Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần hủy tấm sổ đỏ cấp sai quy định

Chủ nhật, 22/03/2015 - 07:52

(Thanh tra)- Qua xác minh, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy rằng việc cấp sai tấm sổ đỏ này có nguyên nhân từ nhiều phía.

Nhiều năm qua, bằng cách nộp đơn trực tiếp và cả nhờ bác “Bưu chính” nộp đơn thay, nhưng chưa khi nào UBND huyện Đông Anh thụ lý vụ việc của dòng họ Hoàng.

Ở đây, đối tượng đáng trách đầu tiên phải là dòng họ Hoàng. Trách ở chỗ “niềm tin đặt nhầm chỗ”, đất và nhà thờ dòng họ đã tồn tại 14 đời với công trình trên 300 năm (được trùng tu, nâng cấp nhiều lần) lại tin vào lời “hứa mồm” của mấy cô cháu gái là “làm sổ đỏ hộ họ”!

Cũng do cả hai vợ chồng cô cháu gái đều là công chức thuộc UBND huyện Đông Anh (bà Hồng là cán bộ Phòng Y tế sau chuyển sang Phòng Nội vụ; ông Đào Ngọc Hà là Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh, nay là Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng đô thị mới Hà Nội) nên niềm tin ấy càng được nhân lên.

Nhưng trong họ tin nhau cũng là chuyện thường tình, còn người thực thi công vụ lại làm việc trên cơ sở “niềm tin” dẫn đến quan liêu, trình cấp thẩm quyền cấp sai sổ đỏ là đưa Chủ tịch UBND huyện vào con đường… sai phạm!

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra, ông Đặng Bá Sướng, Phó Chủ tịch UBND xã Uy Nỗ nói: Bà Hồng kê khai không trung thực… Tôi cứ nghĩ đó là nhà thờ riêng của gia đình bà Hồng nên mới đề xuất cấp sổ đỏ...

Trong bộ hồ sơ cấp sổ đỏ cho hộ bà Hồng (do UBND huyện Đông Anh cấp cho dòng họ Hoàng theo yêu cầu của Tòa), chúng tôi thấy có nhiều thiếu sót.

Bản cam kết ngày 14/4/2004, có ghi: “Sổ hộ khẩu gia đình chúng tôi gồm… người do ông (bà) Hoàng Thị Hồng đứng tên chủ hộ khẩu. Số hộ khẩu 291039 do Công an huyện Đông Anh cấp ngày 18/3/1993. Hộ gia đình chúng tôi thống nhất cử ông (bà) Hoàng Thị Hồng có tên trong sổ hộ khẩu làm đại diện cho gia đình đứng tên kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Phía dưới có chữ ký của 6 chị em gái (con ông Hoàng Văn Phát) và xác nhận của Chủ tịch UBND xã - ông Hoàng Đình Hè.

Vậy, có gì sai ở đây?

Với bản cam kết này, UBND huyện Đông Anh chỉ có thể cấp sổ đỏ (khi đủ điều kiện cần và đủ) mang tên hộ bà Hoàng Thị Hồng với các khẩu thành viên là 6 người đã ký. Nhưng trên thực tế, tại thời điểm này 6 chị em bà Hồng không ở chung hộ khẩu do bà Hồng làm chủ hộ.

Trong hồ sơ, cũng chỉ có duy nhất một bản photo sổ hộ khẩu 291039, có mình tên bà Hồng.

Và, sổ đỏ mà UBND huyện Đông Anh đã cấp cho hộ bà Hồng (đất do cha bà Hồng để lại có nguồn gốc thừa kế của dòng họ Hoàng) lại là cho các đồng sở hữu gồm: Bà Hồng, ông Đào Ngọc Hà, ông Đào Ngọc Tước (bố chồng) cùng các con bà Hồng.

Khi hòa giải tại xã, họ Hoàng đã buộc “xuống nước” phải mua lại đất cha ông và nhà thờ tổ tiên tồn tại từ nhiều trăm năm trước. Khi làm thủ tục mới xuất hiện bản công chứng vô lối, nêu nguồn gốc đất của dòng họ Đào tận tỉnh Hưng Yên, sau khi người con rể ở nhờ họ Hoàng thuở… hàn vi nay đã là Phó Giám đốc một ban cấp thành phố Hà Nội.

Thêm nữa, không hiểu do áp lực nào đó hay vì người xin cấp là cán bộ UBND huyện, nên trong Biên bản kiểm tra hiện trạng, cán bộ có thẩm quyền (là ông Đặng Bá Sướng) không thể hiện công trình trên đất này.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 (trước thời điểm bà Hồng xin cấp sổ đỏ 1 năm), Khoản 1, Điều 48 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) quy định: 

“1... Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản”.

Công trình gắn liền trên đất ở đây chính là nhà thờ của họ Hoàng (Tiền đường và Từ đường). Tuy nhiên, trong hồ sơ cấp sổ đỏ này không thể hiện điều này.

Vậy vì sao nó không được thể hiện?

Bởi lẽ, nếu nó được thể hiện thì cơ quan chức năng phải xác định nó là công trình gì?  Chắc chắn nó là nhà thờ họ.

Câu trả lời là “chắc chắn”, vì, trước tiên đây là một thực tế.

Thứ hai, theo xác nhận của 6 chị em bà Hồng tại Giấy thỏa thuận ngày 2/11/2004 có nêu rõ: “Sau khi bàn bạc thống nhất giữa chị em chúng tôi nhất trí khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng diện tích đất trên sẽ làm thủ tục giao lại phần đất và nhà thờ cho dòng họ quản lý và trông nom hương khói về lâu dài”.

Vậy, nếu xác định công trình trên đất là nhà thờ họ, trường hợp này sẽ được áp dụng theo Khoản 3, Điều 9 của Luật Đất đai 2003. Cụ thể:

“Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng một địa bàn, ấp, bản, buôn, phum, sóc, và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ…”.

Và, Khoản 3, Điều 48 nêu rõ: “Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cộng đồng dân cư và trao cho người đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư đó”.

Vậy, tốt nhất trong trường hợp này là… không ghi nhận công trình trên đất. Vì, nếu xác minh, ghi nhận đúng thực tế, nó sẽ là nhà thờ của cộng đồng dân cư đương nhiên sẽ không bao giờ cấp được sổ đỏ cho hộ gia đình bà Hồng.

Đây chính là điểm mấu chốt thể hiện rõ nhất việc cấp sai của tấm sổ đỏ mang tên hộ bà Hoàng Thị Hồng.

Đúng luật, mảnh đất 1.432m2 này sẽ được chia làm 2 phần: Phần khoảng 400m2 (có nhà Tiền đường, Từ đường cùng khuôn viên) sẽ được trao cho đại diện dòng họ Hoàng, phần còn lại trao cho bà Hồng (gồm các thành viên là con ruột ông Hoàng Văn Phát), chứ không phải giao hết cho bà Hồng và các thành viên khác họ Đào.

Vậy vì sao quy trình làm tấm sổ đỏ này lại không được làm đúng luật mà ngoắt ngoéo như những gì đã diễn ra? Phải chăng, đó là do “toan tính” lấy cả đất và nhà thờ của họ, từ đó có sự “tác động”đến các cán bộ có thẩm quyền cấp sổ đỏ tại huyện Đông Anh?

Và, đây cũng có thể là nguyên nhân vì sao họ Hoàng không thể nộp đơn khiếu nại hành chính tới UBND huyện Đông Anh, cơ quan Tòa án địa phương chậm trễ giải quyết vụ án, hay lãnh đạo huyện này từ chối tiếp xúc với cơ quan báo chí đi xác minh đơn thư theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, trong nhiều năm qua, UBND huyện Đông Anh đã cấp sai nhiều tấm sổ đỏ, bị Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu ra quyết định hủy bỏ. Điển hình như việc Chủ tịch huyện này cấp sai sổ đỏ cho cá nhân trùm lên đất dòng họ Đào ở xã Cổ Loa.

Công trình trên đất được xác định là nhà thờ họ Hoàng Văn

Trong quá trình giải quyết tranh chấp nhà thờ họ Hoàng Văn vào tháng 6/2009, UBND xã Uy Nỗ đã cử cán bộ xuống khu nhà thờ xác minh và cho kết quả: Diện tích đất ở và đất vườn liền kề mang tên hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng đương nhiên có: Nhà thờ họ Hoàng Văn (Từ đường), nhà tiền đường đồng thời là nhà ở, các công trình xây dựng khác và tài sản trên đất của hộ gia đình bà Hoàng Thị Hồng và các em gái. (Thông báo số 28B ngày 9/6/2009).

Ngay sau khi bài báo thứ 2 được phát hành (bài “Đợi công lý đến bao giờ?”), ngày 17/3/2015, lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cùng một số cán bộ chức năng đã xuống thực địa tại khu nhà thờ họ Hoàng Văn.

Sáng 18/3/2015, UBND xã Uy Nỗ đã cho mời lãnh đạo xóm Thượng và 3 cá nhân (không phải họ Hoàng) để xác định nguồn gốc thửa đất và sở hữu nhà thờ thuộc về ai. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, các cá nhân được lấy ý kiến đều khẳng định đất, nhà thờ (Tiền đường, Từ đường) có từ lâu đời, của dòng họ Hoàng Văn.

Nhóm PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm