Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đến hồ Tây xem chợ Tây

Thứ tư, 25/12/2013 - 17:59

(Thanh tra) - Gọi là chợ Tây bởi chợ được tổ chức ở Tây Hồ, Hà Nội, do người "Tây" - anh Patrice Gautier (Pháp) cùng vợ - sáng lập từ năm 2010. Mô hình phiên chợ được phỏng theo mô hình chợ nông sản cuối tuần của vùng Britany - quê hương anh. Chợ không những là một điểm hẹn văn hóa - ẩm thực độc đáo của người nước ngoài mà còn thu hút đông đảo người Việt tới mua hàng, giao lưu, trò chuyện.

Bánh mỳ Pháp và các món ăn ưa thích do người nước ngoài tự tay làm. Ảnh: T.An

Dù có tới 3 cửa hàng và nhà hàng lớn trên phố, nhưng cứ mỗi thứ Bẩy hàng tuần, ông Gerard Gastel lại dọn dẹp đồ đạc tới đình làng Quảng Bá nằm sâu trong con phố Tô Ngọc Vân, để bán bánh mỳ Pháp cho khách hàng tại phiên chợ Tây cuối tuần.

Ông Gerard Gastel tâm sự, mục đích đem bánh mỳ Pháp tới chợ phiên là để giới thiệu sản phẩm có chất lượng tới người Việt, và mang hơi thở Pháp tới những người bạn nước ngoài hiện sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng coi chợ phiên như điểm hẹn hàng tuần để gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện và kết bạn với mọi người.

Trong khi đó, anh chàng người Pháp gốc Ý - Alain Fiorucci, lại đem sản phẩm mật ong rừng nguyên chất của một cơ sở chế biến ở Mèo Vạc, Hà Giang về chợ phiên hàng tuần để phục vụ bạn bè, khách hàng. Ngoài các sản phẩm đến từ chủ quầy là người nước ngoài, thì chợ phiên còn là nơi cung cấp các sản phẩm rau sạch, không chất hóa học đến từ Organic Thanh Xuân. Đặc biệt, phiên chợ còn dành 1 quầy hàng miễn phí tiền thuê cho nhóm từ thiện do một số phụ nữ nước ngoài tại Hà Nội lập ra, bán các mặt hàng: quần áo, sách truyện cũ, một số đồ dùng làm bằng tay, một số đồ do khách hàng quyên góp nhằm ủng hộ cho các trẻ em khuyết tật và mồ côi.

Nông sản sạch được bày bán tại chợ. Ảnh: T.An


Có mặt tại phiên chợ quý gần đây (mỗi phiên chợ tuần tổ chức vào thứ 7 và 3 tháng lại tổ chức phiên chợ quý với quy mô lớn hơn - PV), chúng tôi ấn tượng bởi trong không gian của đình làng văn hóa Quảng Bá, nơi tạo ra một "sân chơi" mới dành cho người nước ngoài giao lưu với người Việt Nam qua hoạt động mua sắm, ẩm thực, nghe nhạc, kết bạn và tìm hiểu văn hóa sống của nhau.

"Tạo không gian để mọi người, đặc biệt là những người nước ngoài, đến giao lưu các buổi sáng thứ Bảy hàng tuần, vì hầu hết những người nước ngoài khi nói đến chợ Nông sản hoặc Farmer Market thì họ đều biết, do hình thức hoạt đông này đã rất phổ biến tại các nước phát triển. Đồng thời, phiên chợ muốn giới thiệu, xúc tiến thương mại cho các các sản phẩm có chất lượng cao, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng đến tay người tiêu dùng", anh Patrice Gautierchia chia sẻ về mục đích của phiên chợ.

Chị Nguyễn Minh Hà, một người bán hàng hand made (đồ làm thủ công) chăn, ga, gối ghép chia sẻ, nhiều người nước ngoài đến ghé thăm những sản phẩm của chúng tôi làm và họ thích những sản phẩm làm bằng tay của người Việt với sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng chi tiết. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cũng mong muốn chất liệu làm nên các loại đồ hand made này được làm bằng chất liệu bền hơn. Đây là điều chúng tôi nhận biết được nhu cầu của khách hàng nước ngoài để hoàn thiện sản phẩm của mình sắp tới. Dù chỉ là quầy hàng nhỏ, làm theo kiểu thủ công đúng nghĩa, nhưng qua sự cọ sát, mua bán, chúng tôi hiểu thêm được văn hóa tiêu dùng người nước ngoài.

Theo bà Phạm Thị Thu Huyền (đại diện Ban Tổ chức Phiên chợ), trải qua hơn 3 năm đi vào hoạt động, chợ phiên cuối tuần đã trở thành một địa điểm quen thuộc cho những người dân sống ở khu vực Hà Nội, đặc biệt là những người nước ngoài. Nhiều sản phẩm chất lượng cao đã tiếp cận được khách hàng thông qua những buổi giới thiệu trong chợ phiên. Điểm thành công quan trọng nhất là đã đem đếm cho người dân Hà Nội một hình thức sinh hoạt gia đình mới mang tính chất cộng đồng cao, tạo được thói quen mới cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng Việt Nam tìm hiểu sâu về nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, hạn sử dụng.

Những chiếc đồng hồ cũ cũng được khách hàng nước ngoài thích thú. Ảnh: T.An

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc tìm kiếm các nhà bán lẻ thực phẩm có các sản phẩm chất lượng cao và có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Do vậy, phiên chợ đang mong muốn các cầp chính quyền quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện để hoạt động được nhân rộng.

"Dự định trong thời gian tới, Ban Tổ chức Phiên chợ sẽ tiếp tục phát triển mô hình chợ phiên cuối tuần, để có ngày càng nhiều người hơn đến giao lưu văn hóa và giới thiệu được nhiều sản phẩm có chất lượng tốt đến với người tiêu dùng", bà Huyền khẳng định.

Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm