Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bằng giỏi trượt, bằng chuyển đổi đậu viên chức

Thứ hai, 20/08/2018 - 14:24

(Thanh tra) - Nhiều trường hợp là bằng chuyển đổi lại lọt vào danh sách đậu viên chức, còn những trường hợp có bằng đại học chính quy loại giỏi, loại khá thì lại bị đánh trượt. Đó là những bức xúc tiếp theo của những thí sinh tham gia đợt xét tuyển viên chức ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa qua.

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân là Chủ tịch Hội đồng Xét tuyển viên chức. Ảnh: Văn Thanh

Bằng giỏi trượt, bằng chuyển đổi lọt vào danh sách đậu

Theo phản ánh của nhiều thí sinh tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo viên mầm non ở huyện Thường Xuân vừa qua thì số lượng thí sinh có thông báo đậu viên chức trong kỳ xét tuyển này là hơn 100 trường hợp, trong đó có tới gần 70 trường hợp có trình độ trung cấp mầm non, 6 trường hợp có trình độ cao đẳng, còn lại là chủ yếu là đại học tại chức, đại học hệ vừa làm vừa học, đại học từ xa. Rất ít trường hợp đại học chính quy đậu.

Đáng nói, theo danh sách thông báo kết quả xét tuyển viên chức ngành Giáo dục đợt 2 năm 2018 của huyện Thường Xuân do ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Xét tuyển ký, đóng dấu thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có tới 14 thí sinh có trình độ đại học chính quy, chuyên ngành mầm non, chủ yếu là tốt nghiệp loại giỏi, loại khá thì bị Hội đồng Xét tuyển đánh trượt. 

Thí sinh Lê Thùy Dương, tốt nghiệp đại học chính quy, loại giỏi, sinh ngày 12/9/1990, trú xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân bị đánh trượt; Trần Thị Lệ, tốt nghiệp đại học chính quy, loại giỏi, sinh ngày 23/11/1989, trú xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân bị đánh trượt; Cầm Thị Na, tốt nghiệp đại học, loại giỏi, sinh ngày 10/5/1992, quê xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân bị đánh trượt; Trần Thị Ngọc, tốt nghiệp đại học chính quy, loại giỏi, sinh ngày 10/2/1997, trú thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân bị đánh trượt; Vũ Thị Thắm, tốt nghiệp đại học chính quy, loại giỏi, sinh ngày 10/2/1992, trú xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân bị đánh trượt …

Nhiều thí sinh có bằng đại học chính quy loại khá, giỏi thì bị đánh trượt trong kỳ xét tuyển viên chức. Ảnh: Văn Thanh

Cũng theo phản ánh của các thí sinh tham gia kỳ thi viên chức, trong số những trường hợp có trình độ trung cấp mầm non lọt vào danh sách đậu viên chức lần này thì nhiều trường hợp chỉ có bằng chuyển đổi (chuyển đổi từ một bằng cấp khác sang bằng trung cấp mầm non để đủ điều kiện dự tuyển viên chức ngạch mầm non). Một số trường hợp khi chuyển đổi không tham gia học thật mà chỉ nộp tiền, sau đó đi thi rồi lấy bằng trung cấp nộp cho hợp lệ rồi có sự sắp đặt để trúng tuyển.

Theo nội dung đơn thư mà các thí sinh gửi đến các ban, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đề nghị làm rõ về kỳ thi xét tuyển viên chức ở huyện Thường Xuân mà phóng viên có được, có đoạn viết như sau. “Khi thông báo danh sách thí sinh tham gia dự thi thì đối tượng đăng ký tùm lum, có trường hợp mua bằng, người dùng bằng giả, người chuyển đổi bằng mà không hề có một chút kiến thức nào về giáo viên mầm non nhưng vẫn có trong danh sách đủ điều kiện dự thi. Khi diễn ra kỳ thi, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Hội đồng thi, song chúng tôi nhận được tin của sếp những người đang dạy hợp đồng thì phải cống nạp 70 triệu đồng mới đậu, thí sinh đăng ký tự do phải nộp 250 triệu mới xong. Khi vay tiền ngân hàng lên đưa thì các sếp báo lại đã đủ suất không nhận tiền nữa …”.

Bộc lộ nhiều “nghi vấn” cần phải làm rõ

Mặc dù nội dung đơn thư nói trên không có bằng chứng để chứng minh, không có cơ sở để khẳng định việc chạy chọt, mua bán bằng cấp, thế nhưng về hiện tượng, kết quả trong kỳ xét tuyển viên chức ở huyện Thường Xuân đã bộc lộ nhiều nghi vấn cần phải làm rõ. Đó là rất nhiều người có bằng chuyển đổi, người nhà lãnh đạo huyện lọt vào danh sách đậu viên chức, còn những người có trình độ đại học, học lực khá, giỏi thì lại bị đánh trượt.

“Xét tuyển thì phải công bằng chứ, không thể cứ người nhà lãnh đạo, người có quan hệ, có tiền thì mới trúng tuyển là không được. Các ban, ngành chức năng của tỉnh cần phải nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, loại bỏ ngay tư tưởng “nhất quan hệ, nhì hậu duệ, ba tiền tệ, bốn mới đến trí tuệ” thì mới thu hút được nhân tài, huyện Thường Xuân mới phát triển”, 1 thí sinh thẳng thắn đề nghị.

Sau khi có thông báo về kết quả xét tuyển viên chức ngày 1/8/2018, thì ngày 9/8/2018 ông Cầm Bá Xuân lại ký văn bản triệu tập 56 thí sinh để thông báo có điểm quy đổi bị lệch, gây bức xúc cho nhiều thí sinh. Ảnh: Văn Thanh 

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài những hiện tượng nói trên, sau khi có Thông báo số 14/TB-HĐXT ngày 1/8/2018 của Hội đồng Xét tuyển viên chức ngành Giáo dục đợt 2 năm 2018 do ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch Hội đồng ký, đóng dấu đỏ thông báo rộng rãi về kết quả xét tuyển đã thể hiện rõ ràng những thí sinh đủ điểm đạt và không đạt. 

Thế nhưng, sau đó chẳng hiểu vì lý do gì ngày 9/8/2018 ông Cầm Bá Xuân lại ký tên, đóng dấu vào Giấy triệu tập số 17/HĐXT triệu tập 56 thí sinh tham gia xét tuyển để thông báo số điểm “quy đổi” bị lệch. Nhiều thí sinh đang từ điểm đạt viên chức bỗng dưng lại trở thành trượt viên chức và một số thí sinh đang từ trượt thành đậu viên chức, gây bức xúc cho rất nhiều thí sinh. 

Về thông tin này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa phải nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ từng khâu, công đoạn của kỳ xét tuyển viên chức lần này ở huyện Thường Xuân. Có như thế mới mang lại công bằng, tránh được thiệt thòi, bức xúc ở các thí sinh dự thi.  

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, đã đọc được nội dung Báo Thanh tra phản ánh và đã chỉ đạo Phòng Thanh tra tiến hành kiểm tra theo thông tin báo nêu. Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Thường Xuân: Nếu muốn tiếp tục tìm hiểu phải được sự đồng ý của ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện thì mới làm việc với phóng viên. Ảnh: Văn Thanh

Liên hệ với ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thường Xuân để tìm hiểu thêm về những thông tin nói trên, PV được cho hay: "Từ ngày 21/8/2018 chúng tôi phải làm việc với Thanh tra Sở Nội vụ rồi. Các anh phải chờ kết luận của thanh tra thôi. Còn các anh muốn tìm hiểu thêm thông tin thì phải được sự đồng ý của anh Xuân (ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện) thì chúng tôi mới làm việc. Chúng tôi cũng đang muốn thanh tra lên làm cho nhanh, vì chúng tôi làm đúng luật hết mà".

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

 Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

Sai từ khi lập dự án cho đến thi công và nghiệm thu thanh toán

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.

Nam Dũng

16:00 14/12/2024
Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm