 - 10:44

(Thanh tra) - Bà Trương Thị Gái là nguyên đơn trong vụ kiện “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đông Anh thông báo thụ lý vụ án ngày 7/10/2021. Sau gần một năm thụ lý không nhận được phản hồi từ TAND huyện, ngày 8/6/2022, bà Gái đã khiếu nại về việc này nhưng chưa được giải quyết, thẩm phán TAND huyện lại ra quyết định chuyển vụ án.

TAND huyện Đông Anh. Ảnh: CB

Báo Thanh tra nhận được đơn phản ánh của chị Ngô Thị Ngọc Thủy là người đại diện theo ủy quyền của bà Trương Thị Gái.

Theo đơn, hồ sơ vụ án của bà Trương Thị Gái được TAND huyện Hoài Đức chuyển đến TAND huyện Đông Anh theo Thông báo chuyển đơn khởi kiện số 04/TB-TA ngày 08/6/2021.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, TAND huyện Đông Anh đã có Thông báo thụ lý vụ án số 142/2021/TBTL-DS ngày 07/10/2021 (thẩm phán Thịnh Quang Thắng là người thụ lý).

Như vậy, rõ ràng TAND huyện Đông Anh, mà cụ thể là thẩm phán Thắng đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ 4 tháng và đã ra quyết định thụ lý vụ án mà không phải là chuyển đơn khởi kiện.

Sau khi ra quyết định thụ lý vụ án được gần 1 năm, thẩm phán Thịnh Quang Thắng lại xác định thẩm quyền giải quyết thuộc về nơi bị đơn cư trú theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự và chuyển hồ sơ về lại TAND huyện Hoài Đức giải quyết.

Theo chị Thủy, căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm  2015, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 3 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong thời hạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán ra một trong các quyết định là: công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đưa vụ án ra xét xử.

Chị Thủy cho biết, hiện nay, bà Gái tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu và là người có công với các mạng. Bà Gái là người không có chồng con, lại không biết chữ và chỉ mong vụ án có thể giải quyết nhanh chóng, quyền lợi của mình được bảo vệ.

Chị Thủy cho rằng, nếu đã xác định có sự tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án giữa các tòa án, phía TAND huyện Đông Anh (cụ thể là thẩm phán Thịnh Quang Thắng) nên có trao đổi với TAND huyện Hoài Đức hoặc đề nghị Chánh án TAND thành phố Hà Nội giải quyết chứ không phải chuyển vụ án qua lại các tòa án khiến vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn - bà Trương Thị Gái.

Đi tìm lời giải cho những dấu hiệu được cho là chưa tuân thủ các quy định về tố tụng dân sự của thẩm phán TAND huyện Đông Anh, phóng viên đã cho buổi làm việc với ông Nguyễn Lâm Bình - Phó Chánh án TAND huyện Đông Anh.

Ông Bình cho biết, việc chuyển thẩm quyền có thể diễn ra bất kỳ giai đoạn nào nếu phát hiện một căn cứ vững chắc để chuyển thẩm quyền, việc chuyển thẩm quyền là chuyện bình thường, đây không phải là đùn đẩy nhau về cách làm việc, vì khi thẩm phán ký hoạt động tố tụng họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bộ luật tố tụng dân sự làm căn cứ để áp dụng.

Về việc quá thời hạn mà thẩm phán không ra các quyết định theo Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định, ông Bình khẳng định: “Về việc này mới quá 1 tháng chứ không phải gần 1 năm. Quá 1 tháng trách nhiệm của ban lãnh đạo sẽ đôn đốc thẩm phán. Các vụ án dạng như vụ việc trên đối với việc quá 1 tháng là không vấn đề gì cả”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm