Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 02/01/2021 - 13:35
(Thanh tra)- Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với PV Báo Thanh tra về công tác đấu thầu qua mạng trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Ông Trương cho biết, đấu thầu qua mạng đã trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các hành vi tiêu cực trước đây như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm... mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng.
+ Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về triển khai đấu thầu qua mạng, xin ông cho biết, đến nay, kết quả đạt được như thế nào?
- Ông Nguyễn Đăng Trương: Từ đầu năm 2020, tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ, chỉ tiêu thực hiện đấu thầu qua mạng được đưa ra là: tỷ lệ về số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 60%; tỷ lệ về giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 25%. Trong thực tế, tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng tính đến 21/12/2020 đạt 86,6% về số lượng gói thầu (95.797 gói thầu) và 54,7% về tổng giá trị gói thầu (541.297,3 tỷ đồng).
Như vậy con số đạt được từ đầu năm đến nay đã vượt xa chỉ tiêu, cụ thể vượt 26,6% về số lượng gói thầu; vượt 29,7% về giá trị gói thầu theo quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP nêu trên. Việc thực hiện của các đơn vị cũng vượt chỉ tiêu lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhìn lại quãng thời gian xa hơn, có thể thấy đấu thầu qua mạng có những bước tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, năm 2016, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận hơn 3,3 nghìn gói thầu đấu thầu qua mạng, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 - thời điểm kết thúc giai đoạn thí điểm. Tới giai đoạn 2016 - 2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng tăng đáng kể, đạt 30,5 nghìn gói thầu, với tổng giá gói thầu là 61,8 nghìn tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57,2 nghìn tỷ đồng.
Đến năm 2019, số lượng gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng có bước tiến vượt bậc lên 39 nghìn gói thầu, gấp đôi năm 2018 và vượt qua kết quả của cả giai đoạn 2016-2018. Tổng giá gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng trong năm 2019 là 120,3 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại Hội nghị về đấu thầu qua mạng được Cục Quản lý đấu thầu tổ chức vào tháng 10/2020, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế gới (WB) đều đánh giá rất cao Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cho biết, đã thực hiện thí điểm áp dụng đấu thầu qua mạng cho các gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB). Với việc thử nghiệm thành công và đấu thầu qua mạng giúp tăng cường tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh, hiệu quả trong công tác đấu thầu, ADB đã quyết định yêu cầu các dự án do ADB tài trợ thực hiện đấu thầu qua mạng cho toàn bộ (100%) các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp thực hiện đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước (NCB) kể từ ngày 1/1/2021. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng một cách mạnh mẽ kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa mức độ cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu trong các dự án do ADB tài trợ.
Kết quả đấu thầu qua mạng trong năm 2020 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc chính thức vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới được đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
+ Với những kết quả mà ông chia sẻ thì việc triển khai đấu thầu qua mạng đã đem lại những lợi ích gì?
- Ông Nguyễn Đăng Trương: Việc triển khai đấu thầu qua mạng đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực:
Một là giúp tạo môi trường đấu thầu thực sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Với thông tin được công khai đầy đủ, đấu thầu qua mạng tạo cơ hội bình đẳng cho các bên liên quan tiếp cận thông tin để tham gia đấu thầu. Đến cuối tháng 12/2020, cả nước có khoảng 38.000 bên mời thầu và 115.000 nhà thầu đăng ký tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 490.000 Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 95.000 Thông báo mời thầu đấu thầu qua mạng được đăng tải lên Hệ thống.
Hai là giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, thời gian cho tất cả các bên tham gia. Toàn bộ quy trình đấu thầu qua mạng đều tối ưu và đơn giản hóa. Thông tin về đấu thầu được quản lý đầy đủ, thống nhất trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và được công nhận giá trị pháp lý. Theo thống kê, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng (từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) so với đấu thầu truyền thống tiết kiệm trung bình 6 ngày/gói thầu. Quy đổi giá trị tiết kiệm được về thời gian theo chi phí tiền lương/ngày công ước tính chi phí tiết kiệm khi áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2020 khoảng trên 500 tỷ đồng. Theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm chi phí hành chính so với đấu thầu truyền thống là 5 triệu đồng/1 gói thầu (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công). Số lượng nhà thầu trung bình tham dự một cuộc đấu thầu qua mạng là 2,5 nhà thầu/gói thầu. Như vậy đối với 95.000 gói thầu đấu thầu qua mạng trong năm 2020, ước lượng tỷ lệ tiết kiệm chi phí hành chính cho doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng là khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, đấu thầu qua mạng còn giúp giảm kiến nghị, kiện cáo đồng thời giảm thời gian xử lý kiến nghị, kiện cáo.
Ba là công khai đầy đủ các thông tin, giúp tăng cường công tác giám sát, đặc biệt là giám sát giữa các nhà thầu và giám sát cộng đồng. Thông qua Hệ thống, thông tin về đấu thầu được công khai tập trung, đầy đủ và chính xác giúp các cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng thống kê số liệu chính xác về công tác đấu thầu chung của cả nước và theo từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, các chủ thể liên quan dễ dàng kiểm soát thông tin và giám sát việc công khai thông tin đến từng dự án/cuộc thầu. Ngoài ra, toàn bộ các thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu qua mạng cũng được lưu trữ đầy đủ, dài hạn trên Hệ thống.
Bốn là thông qua môi trường mạng giúp xử lý được nguồn gốc các tiêu cực trong đấu thầu, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Đấu thầu qua mạng đã trở thành công cụ hữu hiệu để loại bỏ các hành vi tiêu cực trước đây như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, lợi ích nhóm..., mang lại lợi ích thiết thực đối với doanh nghiệp và cộng đồng.
Năm là hồ sơ mời thầu được công khai trên Hệ thống đã đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu, nhà thầu không phải đi lại mua trực tiếp, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu, khắc phục triệt để tình trạng bên mời thầu cố tình không phát hành hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, đồng thời nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều phương diện của toàn xã hội thì với việc các quy trình thủ tục trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đáp ứng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đã giúp cho các bên mời thầu, nhà thầu vẫn tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu như bình thường do toàn bộ quá trình đăng ký tham gia Hệ thống, đăng tải thông tin, đấu thầu qua mạng, thanh toán đều được thực hiện trên môi trường mạng, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
+ Lợi ích và hiệu quả của việc đấu thầu qua mạng đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đâu đó vẫn có những “rào cản” vô hình, khiến hiệu quả đấu thầu qua mạng bị ảnh hưởng. Ông có thể nêu những hạn chế mà trong thực tiễn công việc hay gặp phải?
- Ông Nguyễn Đăng Trương: Một là tình trạng một số Bên mời thầu cố tình “quên”, “sót” không đăng tải hồ sơ thiết kế kèm theo hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp dẫn đến nhà thầu không có đủ dữ liệu chuẩn bị hồ sơ dự thầu; nhà thầu muốn có hồ sơ thiết kế phải liên hệ trực tiếp với bên mời thầu;
Hai là trình trạng “Phớt lờ” đề nghị làm rõ HSMT của nhà thầu; một số Chủ đầu tư/BMT dù biết có kiến nghị, phản ánh của nhà thầu nhưng cố tính lơ là không trả lời hoặc đợi sát thời điểm đóng thầu mới trả lời dẫn đến kiến nghị, phản ánh của nhà thầu trong quá trình phát hành HSMT không được xem xét thấu đáo và xử lý đúng hạn gây ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của nhà thầu;
Ba là tình trạng E-HSMT đưa ra các tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu như: yêu cầu về giấy tờ, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp; yêu cầu về hợp đồng tương tự quá khắt khe hoặc đưa ra yêu cầu nhằm tạo lợi thế cho nhà thầu thân hữu trúng thầu…
+ Để xóa bỏ những rào cản, khó khăn này, giải pháp của Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm đẩy mạnh việc áp dụng đấu thầu qua mạng trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đăng Trương: Ngày 1/2/2020 là mốc quan trọng khi Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hiệu lực, theo đó, mọi gói thầu (cả đấu thầu qua mạng và không đấu thầu qua mạng) khi TBMT đều phải công khai HSMT lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Bên cạnh đó, hiện nay Hệ thống cũng đã triển khai tính năng bắt buộc phải đính kèm hồ sơ thiết kế khi đăng tải thông báo mời thầu gói thầu xây lắp (kể cả gói thầu qua mạng và không qua mạng). Đây có thể coi là một quy định tiến bộ, quyết liệt xử lý triệt để tình trạng gây khó khăn cho nhà thầu đến mua HSMT, trốn tránh bán HSMT. Tuy nhiên, dù chính sách về đấu thầu luôn cập nhật và đổi mới, việc đấu thầu qua mạng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của CĐT/BMT trong việc đưa công tác đấu thầu đi đúng theo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Trong những năm tiếp theo, đấu thầu qua mạng chắc chắn tiếp tục đi đúng lộ trình quy định nhằm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 thực hiện đấu thầu qua mạng đối 100% gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên và tối thiểu 70% gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, trên cơ sở đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh đấu thầu qua mạng như: (1) Hoàn thiện về hạ tầng Hệ thống, bắt đầu từ quý IV/2021 sẽ vận hành Hệ thống đấu thầu qua mạng mới, tiên tiến, hiện đại hơn Hệ thống hiện tại; (2) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh, đảm bảo đầy đủ, toàn diện; (3) Tiếp tục đôn đốc việc triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông để tạo nhận thức sâu sắc về sự cần thiết và hiệu quả của đấu thầu qua mạng; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, lách luật để xử lý nghiêm.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ban Mai (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm đếm tiến độ, tình hình triển khai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Hải Hà
22:38 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 10/12/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đã ký quyết định cấm Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc tham gia hoạt động đấu thầu trong thời gian 3 năm đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành thuộc tỉnh và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Chu Tuấn
18:30 12/12/2024Trần Quý
18:29 12/12/2024Trần Quý
18:28 12/12/2024Nhật Vượng
17:41 12/12/2024Nhật Vượng
17:32 12/12/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC