Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ai đã vi phạm luật pháp?

Thứ hai, 04/06/2012 - 11:50

(Thanh tra) - Sau khi việc thương thảo về giải quyết những thiệt hại phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng số VN03 không thành, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Cty TNHH G-H (địa chỉ tại số 20, ngách 84/16 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) đã có Đơn khởi kiện hành vi vi phạm hợp đồng đối với Văn phòng đại diện (VPĐD) Cty RMM Metallhaned GMBH tại Việt Nam (địa chỉ tại số 27A đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Dù nội dung Đơn khởi kiện đã nêu rõ những hành vi vi phạm pháp luật của VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH, nhưng đã hơn 3 tháng qua TAND quận 1 vẫn chưa có phản hồi bằng văn bản đối với vụ việc này.

Nửa chừng gãy gánh

Theo hồ sơ gửi các cơ quan chức năng, ngày 23/11/2010, Cty TNHH G-H ký hợp đồng nguyên tắc VN03 mua 500 tấn đồng tấm Cathod loại A theo tiêu chuẩn LME, với VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH tại Việt Nam. Thời gian thực hiện hợp đồng VN03 là từ tháng 02/2011 đến tháng 6/2011, theo hình thức hàng sẽ được lấy từng đợt theo đơn đặt hàng cụ thể.

Ngày 26/11/2010, hai bên ký kết Phụ lục hợp đồng số V1002632.00, với số lượng 50 tấn đồng tấm Cathod loại A, thời hạn giao hàng vào tháng 6/2011. Sau khi chốt giá lô hàng này vào cuối tháng 5/2011, bên mua (Cty TNHH G-H) đã chuyển 10% tiền đặt cọc là 52.299,50 USD cho VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH. Tiếp đó, ngày 22/6/2011, hai bên tiếp tục ký Phụ lục hợp đồng số V1002632.01, với số lượng 50 tấn đồng tấm Cathod loại A, thời hạn giao hàng là tháng 7/2011, thời gian chốt giá từ ngày 24/6/2011 đến 29/7/2011. Tuy nhiên, sau đó bên bán là VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH đã đồng ý gia hạn thời gian chốt giá đến 31/8/2011 và phát hành hóa đơn tạm tính để làm cơ sở cho bên mua chuyển 10% số tiền đặt cọc là 50.591,75 USD. Lô hàng này được hai bên chốt giá ngày 04/8/2011, với mức giá 9.602,50 USD/tấn, có tổng giá trị là 480.125 USD.

Trước đó, ngày 12/7/2011, ông Claus Roerner, đại diện của bên bán đã có thư điện tử yêu cầu bên mua chuyển đủ số tiền lô hàng lần 1, đồng thời bên bán sẽ giữ lại số tiền đặt cọc của lô hàng này cho đến khi bên mua thực hiện hết toàn bộ 500 tấn đồng theo hợp đồng nguyên tắc VN03. Sau đó, ngày 23/7/2011, bên mua đã đồng ý chuyển đủ 100% số tiền lô hàng đợt 1.

Ngày 11/8/2011, bên mua tiếp tục đề nghị được mua lô hàng thứ 2 gồm 50 tấn đồng tấm Cathod loại A, tiến hành đặt cọc và lấy hàng ngay. Nhưng điều bất thường đã xảy ra khi một người có tên là Hoàng Công Phước của bên bán đã trả lời không đồng ý với đề nghị của bên mua. Lý do là giá cả thị trường LME biến động dưới 10% so với giá bên mua đã chốt cho lô hàng thứ 2. Do đó, ông Hoàng Công Phước đề nghị bên mua chuyển ngay thêm 10% giá trị lô hàng lần 2 khi giá đồng trên thị trường kim loại London trước mức 8.750 USD/tấn thì mới giữ được giá. Nếu giá tại ngày hôm đó chạm mức 8.750 USD/tấn thì bên bán sẽ tự động bán lô hàng để cắt giảm rủi ro. Tôn trọng các điều khoản, bên mua đã đồng ý chuyển tiền khi giá xuống vùng phải cắt giảm rủi ro theo quy định của hợp đồng hai bên đã ký. Tuy nhiên, tại thời điểm nhận được thông báo của bên bán là cuối ngày (16h30) nên các ngân hàng tại Việt Nam đã ngừng giao dịch chuyển tiền. Bên mua cũng đã thông báo cho bên bán điều kiện bất khả kháng này và cũng khẳng định là trường hợp giá xuống vùng phải cắt giảm rủi ro theo quy định thì bên mua sẽ chuyển 10% vào tài khoản của bên bán, đồng thời tiến hành nhận hàng ngay, nhưng bên bán đã không chấp thuận với lý do đã gửi thư trao đổi từ 15h đến 16h30 ngày 11/8/2011 nên vẫn còn thời gian chuyển tiền. Bên bán vẫn tiến hành cắt giảm rủi ro trong trường hợp giá trên thị trường LME chạm mức 8.750 USD/tấn.

Ngay sáng hôm sau (12/8/2012), bên mua đã gửi thư điện tử cho bên bán đề nghị chuyển toàn bộ chứng từ qua ngân hàng để bên mua tiến hành chuyển tiền, nhưng bên bán trả lời “ráo hoảnh” là họ đã bán toàn bộ lô hàng đợt 2 vào ngày 11/8/2012 với giá 8.611,7 USD/tấn. Khi bên mua đối chiếu với giá trên sàn LME ngày 11/8/2011 thì giá loại mặt hàng này chưa bao giờ giảm xuống mức mà hợp đồng phải cắt giảm rủi ro như bên bán đã thông báo. Bất chấp phản đối của bên mua, ngày 19/8/2011, bên bán đã yêu cầu thanh lý hợp đồng với lý do bên mua không thực hiện đúng quy tắc về giao hàng và thanh toán, hơn thế nữa còn yêu cầu bên mua phải đền bù số tiền 122.537,6 USD; số tiền 52.299,5 USD mà bên mua đặt cọc là một phần tiền đền bù. Nhận thấy đây là cách hành xử phi lý nên bên mua đã không chấp thuận.

Vì lý do này nên hợp đồng hai bên bị ngắt đoạn từ tháng 8/2011. Tuy nhiên, để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp với đối tác nên bên mua đã chủ động làm việc trực tiếp với ông Claus Roerner, đại diện của bên bán, với mong muốn tiếp tục hợp đồng, hai bên cùng bỏ qua các thiệt hại phát sinh. Tuy nhiên, tại buổi làm việc gần đây nhất, ngày 24/11/2011, bên bán vẫn giữ nguyên quan điểm và đề nghị bên mua phải bồi thường.

Giao dịch vô hiệu

Theo nhìn nhận của nhiều luật sư, qua hồ sơ vụ việc cũng như căn cứ quy định của pháp luật thì giao dịch trên là vô hiệu. Lý do là VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH đã vi phạm nhiều điều khoản về hợp đồng kinh tế. Điều 18 Luật Thương mại quy định thì VPĐD công ty nước ngoài tại Việt Nam  không được thực hiện hoạt động sinh lời trực tiếp tại Việt Nam và không được giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết của thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp Trưởng VPĐD có giấy ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài. Còn khoản 2, Điều 20 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP cũng xác định rõ: Trong trường hợp thương nhân nước ngoài ủy quyền cho người đứng đầu VPĐD giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký kết.

Đối chiếu với nội dung và thể thức của hợp đồng nguyên tắc VN03, cùng 2 phụ lục hợp đồng cho thấy: VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH không xuất trình bất cứ giấy tờ ủy quyền nào của Công ty mẹ tại Đức. Hành vi này của VPĐD RMM là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, theo Giấy phép thành lập VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH thì ông Claus Roemer là Trưởng VPĐD tại Việt Nam. Thế nhưng, trong một số giao dịch liên quan đến việc bán tấn đồng tấm Cathod loại A thì người đại diện cho VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH lại là ông  Hoàng Công Phước. Điều này thể hiện rõ trong thông báo về việc bổ sung tiền đặt cọc ngày 11/8/2011, trong thư trả lời văn bản ngày 15/7/2011 của bên bán.

Nghiêm trọng hơn, tại thông báo về việc bổ sung tiền đặt cọc ngày 11/08/2011, bên bán đã yêu cầu bên mua chuyển 10% giá trị lô hàng vào tài khoản của bên bán bằng USD hoặc bằng VNĐ vào tài khoản tạm của Cty TNHH Kim loại màu Thiên Minh. Điều này trái với Khoản 4, Điều 17 Luật Thương mại 2005: Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của VPĐD. Việc bên bán yêu cầu bên mua chuyển tiền vào tài khoản đối tác của mình như vậy là vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.

Những điều bất thường của vụ việc này cho thấy, một số cá nhân của VPĐD Cty RMM Metallhaned GMBH đã cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam khi ký kết và thực hiện hợp đồng bán 500 tấn đồng tấm Cathod loại A. Để giải quyết vụ việc này, Cty TNHH G-H đã gửi Đơn khởi kiện đến TAND quận 1, TP. Hồ Chí Minh để mong được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Sau hơn 3 tháng chờ đợi, đến nay Đơn khởi kiện này vẫn chưa được thụ lý theo quy định.

Chiều 28/4/2012, khi phóng viên Báo Thanh tra đến liên hệ về sự việc này thì lãnh đạo TAND quận 1 hứa sẽ bố trí thời gian làm việc sau. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về sự việc này trên số báo tới.


Chu Đỗ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm