Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng thuế môi trường xăng dầu: Đi kèm nỗi lo lạm phát?

Thứ ba, 10/07/2018 - 12:44

(Thanh tra)- Mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng đang được Bộ Tài chính đề nghị mức tăng kịch trần là 4.000 đồng/lít, còn dầu là 2.000 đồng/lít. Nếu giá xăng dầu tăng, sẽ ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, tiêu dùng và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 sẽ khó giữ?

Giá xăng dầu tăng tác động lớn đến đời sống sản xuất tiêu dùng và mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Ảnh: QĐ

Tăng thuế để bù nguồn thu

Bộ Tài chính đang chuẩn bị tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết biểu thuế BVMT cho phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 11 - 13/7.

Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT đối mặt hàng xăng dầu. Cụ thể: Mức thuế BVMT đối với mặt hàng xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Dự kiến, số tiền thu được từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại. Như đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.

Mặt hàng dung dịch HCFC, Bộ Tài chính đề xuất tăng 1.000 đồng/kg (từ mức 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg). Tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu các phương án trên được thông qua, tổng số thuế BVMT thu được từ các mặt hàng này (xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC, túi nilon…) dự kiến vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.

Lý giải cho việc đề xuất tăng kịch trần phí BVMT đánh vào mặt hàng xăng dầu lần này, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Việc tăng thuế BVMT sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường. Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Nỗi lo lạm phát thường trực?

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, tác động của việc tăng thuế BVMT với xăng dầu được các chuyên gia kinh tế nhận định sẽ khiến chi phí sản xuất, vận tải, cũng như giá cả các mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng. Các nhà sản xuất và người dân sẽ là đối tượng phải gánh chịu đầu tiên. Cho nên, việc tăng giá thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu cần phải xem xét thận trọng đến hệ lụy của nó khi mà Quốc hội và Chính phủ đề ra mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4% trong năm 2018.

Theo số liệu được bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, công bố với báo chí, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng kịch trần thuế môi trường xăng dầu như đề xuất của Chính phủ sẽ khiến CPI bị tác động tăng thêm 0,27 - 0,29%. Từ việc tăng thuế kéo theo tăng giá bán lẻ xăng dầu sẽ dẫn tới tăng giá vận tải, giá nhiều hàng hóa khác. Khi đó, dư địa để kiểm soát CPI 4% còn rất nhỏ.

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho thấy, CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng nhóm giao thông tăng 5,68% do mặt bằng giá xăng dầu tăng cao. So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5 - 17,9%.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng luôn có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, nhóm hàng nhiên liệu năng lượng dù được bảo đảm nguồn cung nhưng do chiều hướng biến động nên giá bán lẻ đã tăng khá mạnh như xăng E5 tăng 1.368 đồng/lít, dầu diesel tăng 2.291 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2.437đồng/lít và dầu mazut tăng 2.055 đồng/kg. Giá dầu thế giới có xu hướng tăng cao vượt dự kiến, do đó tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ cao hơn so với năm 2017. Điều này tác động rất lớn tới mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Vài năm trở lại đây, việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam tốt một phần là nhờ giá xăng dầu giảm. Trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của người dân còn thấp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế. Thuế BVMT xăng dầu tăng kịch trần khiến giá cả tăng, gây hệ lụy đáng ngại, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, nhiều bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra biểu thuế phù hợp để tránh tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước.

Quang Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm