Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xem xét lại chứng cứ buộc tội?

TTH

Thứ sáu, 16/06/2023 - 06:35

(Thanh tra)- Liên quan đến vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại UBND phường Đông Sơn, TAND thị xã Bỉm Sơn đã ban hành Bản án số 18/2023/HS-ST. Tuy nhiên, theo luật sư, điểm mấu chốt của vụ án chưa được làm sáng tỏ, bởi một số tài liệu được dùng làm chứng cứ buộc tội là bản... phô tô.

4 bị cáo bị đưa ra xét xử. Ảnh: TTH

Vụ án kéo dài 5 năm chưa có hồi kết

Ngày 4 - 5/5, TAND thị xã Bỉm Sơn đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

4 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn; Dương Thị Hà, nguyên công chức địa chính; Vũ Mạnh Quyến, nguyên Phó Bí thư Chi bộ khu phố Đông Thôn và Nguyễn Văn Kỳ, lao động tự do.

Vụ án này đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thị xã Bỉm Sơn ra quyết định khởi tố từ tháng 12/2018.

Đây là phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2, bởi trước đó bản án sơ thẩm lần 1 đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy vì việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không khách quan.

Sau hơn một năm điều tra lại, Cơ quan Điều tra, Công an thị xã Bỉm Sơn vẫn kết luận các bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thị xã Bỉm Sơn đề nghị truy tố về tội danh trên.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2, các bị cáo Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà yêu cầu thay đổi kiểm sát viên Trần Thị Hương Thảo, vì cho rằng bà Thảo đã tham gia giữ quyền công tố trong phiên tòa sơ thẩm lần đầu và đã bị toà án cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm hủy án, nên việc tham gia phiên tòa lần này sẽ không đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, yêu cầu này không được hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận.

Theo bản cáo trạng của Viện KSND thị xã Bỉm Sơn: Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Long Sơn tại phường Đông Sơn. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Long Sơn.

Tháng 11/2014, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn ban hành quyết định thành lập tổ công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) gồm 15 thành viên, sau đó được kiện toàn thành 18 thành viên, do ông Vũ Đức Cường, nguyên Chủ tịch UBND phường Đông Sơn là tổ trưởng; ông Trịnh Xuân Toán, Phó Ban Quản lý dự án thị xã Bỉm Sơn là tổ phó; bà Dương Thị Hà, cán bộ địa chính phường Đông Sơn là tổ viên.

Trong quá trình thực hiện GPMB, tại xứ đồng Đất Lốc Ông Quang có hơn 35.000m2 đất đã san phẳng để trồng mía nên chưa xác định được chủ sử dụng đất cũng như diện tích cụ thể của từng hộ.

Khi lập hồ sơ bồi thường, bị cáo Cường và Hà phát hiện tổng diện tích các hộ được bồi thường còn thiếu hơn 4.500m2 so với diện tích đất mà Công ty TNHH Long Sơn đã lấy và chi trả tiền. Hai bị cáo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền bồi thường còn thừa nên đã lập hồ sơ khống cho 4 hộ dân để “khớp” số liệu.

Trong đó, hộ Vũ Mạnh Quyến, Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Thị Quế đã lập thành công với diện tích gần 4.300m2, tương ứng hơn 605.007.000 đồng. Quyến và Kỳ đã trực tiếp nhận hơn 370.000.000 đồng, sau đó chuyển lại toàn bộ cho bị cáo Hà. Còn hộ bà Quế không tới nhận tiền nên bị cáo Hà là người đã ký nhận hơn 220.000.000 đồng.

Sau khi nghe đại diện Viện KSND thị xã Bỉm Sơn công bố cáo trạng, bị cáo Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà đều không đồng tình .

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: TTH

Bị cáo Cường khẳng định, trong thời gian làm Chủ tịch UBND phường Đông Sơn, không xét duyệt nguồn gốc đất cho 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế thuộc đối tượng được bồi thường GPMB. Bị cáo chỉ ký vào danh sách 35 hộ và 12 hộ ngày 20/3/2015, trong đó không có tên 3 hộnày và đây chính là bản chính có dấu đỏ làm căn cứ để Ban Quản lý dự án thị xã Bỉm Sơn áp giá bồi thường.

Còn biên bản xét duyệt nguồn gốc sử dụng đất ngày 19/5/2015, danh sách niêm yết và biên bản kết thúc niêm yết ngày 6/4/2015 của 49 hộ, cá nhân có diện tích đất canh tác tại xứ đồng Đất Lốc Ông Quang (trong đó có 3 hộ dân Quyến, Kỳ, Quế) có dấu hiệu giả mạo để buộc tội bị cáo.

Theo bị cáo Cường, tất cả những tài liệu này đều được in và ký thành 4 bản chính có dấu đỏ của UBND phường Đông Sơn gửi tới Ban Quản lý dự án thị xã Bỉm Sơn, Công ty TNHH Long Sơn và lưu tại UBND phường, còn một bản chuyển cho trưởng thôn để niêm yết công khai tại nhà văn hóa.

Cơ quan điều tra không thu thập được bất cứ bản chính nào mà chỉ thu được bản phô tô, nên bị cáo đề nghị trả hồ sơ để điều tra thu thập bản gốc của những tài liệu này theo đúng yêu cầu của bản án phúc thẩm.

Diễn biến đáng chú ý tại phiên tòa là ý kiến của ông Đào Xuân Cường - giám định viên tư pháp, Sở Tài chính Thanh Hóa. Ông Cường cho rằng: “Cơ quan điều tra và Viện KSND dùng Kết luận giám định số 15/KLGĐTP-TCKT ngày 15/8/2019 để xác định Công ty TNHH Long Sơn là bị hại là không có căn cứ, vì bản án sơ thẩm năm 2020 và bản án phúc thẩm năm 2021 đã bị hủy và đã có kết luận giám định nguồn gốc đất của Sở Tài nguyên và Môi trường ngày 5/10/2022, nhưng cơ quan điều tra không trưng cầu giám định lại”.

Ông Đào Xuân Cường đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu giám định lại để xác định tư cách bị hại.

Ông Đào Xuân Cường khẳng định “ngay buổi chiều sẽ tham mưu cho lãnh đạo Sở Tài chính có văn bản đề nghị thu hồi Kết luận giám định số 15/KLGĐTP-TCKT ngày 15/8/2019 để thực hiện giám định lại”. Tuy nhiên, ý kiến của giám định viên tư pháp không được HĐXX chấp nhận.

Sau 2 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, TAND thị xã Bỉm Sơn đã ban hành Bản án số 18/2023/HS-ST. Theo đó, bị cáo Vũ Đức Cường bị xử phạt 5 năm 9 tháng tù; bị cáo Dương Thị Hà 5 năm 6 tháng tù; còn Vũ Mạnh Quyến 30 tháng tù và Nguyễn Văn Kỳ 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Dùng bản phô tô làm chứng cứ buộc tội

Sau khi bản án sơ thẩm của TAND thị xã Bỉm Sơn tuyên, luật sư Trần Quốc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Quốc Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - người bào chữa cho bị cáo Vũ Đức Cường tại phiên tòa, cho rằng đây là vụ án rất phức tạp, kéo dài 5 năm và đã bị tòa án cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm hủy vì đánh giá chứng cứ không khách quan.

Theo ông Hùng, điểm mấu chốt của vụ án này là các tài liệu chứng cứ buộc tội như: Biên bản xét duyệt nguồn gốc đất, danh sách niêm yết công khai ngày 19/3/2015 (trong đó có 3 hộ Quyến, Kỳ, Quế) và biên bản kết thúc niêm yết công khai ngày 6/4/2015, đều là bản phô tô, không tìm được bản chính.

Cơ quan điều tra chỉ thu thập tại nhà riêng của bị cáo Dương Thị Hà những tài liệu này, nhưng là bản phô tô do ông Trần Văn Hán - Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ký sao y bản chính (Số chứng thực 842 ngày 23/8/2016).

Tuy nhiên, trong sổ chứng thực tại UBND phường Đông Sơn lại thể hiện Số chứng thực 842 được xác định vào ngày 22/8/2016, ông Hán chứng thực bằng tốt nghiệp, CMND, hộ khẩu, khai sinh cho bà Mai Thị Huệ chứ không chứng thực các văn bản nêu trên.

Đại diện Viện KSND thị xã Bỉm Sơn công bố cáo trạng. Ảnh: TTH

Sau khi bị trả lại điều tra, cơ quan điều tra thu được thêm các tài liệu trên được phô tô chứng thực bởi Phòng Tư pháp UBND thị xã Bỉm Sơn.

Điều đáng nói, những tài liệu này không ghi số chứng thực và ngày, tháng, năm chứng thực. Đặc biệt, không ghi thông tin trong sổ chứng thực và hồ sơ lưu trữ của Phòng Tư pháp UBND thị xã Bỉm Sơn từ năm 2015 đến nay.

"Điều đó khẳng định các tài liệu trên không có giá trị, bởi nó vi phạm nghiêm trọng Điều 20, Nghị định 23/2015/ND-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định về quy trình chứng thực. Theo quy định, cơ quan, tổ chức khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, bắt buộc phải chụp lại bản chính, sau đó thực hiện đối chiếu bản sao với bản chính, nếu thấy phù hợp thì phải ghi thông tin chứng thực vào sổ chứng thực" - luật sư Hùng khẳng định.

Theo luật sư Hùng, đây là những tài liệu cực kỳ quan trọng được cơ quan tố tụng sử dụng làm căn cứ buộc tội Vũ Đức Cường, nhưng lại không đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ quy định tại Điều 86 và Khoản 1, Điều 108, Bộ luật Tố tụng hình sự, nên cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Mặc dù vậy, sau hơn một năm điều tra lại, cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn vẫn sử dụng các tài liệu này để buộc tội Vũ Đức Cường.

Luật sư Hùng cho rằng bản danh sách 49 hộ, cá nhân được chi trả tiền GPMB đều được các bị cáo và những người liên quan khẳng định được lập thành 4 bản chính có dấu đỏ. Trong đó, 1 bản gốc được lưu tại UBND phường Đông Sơn, 1 bản được gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bỉm Sơn, 1 bản phô tô đóng dấu đỏ giao cho ông Trịnh Xuân Trường, Trưởng thôn công khai tại nhà văn hóa và 1 bản đóng dấu đỏ được dán công khai niêm yết tại UBND phường Đông Sơn. Vậy, tại sao cơ quan điều tra lại không thu thập được bất kỳ một bản chính nào? Cần phải làm rõ nguyên nhân thất lạc.

Từ những phân tích trên, luật sư Hùng khẳng định tất cả các bản sao biên bản xét duyệt, danh sách niêm yết công khai ngày 19/3/2015 và biên bản kết thúc niêm yết đối với 49 hộ dân do ông Trần Văn Hán, ông Đỗ Đức Thẩm và ông Phan Tuấn Anh ký chứng thực được cơ quan điều tra thu thập đều không có giá trị pháp lý, nên không thể sử dụng những tài liệu này làm căn cứ để buộc tội Vũ Đức Cường.

"Việc cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn vẫn tiếp tục sai lầm khi sử dụng những tài liệu không có giá trị pháp lý làm chứng cứ buộc tội là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định sự thật vụ án, quy định tại Điều 15, Bộ luật tố tụng hình sự" - luật sư Hùng nhấn mạnh.

Không đồng tình với Bản án số 18/2023/HS-ST của TAND thị xã Bỉm Sơn, bị cáo Vũ Đức Cường và Dương Thị Hà đã có đơn kháng cáo, đề nghị TAND tỉnh Thanh Hóa xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Cho rằng các cơ quan tố tụng thị xã Bỉm Sơn đã có nhiều sai sót, vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, ông Vũ Đức Cường đã có đơn tố cáo gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Qua xem xét nội dung đơn, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chuyển đơn của ông Vũ Đức Cường tới Viện trưởng Viện KSND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, giải quyết theo quy định và báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh kết quả giải quyết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm