Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Parkson đóng cửa gần hết, Lotte lỗ 800 tỷ vẫn nuôi mộng 'chiếm đất'

Thứ bảy, 19/05/2018 - 20:51

Với ngành bán lẻ được ví như “đốt tiền”, đại gia nào đủ sức và lực mới có thể tồn tại, nếu không sẽ tự ra đi một cách thầm lặng trong cuộc chơi nghìn tỷ đầy khắc nghiệt.

Mỗi năm đốt nghìn tỷ

Liên tục báo lỗ là điệp khúc mà nhiều đại gia bán lẻ công bố. Theo báo cáo của CTCP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, được thực hiện bởi công ty kiểm toán độc lập PwC Việt Nam, tính đến cuối năm 2017 Lotte Mart lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty hiện là 1.600 tỷ đồng (theo chuẩn mực Kế toán Việt Nam).

Lotte Mart cho biết thêm từ năm 2008 cho đến nay đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, vị trí mặt bằng chiến lược, trang thiết bị hiện đại cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị cùng hàng loạt các chi phí kinh doanh, quản lý doanh nghiệp,...

Lotte Mart Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, đầu tư vào Việt Nam từ cuối năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ. Hiện, Lotte Mart sở hữu 13 trung tâm thương mại đang hoạt động tại các tỉnh, thành trên cả nước.

Một đại gia bán lẻ khác không mấy sáng sủa hơn là Parkson. Với việc lỗ trước thuế 24 tỷ đồng trong quý I, Parkson chính thức đánh dấu quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu được Parkson Retail Asia công bố, tổng doanh thu năm 2017 của nhà bán lẻ Malaysia ở Việt Nam đạt gần 500 tỷ đồng, tuy nhiên tổng số lỗ lũy kế đã lên đến hơn 60 tỷ đồng.

11/12 năm hoạt động ở Việt Nam, Metro Cash & Carry cũng liên tục báo lỗ với lũy kế âm tới gần 600 tỷ đồng. Đại gia phân phối của Đức này lập kỷ lục là một trong số những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thua lỗ lớn và dài nhất tại Việt Nam.

Sau khi chuyển nhượng toàn bộ hệ thống kinh doanh cho tập đoàn TCC, đầu năm 2016, chuỗi bán sỉ này đã thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên thành MM Mega Market.

Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.

Kẻ mở rộng, người đóng cửa

Lý giải rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, đại diện Lotte Mart Việt Nam cho rằng, mỗi trung tâm mới khi đi vào hoạt động cần trung bình từ 5-8 năm kể từ ngày khai trương để đạt được điểm hòa vốn. Với tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, doanh nghiệp phải chi nhiều cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, ưu đãi, dịch vụ,... nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Do đó, một số dự án chưa có lợi nhuận theo kế hoạch. Ngoài ra, xét về tổng thể thì số trung tâm hoạt động hiệu quả vẫn chưa thể bù đắp được các trung tâm còn lại và chi phí đã đầu tư.

Mặc dù vậy, Lotte Mart vẫn đầy tham vọng. Dự kiến đến năm 2020, thương hiệu này sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Kế hoạch của Lotte là khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại đến năm 2020, nếu tính chi phí đầu tư mỗi trung tâm thương mại từ 30-40 triệu USD thì số vốn mà Lotte đổ vào thị trường bán lẻ có thể lên tới hàng tỷ USD và chiếm vị trí hàng đầu tại Việt Nam. Đây à tham vọng lớn của đại gia Hàn Quốc trong việc chiếm phần 'mảnh đất' bản lẻ màu mỡ ở Việt Nam

Lotte đã và đang dồn lực đầu tư vào Việt Nam với việc tiến hành nhiều thương vụ mua lại cổ phần các doanh nghiệp hoặc mua lại các dự án, đồng thời cũng trực tiếp đầu tư một số dự án, tiêu biểu là tổ hợp Lotte Center Hanoi với số vốn đầu tư lên tới 500 triệu USD.

Trái ngược lại, Parkson thì ngày càng teo tóp. Tính đến nay, Parkson đã đóng cửa 4 trung tâm thương mại ở Việt Nam gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon tháng 5/2016, Parkson Viet Tower tháng 12/2016 và Parkson Lê Đại Hành. Parkson chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005 và từng phát triển lên tới 10 trung tâm thương mại.

Năm 2015, chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry (Đức) gây bất ngờ khi quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan. Tập đoàn TCC của Thái Lan đã quyết định chi ra 655 triệu euro để mua lại 19 trung tâm Metro Việt Nam.

MM Mega Market vẫn giữ nguyên 19 trung tâm mà Metro sang nhượng lại, chưa có động thái mở rộng thêm.

Trong bối cảnh hiện nay, ngành bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại điện tử là mối đe doạ lớn. Một kết quả nghiên cứu của CBRE Việt Nam ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP.HCM và Hà Nội mới đây cho thấy, 25% số người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế, trong khi 45-50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thường xuyên hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, các mô hình bán lẻ cũ nếu không được nâng cấp sẽ mất dần khách hàng. Theo CBRE, môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược. Các nhà bán lẻ cũng nên tập trung rà soát danh mục đầu tư và hợp nhất, mặc dù họ đang chú ý đến bất động sản hoàn thiện và các địa điểm thu hút đầu tư trên thị trường.

 

(Theo Nam Hải/VNN)


Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm