Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao giá xăng dầu giảm ầm ầm, cước vận tải vẫn “đứng” im?

Thứ năm, 06/11/2014 - 09:25

(Thanh tra) - Sau 8 lần giảm giá xăng dầu tính từ thời điểm đầu năm cho tới nay, giá cước các loại hình vận tải hầu như vẫn giữ nguyên, không có dấu hiệu nào cho thấy giá cước vận tải sẽ giảm. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến việc giá cước vận tải vẫn “đứng” im trong thời gian qua?

Giá xăng dầu giảm, nhưng giá cước vận tải chưa thể giảm ngay. Ảnh: Internet

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 20 lần được điều chỉnh tăng giảm, trong đó riêng mặt hàng xăng A92 đã tăng 5 lần, giảm 8 lần, với tổng mức tăng là 1.430 đồng và mức giảm là 3.300 đồng; dầu diesel giảm tới 14 lần với mức 3.060 đồng/lít, dầu hỏa giảm 11 lần, tổng giảm là 2.890 đồng/lít và dầu madut giảm 9 lần.

Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, chi phí xăng dầu chiếm 40% - 50% tổng chi phí vận tải. Vì thế, khi có biến động về giá nhiên liệu sẽ có những điều chỉnh về giá cước vận tải. Thời gian trước, mỗi khi giá nhiên liệu xăng dầu tăng, đã kéo theo giá của hàng loạt các mặt hàng dịch vụ trong đó có cước vận tải ầm ầm tăng theo. Nhưng giờ đây khi giá nhiên liệu đầu vào giảm sâu, thì giá các loại hàng hóa, dịch vụ vận tải lại không hề giảm! Giá cước vận tải không giảm, giá nhiều loại hàng hóa cũng không chịu giảm, và phần thiệt thòi dường như dồn hết lên vai người tiêu dùng?

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Thương mại dịch vụ Đất Cảng, hiện công ty đang có 65 đầu xe khách chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại, giá vé xe khách của công ty từ nhiều năm nay vẫn đứng nguyên ở mức 80.000 đồng/vé/1 lượt khách cho dù xăng dầu có giảm hay tăng. “Việc giá xăng dầu giảm thời gian qua cũng chỉ giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn mà thôi, chứ không phải là yếu tố quyết định buộc phải giảm giá vé”, ông Hải nói.

Bởi lẽ, theo ông Hải thì dù giá xăng dầu có giảm, nhưng các chi phí khác như bảo dưỡng xe, lương cho cán bộ nhân viên, thuế, phí bảo trì đường bộ, phí cầu phà... vẫn không hề giảm. Do vậy giá cước loại hình vận tải hành khách không thể giảm ngay sau mỗi lần xăng dầu giảm giá. Điều chỉnh giá cước vận tải bao giờ cũng có độ trễ nhất định. Đó là chưa kể hàng loạt các thủ tục hành chính đi kèm mỗi khi nhà xe muốn tăng hay giảm giá.

Theo Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, mỗi khi tăng hay giảm giá vé, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các thủ tục hành chính như làm công văn gửi tới Cục thuế nơi đơn vị đăng ký kinh doanh, Sở GTVT và Sở Tài chính. Sau 3 ngày, các cơ quan chức năng không có ý kiến thì mới được phép điều chỉnh giá cước. 

“Mỗi lần như vậy là phải in lại hết phôi vé, doanh nghiệp phải chịu thêm những chi phí phát sinh vô hình. Mà giá xăng dầu lại phụ thuộc vào thị trường thế giới, nó luôn là một ẩn số đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Chính vì vậy, hiện các doanh nghiệp vận tải mới chỉ đang nghe ngóng chứ chưa có động thái giảm giá cước”, ông Hải cho biết thêm.

Còn với loại hình vận tải hàng hóa container, theo ông Đào Minh Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dương Việt Nhật (VIJASUN), giá cước thường ổn định theo hợp đồng được ký kết giữa chủ hàng và đơn vị vận tải theo từng mốc thời gian, do vậy ít có sự biến động về giá với cước loại hình vận tải này. 

Với loại hình kinh doanh vận tải taxi, theo các nhà quản lý chuyên môn thì đây là loại hình có thể dễ giảm giá nhất khi giá nhiên liệu đầu vào chính như xăng dầu giảm. 

Theo tính toán, giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít tương ứng với 12,7% thì giá cước taxi có thể giảm tương ứng được 5 - 6%, bằng khoảng 600 đồng đến 1.000 đồng/km tùy từng hãng xe taxi. Tuy nhiên, trên thực tế hiện này cũng chưa có doanh nghiệp hoạt động taxi nào chịu hạ giá!?

Mỗi lần điều chỉnh giá cước taxi, mỗi xe phải chịu phí kiểm định đồng hồ với mức lên tới hàng trăm nghìn đồng cho đơn vị kiểm định. Một hãng xe taxi lên từ vài trăm xe đến hàng nghìn xe thì đây cũng là chi phí tương đối lớn. Hơn nữa, việc kiểm định, dán tem, kẹp chì cho các xe sau khi tăng hay giảm giá không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Đây cũng là lý do lý giải vì sao chưa có hãng taxi nào trong thời điểm này mặn mà với câu chuyện giảm giá. 

Với góc nhìn tổng quát, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, với loại hình vận tải chạy tuyến cố định từ tỉnh này sang tỉnh kia thì từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vận tải của Hà Nội đều không tăng giá cho dù xăng dầu liên tục có những đợt tăng giá. Nói cách khác là đơn vị vận tải còng lưng chịu tăng giá nhiên liệu suốt thời gian qua. Việc giá xăng dầu hạ cũng chỉ giúp doanh nghiệp nhẹ gánh bớt thêm tiền nhiên liệu, còn các chi phí khác lại không giảm. Còn với loại hình vận tải hàng hóa container, thì giá cước thời gian qua cũng chỉ là phần lãi ảo đơn vị vận tải được hưởng thường chở quá tải, nay thắt chặt tải trọng thì giá cước trở về với đúng thực tế.  

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: Mặc dù giá xăng đã giảm liên tục, nhưng xăng cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu, chiếm 0,17% trong cách tính chỉ số CPI. Vì vậy, nhiều hàng hoá trên thị trường vẫn chưa thể giảm sâu, dù nhìn vào thực tế, xăng dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Ngoài đầu vào là xăng, điện, Nhà nước vẫn đang giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của liên bộ, thì hiện hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Các vấn đề khác cũng tác động đến thị trường không nhỏ là vấn đề hàng tồn kho, các nguyên, nhiên vật liệu khác ngoài xăng, rồi lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi... tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng, nhưng xu hướng chung là tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm.


Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm