Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bản án sơ thẩm số 23/2022/DSST của TAND tỉnh Đắk Lắk cần được xem xét lại

Văn Sơn

Thứ ba, 11/04/2023 - 22:11

(Thanh tra) - Ông Trương Văn Phin, sinh năm 1953, là cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chỉ biết “kêu trời” trước phán quyết của TAND tỉnh Đắk Lắk trong Bản án số: 23/2022/DSST ngày 20/9/2022 về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) gây bất lợi cho gia đình.

Ông Trương Văn Phin trước thửa đất đã bán cho bà Lâm Uyên Nguyên. Ảnh: Văn Sơn

Khốn khó từ việc bán nhà chữa bệnh, trả nợ

Ông Trương Văn Phin trình bày, ông là cựu chiến binh, từng tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường Đông Nam Bộ và bị nhiễm chất độc da cam.

Người vợ đầu của ông Phin là bà Phạm Thị Trường đã chết từ năm 1996.

Ông Phin có 3 người con. Người con gái lớn là Trương Thị Thái, sinh năm 1979 khỏe mạnh bình thường, nhưng 2 người còn lại đều bị nhiễm chất độc da cam.

Người con trai út là Trương Quang Thành, sinh năm 1984 đã chết năm 2013. Người con gái thứ 2 là Trương Thị Thương, sinh năm 1982 bị tàn tật nặng, đầu óc không minh mẫn, chỉ biết ăn nằm ở một chỗ, sinh hoạt đều phải có người phục vụ.

Năm 1999, ông Phin lấy người vợ thứ 2 là bà Hoàng Thị Thanh. Năm sau, sinh thêm người con trai là Trương Đức Hiếu.

Ông Phin cho biết, do bản thân và con gái Trương Thị Thương bệnh tật, đau ốm quanh năm, hầu như chỉ biết trông chờ vào khoản trợ cấp ít ỏi mà Nhà nước hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả.

Ông Trương Văn Phin và con gái Trương Thị Thương đều là những người đang hưởng chế độ trợ cấp nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Văn Sơn

Năm 2017, ông Phin phải bán căn nhà tại địa chỉ số 2 đường An Dương Vương, TP Buôn Ma Thuột để lấy tiền trang trải nợ nần và chữa bệnh.

Thời điểm đó, ông Phin đã hỏi ý kiến các thành viên gia đình. Trong đó, chị Thái chấp thuận với điều kiện ông Phin phải chia cho 1.000m2 đất ở tại thôn Tân Hưng, xã EaKao, TP Buôn Mê Thuột.

“Tôi đã đáp ứng yêu cầu trên của con gái, nhưng không ngờ khốn khó từ việc bán nhà chữa bệnh, trả nợ”, ông Phin nói.

Đề nghị ghi giá chuyển nhượng là 460 triệu đồng nhằm mục đích trốn thuế

Bà Lâm Uyên Nguyên, trú tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột thỏa thuận mua lại căn nhà của ông Phìn tại địa chỉ số 2 đường An Dương Vương.

“Bà Nguyên nói hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình tôi và khẳng định sẽ tự lo mọi thủ tục liên quan đến việc sang tên. Bà Nguyên còn kể có nhiều mối quan hệ với những người làm việc trong các cơ quan chức năng”, ông Phin chia sẻ.

Ngày 14/2/2017, tại Phòng Công chứng Đại An, bà Nguyên nhận CNQSDĐ của ông Phin thửa đất số 137, tờ bản đồ số 15, diện tích 166m2 tại địa chỉ phường Thành Nhất theo giấy chứng nhận QSDĐ số CG 148479 do UBND TP Buôn Ma Thuột cấp ngày 20/01/2017. Giấy chứng nhận QSDĐ đất này chỉ đứng tên ông Trương Văn Phin.

“Bà Nguyên đề nghị tôi kí hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) ghi giá 460 triệu đồng nhằm mục đích trốn thuế, nhưng thực tế theo chuyển nhượng nhà đất của tôi với giá 1,36 tỷ đồng, bà Nguyên đã giao cho tôi số tiền 1,2 tỷ đồng”, ông Phin cho biết.

Tuy nhiên, thời điểm nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột thì phát sinh yếu tố bất ngờ: Con gái cả của ông Phin là Trương Thị Thái có đơn kiện bố với lý do tự ý bán đất mà không được sự đồng ý mình.

Ngày 16/3/2017, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột có Thông báo số 89/TB-CNBMT dừng xem xét việc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng của ông Phin và bà Nguyên.

Do hồ sơ chuyển nhượng bị tạm dừng, bà Nguyên đã gửi đơn khởi kiện ông Phin tới TAND tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời đề nghị hộ ông Phin tiếp tục thực hiện HĐCN đất cho bà theo quy định. Trường hợp không thực hiện được thì bà Nguyên sẽ trả lại thửa đất, yêu cầu ông Phin trả lại số tiền 1,2 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại.

Phán quyết của tòa đã công bằng?

Ngày 20/9/2022, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử sơ thẩm Vụ án dân sự số 23/2022/DSST về việc “tranh chấp hợp đồng CNQSDĐ”.

Tại bản án, TAND tỉnh tuyên hợp đồng CNQSDĐ giữa ông Phin và bà Nguyên là vô hiệu; yêu cầu vợ chồng ông Phin, bà Thanh và con trai phải trả cho bà Nguyên số tiền 3,437 tỷ đồng; bà Nguyên có trách nhiệm trả lại gia đình ông Phin thửa đất số 137, tờ bản đồ số 15.

Theo ông Phin, đây là một phán quyết thiếu công bằng, không hợp tình hợp lý.

Bởi lẽ, trước khi ký hợp đồng CNQSDĐ, bà Nguyên đã tìm hiểu rõ hoàn cảnh gia đình ông và cam kết sẽ tự giải quyết các thủ tục pháp lý.

Khi sự việc phát sinh mà không giải quyết được thì có một phần trách nhiệm thuộc về bà Nguyên.

“Thực tế, tôi chỉ mới nhận tiền mua nhà 1,2 tỷ đồng của bà Nguyên từ năm 2017 nhưng nay tòa án yêu cầu phải bồi thường tổng cộng hơn 3,4 tỷ đồng là hoàn toàn vô căn cứ”, ông Phin bức xúc.

Theo tìm hiểu thực tế giá bất động sản thời điểm này, giá trị của thửa đất tại địa chỉ số 2 đường An Dương Vương không có biến động đáng kể. Trong khi đó, ông Phin là đối tượng chính sách, thuộc diện đặc biệt khó khăn, không có thu nhập, việc chi trả số tiền trên là bất khả thi.

“Việc tòa án yêu cầu 2 mẹ con bà Thanh, cháu Hiếu phải cùng có trách nhiệm trả khoản tiền hơn 3,4 tỷ đồng cho bà Nguyên là không đúng. Vì về bản chất họ không có quyền và nghĩa vụ liên quan trên giấy CNQSDĐ thửa đất số 137, tờ bản đồ số 15 chỉ đứng tên một mình tôi”, ông Phin nói.

Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

Theo luật sư Nguyễn Minh Khánh thuộc Công ty Luật TNHH Khởi Minh, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, Bản án sơ thẩm số 23/2022/DSST ngày 20/09/2022 của TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên là không phù hợp với quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông Trương Văn Phin cùng bà Hoàng Thị Thanh và con trai Trương Đức Hiếu.

Tại HĐCN QSDĐ được Văn phòng Công chứng Đại An công chứng ngày 14/02/2017, giữa bên nhận chuyển nhượng là bà Lâm Uyên Nguyên với bên chuyển nhượng là hộ gia đình ông Phin gồm các thành viên được nêu tên trọng hợp đồng: Ông Trương Văn Phin, vợ là bà Hoàng Thị Thanh, con trai Trương Đức Hiếu, con gái Trương Thị Thương. Nội dung hợp đồng này nêu rõ, bà Thương con gái riêng của ông Phin và bà Phan Thị Trường là người mất năng lực hành vi dân sự, không yêu cầu bà Thương ký vào HĐCN.

Tuy nhiên, tại thời điểm công chứng HĐCN này không có bất cứ quyết định nào của tòa án tuyên bố bà Thương là người “mất năng lực hành vi dân sự” hoặc “hạn chế năng lực hành vi dân” sự theo quy định tại Điều 22, Điều 24 của Bộ luật Dân sự.

Luật sư Khánh cho rằng, chỉ riêng tình tiết này đã khiến cho HĐCN đã bị vô hiệu ngày từ lúc ký kết. Lỗi khiến cho hợp đồng vô hiệu là do công chứng viên thuộc Văn phòng Công chứng Đại An không kiểm tra, xác minh đầy đủ các thông tin liên quan đến tài sản, nhân thân… đã đề cập trong hợp đồng giao dịch được yêu cầu công chứng là vi phạm các quy định về công chứng được quy định tại Điều 40, Điều 41, Luật Công chứng.

Ông Phin và các thành viên trong hộ gia đình không hề cố ý, không có lỗi chủ ý khiến cho hợp đồng vô hiệu.

Cũng theo luật sư Khánh, HĐCN giữa hộ ông Trương Văn Phin và bà Lâm Uyên Nguyên bị vô hiệu là do một phần các bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng đều bị nhầm lẫn về chủ thể ký kết hợp đồng, chủ thể được công nhận QSDĐ .

Điều đó khiến cho hai bên không thể đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch chuyển nhượng QSDĐ, bởi theo quy định tại khoản 1, Điều 126, Bộ luật Dân sự “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn”.

Từ các căn cứ trên, hộ ông Phin không phải bồi thường thiệt hại cho bà Nguyên mà chỉ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận của bà Nguyên là 1,2 tỷ đồng đã nhận trước đó. Đồng thời, bà Nguyên có trách nhiệm phải hoàn trả lại tài sản là nhà đất và các giấy tờ có liên quan cho ông Phin - luật sư Khánh nhấn mạnh.

Ngày 4/10/2022, ông Phin đã có đơn kháng cáo một phần Bản án dân sự 23/2022/DSST với nguyện vọng tiếp tục thực hiện việc CNQSDĐ thửa đất số 137, tờ bản đồ số 15 cho bà Nguyên hoặc trả lại khoản tiền 1,2 tỷ đồng đã nhận của bà Nguyên kèm theo lãi suất do hai bên đã thỏa thuận từ ban đầu.

Bên cạnh đó, ông Phin cho biết đã tiến hành thủ tục pháp lý yêu cầu hủy quyền thừa kế của bà Trương Thị Thái do thiếu trách nhiệm với gia đình, có nhiều hành vi trái đạo đức gây hậu quả cho người thân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm