Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người tiêu dùng bị móc túi 4.000 tỷ đồng/năm từ tiêu thụ đường

Thứ sáu, 07/11/2014 - 08:24

(Thanh tra)- Đây là một dẫn chứng về nghịch lý trong hệ thống phân phối hàng hóa của Việt Nam và là một trong rất nhiều nghịch lý đang tồn tại bên cạnh mặt tích cực của nền kinh tế. Bàn về câu chuyện nghịch lý, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Vũ Vinh Phú đã có những chia sẻ với Báo Thanh tra.

Giá tiêu dùng theo quy luật cần phải giảm theo giá xăng đã giảm tới lần thứ 8. Ảnh: H.O

+ Là một chuyên gia về thương mại, ông đánh giá như thế nào về việc giá hàng hóa, dịch vụ không có tín hiệu giảm khi giá xăng đã giảm tới lần thứ 8 trong 3 tháng qua?

- Đúng vậy, đây là một nghịch lý. Trong khi giá xăng liên tục giảm thì giá dịch vụ vận tải và các loại giá dịch vụ khác không giảm. Giá hàng hóa vẫn đứng ở mức cao, thậm chí còn tăng giá dịch vụ. Tôi cho rằng, hiện nay có chuyện bảo thủ về giá, nhất là trong hệ thống phân phối.

Đơn cử như đường ăn (đường trắng), trung bình giá ở nhà máy khoảng 12.000 đồng/kg, nhưng siêu thị vẫn bán từ 22.000 đồng/kg mà đúng ra chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, các khâu. Trung bình nước ta tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn đường/năm, với 4.000 đồng/kg chênh lệch (khâu trung gian) thì người tiêu dùng đang bị móc túi tới 4.000 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, đường của doanh nghiệp (DN) Hoàng Anh Gia Lai sản xuất từ Lào với công nghệ của Israel giá thành chỉ 5.000 đồng/kg, thì Hiệp hội Mía đường Việt Nam từ chối việc cho nhập vì "lo" rối loạn thị trường trong nước và "ảnh hưởng đến sản xuất mía đường".

Thêm vào đó, các siêu thị vào nhà máy mua thì không bán và buộc phải mua đường tại đại lý từ cấp 1 đến cấp 3. Do vậy, có việc làm giá, không loại trừ có yếu tố đầu cơ, độc quyền.

Từ phân tích trên cho thấy, nghịch lý về giá xăng giảm nhưng giá cước vận tải không giảm, gián tiếp tác động để giá hàng hóa không giảm. Cái này phải giải quyết cả vĩ mô lẫn vi mô. Về vĩ mô cần giải quyết bài toán từ hệ thống phân phối, giải phóng độc quyền, giải quyết bảo thủ giá.

+ Còn những nghịch lý nào nổi cộm trong nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Phải kể đến vấn đề lãi suất ngân hàng. Trong đó, nghịch lý là lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện đang ở mức thấp từ 6%, hiện nguy cơ còn bị "ép" xuống mức 4,8%, trong khi lãi vay ngân hàng không khống chế đầu ra, thậm chí tới 12 - 13%. Do vậy, phải áp dụng giải pháp, một là thả nổi việc lãi suất tiền gửi, hai là đã chặn đầu vào thì phải chặn đầu ra. Việc này nằm trong vai trò của Ngân hàng Nhà nước.

Một nghịch lý nữa là trong khi tốc độ tăng tiền gửi vẫn cao thì tỷ lệ tăng tín dụng vẫn thấp. Trong đó, đối tượng DN nhỏ và vừa không vay nổi ngân hàng vì vướng các thủ tục về thế chấp, vướng tài sản đảm bảo tiền vay hay phương án kinh doanh... Hầu hết DN rất khó khăn, trong khi các "đại gia" DN lớn vay hàng trăm, hàng nghìn tỷ rất nhanh chóng. Do vậy, cần có sự thống kê, đánh giá nghiêm túc, từ đó thẩm định các phương án để cho đối tượng DN nhỏ và vừa vay vốn để phát triển sản xuất. Đây cũng là đối tượng đóng góp tới 60% công ăn việc làm cho xã hội.

Ông Vũ Vinh Phú (ảnh do ông Phú cung cấp).

+ Liên quan tới lĩnh vực phân phối, bán lẻ, theo ông có đang tồn tại nghịch lý nào?

- Việc phát triển quá nhiều chợ xây dựng mới, chợ cải tạo thành trung tâm thương mại nhiều tầng nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm, tiểu thương không vào vì phí quá đắt, trong khi hàng trăm chợ tạm, chợ cóc của các thành phố, trong đó có Hà Nội vẫn hoạt động nhộn nhịp cũng là một nghịch lý.

Theo tôi, các nhà đầu tư đang đầu tư không đúng địa chỉ. Chợ dân sinh thì chỉ xây dựng 2 tầng, tầng 1 bán đồ ướt, tầng 2 bán đồ khô là hợp lý chứ đừng chiều theo các chủ đầu tư thấy miếng đất "béo bở" cho xây dựng cao tầng sẽ không loại trừ có nhóm lợi ích "chui" vào đây. Còn nếu xây dựng chợ quy mô hợp lý sẽ thu hút đông đảo tiểu thương vào buôn bán, thậm chí thu hút thêm bà con tự chợ tạm chợ cóc vào với mức phí hợp lý.

Hay như một nghịch lý đang tồn tại trong hệ thống phân phối hàng hóa đó là việc vẫn còn thực phẩm, nông sản nhiều nơi như cà chua ở Lâm Đồng, Đà Lạt bị ép giá 1000 - 2.000 đồng/kg, trong khi ở Hà Nội giá vẫn từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; thanh long ở Bình Thuận rẻ đến mức không ai mua, phải cho bò ăn, thì ở Hà Nội vẫn 30.000 đồng/kg.

Nghịch lý về hệ thống phân phối này cần những sự nhạy bén của những "cần ăng ten" về thương mại, trong đó có vai trò “nhạc trưởng” của các DN Nhà nước. Tại sao không DN nào xông pha vào các điểm nói trên để thu mua hàng hóa, giúp bình ổn giá thị trường, cứu người nông dân vùng trồng.

+ Trong câu chuyện "ông lớn" của hệ thống phân phối Metro nhượng lại cho một DN của Thái Lan có bất ổn gì không, thưa ông?

- Tôi cũng gọi đây là một nghịch lý. Nghịch lý từ sự ưu ái quá mức với DN về phân phối bán lẻ nước ngoài trong khi được tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, miễn 50% thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu... nhưng kinh doanh tại Việt Nam 12 năm thì tới 11 năm báo lỗ, không ai kiểm tra kiểm soát. Đến khi Metro được bán cho DN Thái Lan, Tổng cục Thuế mới cho kiểm toán thuế. Trong khi từng làm một DN bán lẻ của Nhà nước tôi biết, một đồng tiền thuế cũng bị cán bộ thuế "tróc lưng". Do đó, trong việc này không loại trừ tiêu cực trong lĩnh vực thuế và có lợi ích nhóm trong đó. Ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Nghịch lý này tạo nên một sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN bán lẻ. Cũng là DN nước ngoài nhưng Big C nộp thuế tới cả trăm tỷ đồng/năm, rồi các DN bán lẻ Việt Nam "đỏ mắt" đi tìm mặt bằng.

Ngoài ra, cần nhắc đến những nghịch lý khác như: Việc hàng trăm bản làng vùng khó khăn chưa có cầu treo dân sinh và người dân phải hàng ngày qua sông bằng "các sợi dây tử thần" thì không ít trụ sở, cơ quan Nhà nước vẫn được cấp kinh phí từ ngân sách với nhiều tỷ đồng. Do vậy, cần ưu tiên tập trung giải quyết xây dựng các công trình thiết yếu cho vùng khó khăn.

Cùng với đó, tăng cường nguồn lực đầu tư giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu so sánh thì nguồn lực đầu tư cho an toàn thực phẩm của Việt Nam chỉ bằng 1/36 so với Thái Lan và bằng 1/136 so với Mỹ. Đây là giải pháp cần đầu tư để gián tiếp giảm số người chết vì căn bệnh ung thư khoảng 75.000 người/năm (gấp khoảng 5 lần người chết do tai nạn giao thông/năm).

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hữu Oanh (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm