Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau 5 năm triển khai, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Một xu hướng đáng mừng hiện nay là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Trong báo cáo tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tổ chức vào ngày 14/12/2012, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% (hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị của Saigon Coop có tới gần 95% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị Vinatex mart 100% là hàng sản xuất trong nước). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước. Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Kết quả từ Cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp xa so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, CPI năm 2013 chỉ tăng 6,04% so với tháng 12/2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Đồng thời, Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu: Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD).Người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng tăng. Ảnh: TQ Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường. Quá trình truyền thông cho Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin chưa có sự đồng nhịp để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả vì vậy chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu. Tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các Sở Công thương đã chủ động xây dựng chương trình hành động riêng cho địa phương mình, nhưng vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận... Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động…Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Ảnh: TQThứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Chỉ thị số 24/CT-TTg và Quyết định số 634/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ và Chương trình Hành động của Bộ: Chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động triển khai các hoạt động được phân công theo kế hoạch triển khai Cuộc vận động hàng năm; Phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các hiệp hội chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại; Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…Trần Quý