Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt

Thứ sáu, 20/05/2016 - 08:54

(Thanh tra)- “Trong bối cảnh làn sóng đầu tư ngày càng mạnh của các doanh nghiệp (DN) FDI vào thị trường bán lẻ Việt Nam, ngoài Saigon Coop và Vingroup, không còn nhà bán lẻ nào có thể áp đảo nổi các DN ngoại” - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú đánh giá.

Bán lẻ Việt Nam cần những DN đầu đàn đủ sức mạnh cạnh tranh với DN ngoại và dẫn dắt thị trường. Ảnh: HO

+ Ông đánh giá như thế nào về làn sóng đầu tư của các DN FDI vào hệ thống bán lẻ gần đây?

- Mấy tháng nay liên tục có những thông tin về làn sóng đầu tư này. Điển hình là các DN Thái Lan đã mua trọn vẹn Metro và BigC tại Việt Nam. DN Thái đã đầu tư vào Việt Nam cả sản xuất và phân phối, hàng điện máy của Thái Lan đã chiếm hơn 70% thị phần bán lẻ, hoa quả chiếm 31% thị phần... Ngoài ra Thái Lan còn đầu tư vào ngân hàng, vật liệu xây dựng… Cộng thêm với các DN của Hàn Quốc, Nhật, Malaysia thì thực tế các DN FDI đã chiếm trên 50% thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.

Sự thâm nhập của các DN FDI trong thời kỳ mở cửa với thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam là một điều tất yếu. Điều quan trọng là khi họ đã chiếm lĩnh được phần lớn hệ thống phân phối thì sản xuất Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phân phối sẽ quyết định sản xuất.

Mặt khác, khi chúng ta tham gia các FTA, hiệp định chung ASEAN và TPP thì hàng hóa nhập khẩu sẽ từng bước giảm thuế xuống 0 - 5%, hàng hóa các nước sẽ ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam với thế mạnh là chất lượng đạt những tiêu chuẩn cao. Thế mạnh của các DN FDI về vốn, công nghệ kinh doanh, tính chuyên nghiệp là một tiền đề chắc chắn cho sự thâm nhập thị trường Việt Nam trước mắt cũng như trong tương lai.

+ Theo ông, các DN nội đang gặp những khó khăn gì trong việc chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa?

- Hiện nay, ngoài Saigon Coop và Vingroup không còn nhà bán lẻ nào có thể áp đảo nổi các DN ngoại. Các tên tuổi cũ như Hapro, Intimex, Fivimart... hình như đang bị mai một dần trong con mắt người tiêu dùng. Họ cũng đang cố gắng nhưng lực bất tòng tâm. Sự tham gia của DN vào các hiệp hội có lúc mang tính hình thức, bởi chưa liên kết được một cách mạnh mẽ và một số DN bán lẻ không nhìn về một hướng. Hiệp hội là tổ chức gắn kết họ hiện nay cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Các DN chúng ta đang yếu về chiến lược kinh doanh, vốn, công nghệ quản lý và nguồn nhân lực. Mặt khác, họ đang bị những hoàn cảnh khách quan đem lại như chi phí vốn kinh doanh cao hơn DN “ngoại binh” bình quân từ 3 - 4%, chi phí thành lập DN, tiếp cận đất đai đều khá cao, thời cơ thành lập chuỗi kinh doanh bị chậm lại từ 1 đến vài năm khi tiếp nhận một mảnh đất để kinh doanh siêu thị. Ngoài ra, các chi phí tế nhị khác mà DN phải chịu đựng cũng rất lớn, thống kê ở Hà Nội cho biết có đến 63% DN phải chịu chi phí “bôi trơn”.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ và mạng lưới hiện có gồm hơn 50 trung tâm thương mại Vincom, 800 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+; hàng triệu tài khoản thương mại điện tử Adayroi; 59 cửa hàng chuyên biệt VinDS và 123 trung tâm điện máy VinPro và cửa hàng VinPro+… toàn bộ hệ thống bán lẻ của Vingroup sẽ là cầu nối hiệu quả để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được với đông đảo người tiêu dùng.

+ Các DN FDI chiếm trên 50% thị phần bán lẻ nội địa, theo ông, các DN bán lẻ Việt Nam cần làm gì để giải quyết những khó khăn trên?

- Thị trường nông thôn còn đang mênh mông chưa được khai thác bao nhiêu, kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 20% thị phần. Hàng Việt không phải là không có những thương hiệu mạnh, điều quan trọng là người sản xuất và nhà bán lẻ phải ngồi lại với nhau, đảm bảo hai bên đều thắng, không bên nào được ép bên nào. Chiết khấu phải hợp lý cho hàng gửi vào siêu thị.

Vẫn còn đó Saigon Coop và Vingroup - những nhà đầu tư tâm huyết với thị trường bán lẻ Việt Nam. Phải cổ phần hóa nhanh các tổng công ty bán lẻ Nhà nước để có những nhà đầu tư đầy năng lực có trách nhiệm với người tiêu dùng tham gia vào thị phần từ 51% trở lên... Đặc biệt là kêu gọi quyền lực mềm của người tiêu dùng, tẩy chay những DN làm ăn không nghiêm túc, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tập trung xây dựng thủ lĩnh của ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam.

Thiết nghĩ, trong giai đoạn cấp bách hiện nay cần có một “hội nghị Diên Hồng” về bán lẻ để tập hợp những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm mang tính khoa học của các chuyên gia, các DN, các nhà quản lý, tìm ra những kế sách hợp lý để từng bước vượt qua những khó khăn hiện tại.

Với sự hỗ trợ hợp lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự cố gắng của các DN sản xuất kinh doanh và sự ủng hộ mang tính khách quan hợp lý của người tiêu dùng Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách hiện tại và hướng tới tương lai của bán lẻ Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Oanh (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm