Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xem xét, xử lý trách nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Trảng Bom

Nguyên Dũng

Chủ nhật, 09/04/2023 - 17:37

(Thanh tra)- Một người dân thắng kiện ở huyện Trảng Bom gửi đơn lên các cơ quan chức năng liên quan đề nghị chỉ đạo thực hiện bản án hành chính phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng Trưởng Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự (THADS) huyện lại đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm.

Ông Đoàn Văn Sỹ - người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Văn Phương - người được TGA theo Quyết định số 98/2021/QĐ-CCTHADS ngày 29/1/2021 của Chi cục THADS huyện Trảng Bom. Ảnh: Nguyên Dũng

Gian nan chờ đợi thi hành án

Bản án sơ thẩm số 16/2020/DSST  ngày 31/7/2020 của TAND huyện Trảng Bom tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Phương (SN: 1945, ngụ ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đối với ông Từ Văn Trứng (SN: 1930, ấp An Chu, xã Bắc Sơn) về việc yêu cầu trả lại quyền sử dụng 2.470 m2 đất (thuộc thửa đất số 35, tờ bản đồ số 12, tọa lạc tại xã Bắc Sơn).

Tòa buộc ông Trứng trả lại cho ông Phương quyền sử dụng 2.470 m2 đất thuộc thửa đất trên. Ngoài ra ông Phương được quyền quản lý, sử dụng tài sản trên đất gồm 1 căn nhà cấp 4 (chia làm 2) có diện tích 324 m2 trị giá hơn 482 triệu đồng, 1 giếng khoan trị giá 15 triệu đồng. Tòa cũng buộc ông Phương phải có nghĩa vụ thanh toán tài sản trên đất tổng cộng gần 500 triệu đồng cho ông Trứng.

Không chấp nhận bản án trên, ông Trứng kháng cáo.

Tiếp đó, tại Bản án phúc thẩm số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phương, buộc ông Trứng phải trả lại thửa đất trên cho ông Phương. Ông Phương được quyền quản lý, sử dụng thửa đất và tài sản trên đất. Ông Phương có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Bản án có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tòa tuyên án.

Ông Đoàn Văn Sỹ đứng bên lô đất tranh chấp đã được tòa án xử thắng 2 lần nhưng chưa được THA. Ảnh: Nguyên Dũng

Nội dung cả 2 bản án trên của tòa án tuyên đã rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế hơn 2 năm qua, Chi cục THADS huyện Trảng Bom không thực hiện.

Điều này dẫn đến hậu quả là quyền, lợi ích hợp pháp của ông Phương bị xâm phạm nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Đoàn Văn Sỹ (90 tuổi, ngụ ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn) cho biết, ông là người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Văn Phương - người được THA theo Quyết định số 98/2021/QĐ-CCTHADS ngày 29/1/2021 của Chi cục THADS huyện Trảng Bom (ông Phương đã mất và gia đình đã thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế - PV).

Ông Sỹ cho biết thêm, vụ tranh chấp đất đai trên đã kéo dài hơn 22 năm qua. Cụ thể, năm 2001, cha mẹ ruột của ông Phương là ông Lê Văn Miền, bà Nguyễn Thị Sáu phát hiện ông Trứng chiếm diện tích đất trên của gia đình nên đã làm đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương.

Năm 2003, vụ việc chưa được giải quyết thì ông Miền mất nên bà Sáu tiếp tục khiếu nại tranh chấp đất lên các quan chức năng tỉnh Đồng Nai nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Năm 2010, bà Sáu đổ bệnh mất, lúc này ông Phương (là con trai duy nhất của ông Miền, bà Sáu) tiếp tục khiếu nại tranh chấp đất.

“Vụ tranh chấp đất đã kéo dài hơn 20 năm, cả 3 thế hệ trong gia đình ông Phương đã phải cầu cứu, gõ cửa nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền, chờ đợi công lý được thực thi. Sự cố gắng của gia đình ông Phương sau đó được tòa án xem xét, giải quyết bằng 2 bản án công bằng, hợp pháp, nhưng khi bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật thì Chi cục THADS huyện Trảng Bom lại không chịu THA theo thẩm quyền. Đến năm 2021 vì chờ đợi THA quá lâu trong đau buồn và thất vọng, ông Phương đổ bệnh rồi mất”, ông Sỹ nói.

Cần truy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chậm THA

Ông Lê Thanh Phong (con ruột của ông Lê Văn Phương) cho biết, trong khi Bản án phúc thẩm số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai chưa được thực thi theo quy định pháp luật thì ngày 31/5/2021, bà Lương Thị Lan (Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom), Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện ra Thông báo kết luận số 237/TB-BCĐTHA với nội dung xác định thửa đất số 35, tờ bản đồ số 12, tọa lạc tại xã Bắc Sơn (diện tích 2.470 m2) mà gia đình ông vừa thắng kiện ở 2 cấp tòa án trên là… đất công.

Nội dung Thông báo kết luận số 237/TB-BCĐTHA đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Chi cục THADS huyện có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Văn bản trả lời của TAND Cấp cao và Viện KSND Tối cao tại TP HCM về việc không đồng ý giám đốc thẩm Bản án số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Dũng

Tiếp đó, ông Từ Văn Trưng cũng gửi đơn lên TAND Cấp cao, Viện KSND Tối cao tại TP HCM đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai.

Ngày 19/10/2022, Thông báo số 1961/TB-TA về việc “giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM có nội dung: Sau khi xem xét đơn đề nghị kháng nghị và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại TP HCM thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Phương, buộc ông Từ Văn Trứng trả lại diện tích đất tranh chấp nêu trên là có căn cứ, đúng pháp luật. Nay ông Trứng khiếu nại nhưng không xuất trình được chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận. Vì vậy, Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy không có cơ sở kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai.

Tiếp đó, ngày 22/8/2022, tại Văn bản số 3038/VLKSTC-V11 gửi Cục THADS tỉnh Đồng Nai về việc “yêu cầu chỉ đạo tổ chức THADS đối với vụ việc ông Từ Văn Trứng, do Chi cục THADS huyện Trảng Bom tổ chức thi hành”, Viện KSND Tối cao có ý kiến: Qua việc kiểm sát hồ sơ thấy Chi cục THADS huyện Trảng Bom ban hành các quyết định THA đúng theo nội dung bản án và đơn yêu cầu THA của người được THA. Trong quá trình tổ chức THA, chấp hành viên đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về THA theo quy định pháp luật; phối hợp với chính quyền địa phương tích cực vận động, thuyết phục người phải THA tự nguyện giao tài sản cho người được THA. Tuy nhiên, người phải THA và gia đình không tự nguyện giao do không đồng tình với quyết định của bản án, liên tục có đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Hiện tại đã có trả lời của Viện KSND Cấp cao tại TP HCM về vụ việc không có căn cứ xem xét giám đốc thẩm Bản án số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai và vụ việc THA không bị tạm dừng, tạm đình chỉ hay yêu cầu hoãn của cấp có thẩm quyền. Do vậy, bản án đang có hiệu lực thi hành, phải được thực thi trên thực tế. Cơ quan THADS phải tổ chức thi hành theo đúng quyết định của bản án - thực hiện việc giao tài sản cho người được THA.

Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) và Trụ sở Tiếp công dân Trung ương chuyển đơn thư vụ việc đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Ảnh: Nguyên Dũng

Để đảm bảo quyền lợi của người được THA, Viện KSND Tối cao yêu cầu Cục trưởng Cục THADS tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Chi cục THADS huyện Trảng Bom kịp thời tổ chức thi hành quyết định của Bản án số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai theo đúng quy định pháp luật. Quá trình tổ chức THA có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, tổ chức họp liên ngành để thống nhất biện pháp tháo gỡ, nếu không thống nhất được thì tiếp tục báo cáo Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp để xin ý kiến chỉ đạo của liên ngành Trung ương. Thực hiện việc thông báo kết quả THA đến Viện KSND Tối cao (Vụ 11) theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Văn phòng Luật sư Lê Hùng - Chi nhánh tỉnh Đồng Nai (thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: Hiến pháp 2013 quy định tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Khi xét xử, tòa án nhân danh quyền lực Nhà nước để đưa ra phán quyết về tính đúng đắn của hành vi. Cũng chính vì vậy nên bản án, quyết định của tòa án một khi có hiệu lực thì phải được bảo đảm thi hành. Thế nhưng trong vụ việc này, Cơ quan THADS của huyện Trảng Bom mà đứng đầu là bà Lương Thị Lan (Phó Chủ tịch UBND huyện) lại không chấp hành khiến việc THA gặp nhiều khó khăn. “Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trong vụ việc này các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải chỉ đạo thi hành án Bản án số 05/2021/DS-PT ngày 15/1/2021 của TAND tỉnh Đồng Nai và cần xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và những người có liên quan của Cơ quan THA huyện Trảng Bom trong việc chậm THA”, luật sư Nguyễn Ngọc Ánh nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm