Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ai đang hút cát trên sông Hồng, đoạn giáp ranh Hà Nội, Vĩnh Phúc?

Nam Dũng

Thứ tư, 20/12/2023 - 09:13

(Thanh tra) - Mặc dù không có đơn vị nào được cấp phép khai thác dưới lòng sông, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều tàu hút cát hoạt động rầm rộ tại Hà Nội, đoạn giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc.

Với một dàn gồm 4 con tàu hút thì một ngày hàng chục nghìn khối cát sẽ được lấy lên từ sông Hồng để bán và có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: ND

Thời gian qua, người dân sinh sống tại xã Phú Châu, Ba Vì, Hà Nội, phản ánh về hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn xã diễn ra rầm rộ. Hoạt động khai thác này diễn ra công khai giữa ban ngày, nhưng lại không bị cơ quan chức năng xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Chủ tịch UBND xã Phú Châu khẳng định: Trên địa bàn xã Phú Châu không có mỏ cát nào được cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa ba xã gồm xã Phú Châu, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội và xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng khai thác cát trái phép thường xuyên “xâm phạm” địa bàn xã để khai thác.

Công trường khai thác cát rầm rộ dưới sông Hồng nhưng không rõ cơ quan chức năng nào kiểm tra. Ảnh: ND

Việc hút cát này diễn ra nhiều ngày trước sự bức xúc của người dân. Ảnh: ND

Cụ thể, theo ghi nhận nhiều ngày của phóng viên Báo Thanh tra, trên địa bàn xã Phú Châu thường xuyên xuất hiện nhiều tàu hút cát vô tư hoạt động khai thác, hút cát từ dưới lòng sông lên tàu chứa. Các tàu chứa được hút đầy cát sẽ di chuyển đi để tàu khác lại vào “ăn cát”.

Chỉ trong vòng nửa giờ, những chiếc vòi hút khổng lồ có thể “ăn cắp” đầy một con tàu chứa khoảng 300 khối cát. Với 4 tàu hút, mỗi tàu 4 máy hút, có dấu hiệu là tàu hoán cải. Chỉ cần dùng một phép tính đơn giản cũng có thể tính ra nguồn thu lợi bất chính của nhóm đối tượng “cát tặc” này trong một ngày có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tàu hút, tàu chở hàng thi nhau ra vào lấy hàng tạo nên khung cảnh nhộn nhịp cả một khúc sông Hồng.

Không có đơn vị nào được cấp phép khai thác, nhưng các con tàu vẫn vô tư hút cát. Ảnh: ND

Trao đổi với Phòng Tài nguyên và Môi  trường (TNMT) huyện Ba Vì, chúng tôi được biết: Tại khu vực này chỉ có duy nhất Dự án Đầu tư khai thác cát làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại bãi bồi sông Hồng, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì của Công ty Cổ phần Quảng Tây với công suất khai thác 125.000m3/năm, được cấp phép theo Giấy phép số 93 ngày 27/5/2015 của UBND TP Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy những tàu hút cát dưới lòng sông tại khu vực này là tàu hút trái phép.

Cứ hút đầy tàu chứa lại chở đi và cả ngày diễn ra như thế thì đã có hàng chục nghìn khối cát được "đánh cắp" khỏi lòng sông Hồng. Ảnh: ND

Không biết các con tàu hút cát kia thuộc đơn vị nào, nhưng hàng ngày vẫn tiến hành hút hàng nghìn khối cát từ dưới lòng sông Hồng lên bán thu lợi số tiền rất lớn mà không hề thấy bất cứ cơ quan chức năng nào xử lý.

Đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội sớm chỉ đạo giải quyết đối với việc khai thác cát có dấu hiệu trái phép tại đây để tránh việc thất thoát tài nguyên của Nhà nước.

Việc hút cát giữa sông Hồng còn gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Ảnh: ND

Trước đó, TP Hà Nội đã tổ chức đấu giá thành công mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì). Trải qua 21 vòng đấu giá, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh (xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) trúng đấu giá với mức trên 883,9 tỷ đồng.

Trước việc bất thường đấu giá khai thác 3 mỏ cát, ngày 11/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1087/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Để quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát: Liên Mạc, Châu Sơn và Tây Đằng - Minh Châu, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11/2023.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội đã có văn bản giao Sở TNMT chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát lại toàn bộ việc khảo sát trữ lượng, kết quả đấu giá 3 mỏ cát gồm: Châu Sơn, Tây Đằng và Liên Mạc.

Ngày 17/11/2023, Sở TNMT đã có văn bản báo cáo UBND thành phố. Qua rà soát báo cáo cho thấy, đây là nội dung lớn, quan trọng, có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên công tác kiểm tra cần có thời gian đánh giá cụ thể, toàn diện, từ khảo sát, đánh giá trữ lượng, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Vì thế, ngày 21/11/2023, UBND thành phố đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo thành phố giao Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát, đánh giá cụ thể báo cáo của Sở TNMT, bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của Thủ tướng.

Ngày 29/11/2023, Văn phòng UBND thành phố tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố yêu cầu Thanh tra thành phố và Sở TNMT khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện. Hiện nay, các đơn vị đang chủ động thực hiện để có báo cáo.

Theo thời hạn Thủ tướng giao, phải báo cáo trước ngày 20/11/2023. Tuy nhiên, do cần thời gian tổng hợp, xem xét cụ thể, chi tiết nên ngày 29/11/2023, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản báo cáo tình hình thực hiện và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép báo cáo trước ngày 15/12.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm