Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần xem lại việc thu hồi đất của một gia đình có công cách mạng

Mai Mười

Thứ bảy, 20/08/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Đất canh tác của gia đình khoảng 4.000m2 sử dụng ổn định, lâu dài, nhưng khi lập thủ tục thu hồi đất thì cho rằng đất bỏ hoang từ lâu và không có lối đi vào nên đề nghị giao đất để một doanh nghiệp khác mở rộng thực hiện dự án.

Bà Gấm cho biết, ngoài dừa và chuối còn nhiều cây xà cừ trên đất có tuổi thọ hơn 40 năm. Ảnh: ĐM

Bà Lê Thị Gấm trú tại ấp Cửa Lấp, phường Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, đất của gia đình từ nhiều năm qua được Nhà nước vận động, tiến hành các thủ tục thu hồi để giao doanh nghiệp thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng nhưng gia đình không chấp thuận.

Tìm thấy nguồn gốc sử dụng đất bị thất lạc

Theo đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng, cha bà Gấm là ông Nguyễn Văn Em, đã sinh sống và canh tác từ những năm 1973 trên mảnh đất này. Đất đã được gia sử dụng ổn định, trồng các loại cây như dừa, chuối, xà cừ… nhằm trang trải cuộc sống.

Trong những lần làm việc với các cấp chính quyền, phía gia đình luôn khẳng định đất đã canh tác từ trước năm 1975, sử dụng đến bây giờ và mới đây, bà đã tìm được “đơn xin khẩn đất” có sự xác nhận của UBND Cách mạng huyện Phú Quốc (nay là thành phố Phú Quốc) ngày 4/9/1975 đồng ý cho gia đình bà được phép sử dụng diện tích 12.800m2.

Việc này minh chứng cho quá trình sử dụng đất của gia đình, cũng như bổ sung nguồn gốc đất mà trước đây các cấp thẩm quyền cho rằng đất gia đình bà Gấm không có nguồn gốc để giải quyết theo quy định.

Theo nội dung vụ việc, năm 1976, gia đình bà cho ông Trần Tích Đức mượn một phần đất để trồng hoa màu. Năm 1998, ông Đức có tranh chấp với phần đất cho mượn khoảng 4.000m2 của gia đình.

Về nội dung đơn khiếu nại của ông Trần Tích Đức cho rằng đất này trước 1975 do ông bỏ công khai hoang để trồng hoa màu, nhưng vài năm rồi bỏ hoang. Sau đó, ông Nguyễn Văn Em có phát hoang ra thêm, thì ông Đức có đơn tranh chấp.

Giấy xác nhận nguồn gốc đất vừa tìm thấy và các danh hiệu cao quý được Chủ tịch nước khen tặng gia đình có công cách mạng. Ảnh: ĐM

Ngày 11/6/2001, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 414/2001/QĐUB công nhận diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Em, bác đơn khiếu nại của ông Trần Tích Đức.

Theo UBND huyện Phú Quốc, khiếu nại của ông Đức không đủ cơ sở để giải quyết và chuyển toàn bộ diện tích tranh chấp cho Nhà nước quản lý, cụ thể là UBND xã Dương Tơ.

Ông Trần Tích Đức tiếp tục khiếu nại nhưng các cơ quan như Thanh tra tỉnh Kiên Giang và UBND tỉnh (Công văn số 243/CV-UB ngày 20/6/2003) đều công nhận Quyết định số 414/2001/QĐ-UB của UBND huyện Phú Quốc về việc không thừa nhận diện tích đất trên cho ông Trần Tích Đức.

Từ đó, gia đình bà Gấm vẫn canh tác, khai thác hoa quả ổn định đời sống cho đến ngày nay.

Cần xem xét lại công tác đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất

Liên quan đến vụ việc, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc cho rằng, hiện trạng khu đất không có mặt đường Trần Hưng Đạo, chung quanh không có đường vào (nhưng thực tế lối đi vào từ nhà bà Lê Thị Gấm); đất bị bỏ hoang từ lâu…

Từ đó, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đề xuất UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng khu nghỉ dưỡng Famiana Resort & Spa tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ  cho Công ty Phương Anh Đức mở rộng khu nghỉ dưỡng.

Ngày 4/7/2014, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có Văn bản số 2644/VP-KTCN về việc chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng khu nghỉ dưỡng tại địa điểm trên.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/4/2012, UBND huyện Phú Quốc có Văn bản số 102/UBND-NCPG về việc chỉ đạo thực hiện giao đất đối với các trường hợp có quyết định xử lý sau thanh tra.

Nhiều cây dừa có tuổi thọ hơn 35 năm và vườn cây ăn trái của gia đình khai thác từ trước đến nay. Ảnh: ĐM

UBND huyện Phú Quốc chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tiến hành xét duyệt từng đối tượng cụ thể để lập thủ tục giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân trước đây trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về đất đai đã có quyết định xử lý (kể cả các hộ bị xử lý sau thanh tra và các hộ bị xử lý trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan Nhà nước), nhưng thực tế người dân vẫn quản lý sử dụng, nay phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện giao đất theo quy định (chỉ thực hiện xét với các trường hợp những hộ sử dụng trước 1/7/2004).

Từ cơ sở trên, gia đình bà làm đơn và liên hệ với các cơ quan để xin giao đất nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Thời gian sau, UBND huyện Phú Quốc thông báo về việc thu hồi đất để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Famiana Resort & Spa. Vì chưa có sự thống nhất giữa các bên, nên việc giao đất vẫn chưa được tiến hành và gia đình bà vẫn tiếp tục trồng và chăm sóc cây, khai thác hoa quả cho đến hôm nay.

Bà Lê Thị Gấm cho biết, gia đình có truyền thống yêu nước, có công cách mạng, được được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất.

Việc không công nhận diện tích tranh chấp đất của ông Trần Tích Đức làm cho gia đình có niềm tin rất lớn về chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhưng quá trình thu hồi đất giao cho doanh nghiệp làm khu nghỉ dưỡng cần xem lại, vì trước đây khi làm việc với các cơ quan, gia đình không cung cấp được giấy tờ về nguồn gốc sử dụng đất do bị thất lạc.

Bây giờ, “đơn xin khẩn đất” để canh tác được UBND Cách mạng huyện Phú Quốc đồng ý và chứng nhận đã tìm thấy, đặc biệt, việc sử dụng đất của gia đình liên tục, ổn định từ trước đến nay sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm