Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Be” xác định đường đi là đứng về phía tài xế

Thứ tư, 09/10/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Sự thành công đáng kinh ngạc của Be Group ("Be") sau 9 tháng khởi nghiệp không chỉ bởi họ ra đời lúc thị trường gọi xe đã đủ lớn, mà còn do xác định con đường đi là đứng về phía các tài xế cũng như giải bài toán về người dùng, cùng với những kinh nghiệm tích lũy được của CEO (Giám đốc Điều hành) Trần Thanh Hải, sau hơn 20 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Doanh nhân Trần Thanh Hải. Ảnh: Thành Nam

Gặp gỡ phóng viên, mỗi khi nói về "Be", niềm tự hào không khỏi ánh lên trong mắt doanh nhân Trần Thanh Hải. Cho tới thời điểm này, khi đi qua gần nửa đời người, "Be" có thể được xem là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của doanh nhân này.

+ Anh đánh giá như thế nào về tài năng công nghệ của người Việt Nam, nếu so với khu vực Đông Nam Á và châu Á?

- Doanh nhân Trần Thanh Hải: Chiến lược hiện nay của "Be" rất rõ ràng: Tuyển dụng người Việt là chủ đạo, đồng thời cũng tuyển những chuyên gia "xịn xò" ở nước ngoài về để hy vọng họ giúp chúng tôi đào tạo công nghệ cao cho các bạn trẻ, cũng như giúp "Be" thiết kế những kiến trúc tốt hơn cho hệ sinh thái. Tôi hy vọng họ có thể giúp "Be" đào tạo những thế hệ kế cận hoặc các lớp lãnh đạo về mặt công nghệ cho "Be" và rộng hơn là Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm nhân tài từ các trường đại học thông qua những chương trình hợp tác hoặc tài trợ cho các khoa công nghệ thông tin, tổ chức chuyên đề để thử giải các bài toán của "Be". Thông qua đó, chúng tôi muốn góp phần đào tạo cho thế hệ kỹ sư công nghệ kế tiếp của Việt Nam tốt hơn.

Nhân sự công nghệ Việt Nam rất giỏi, nhưng vấn đề là họ thường làm việc như những người thợ. Các công ty phần mềm phát triển lớn của Việt Nam đa phần chỉ làm gia công theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

Các thế hệ đi trước ở các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam đã chọn con đường gia công, còn tôi muốn đi theo hướng ứng dụng công nghệ vào cuộc sống nhiều hơn. Đã đến lúc các tập đoàn công nghệ Việt Nam nên xây dựng các sản phẩm để người Việt Nam có thể sử dụng.

+ Thích công nghệ, nhưng vì sao anh lại chọn doanh nghiệp thuần Việt và còn ở trong lĩnh vực vô cùng “xương xẩu” như gọi xe? Trong khi anh đã có cả một sự nghiệp tương đối thành công, trước khi khởi nghiệp cùng Be Group?

- Doanh nhân Trần Thanh Hải: Trước đó, tôi cũng đã làm nhiều thứ, nhưng tôi rút ra một điều: Tôi chỉ làm tốt nhất những gì liên quan đến công nghệ. Cho nên, khi tìm cái gì đó để làm, tôi luôn đặt công nghệ lên hàng đầu. Khi xuất hiện cơ hội khởi nghiệp doanh nghiệp như "Be", nó thật sự rất hấp dẫn tôi. Tại "Be", công nghệ luôn là mảng được đầu tư lớn nhất.

Người Việt đi đâu cũng nói dân tộc mình rất thông minh và đang làm nhiều thứ to lớn, nhưng nhìn lại thị trường công nghệ, chẳng có doanh nghiệp thuần Việt nào đang thắng và đó chính là động lực lớn nhất để tôi bắt đầu làm "Be".

Tôi nghĩ đơn giản, xe của Việt Nam, tài xế của Việt Nam, đường sá Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam… vậy tại sao không có công ty Việt Nam nào làm được cả? Trước chúng tôi, cũng có nhiều công ty Việt tham gia vào lĩnh vực này, như Go-viet, Fastgo… nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thị trường đang thiếu một cái gì đó.

Có thể nói, "Be" là một trong những case study thú vị bậc nhất trong lĩnh vực khởi nghiệp mảng công nghệ của Việt Nam. Cách đây 9 tháng, lúc "Be" chào sân, không ai tin là họ có thể làm nên chuyện như ngày hôm nay!

Số lượng tài xế đang tăng lên từng ngày vì “Be” áp dụng nhiều chính sách giúp tài xế yên tâm chở khách. Ảnh: Thành Nam

- Doanh nhân Trần Thanh Hải: Ngay từ lúc khởi sự, "Be" đã xác định con đường đi là đứng về phía các tài xế. Việc "Be" xuất hiện để giải bài toán về người dùng - tài xế cho thị trường, nên chúng tôi không bao giờ tính chuyện ngắn hạn cả. Không phải chúng tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng chúng tôi quan tâm tới sự phát triển bền vững hơn.

Với tài xế, bạn chỉ nhìn thấy khấu hao về xe, còn tôi nhìn thấy cả hao mòn về con người.

Bởi vì, để có mức thu nhập một tháng 10 và 12 triệu đồng như bạn nói, họ phải lao động một ngày từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ. Và theo tôi, điều đó không tốt một chút nào cả. Với cường độ lao động như vậy, nhiều khả năng họ sẽ gặp phải nhiều rủi ro cao hơn các ngành nghề khác và phải nghỉ hưu sớm. Đến lúc đó, gánh nặng của quốc gia sẽ là chi phí chi trả cho các dịch vụ xã hội, dịch vụ công khi các tài xế công nghệ không hề được các doanh nghiệp đóng bảo hiểm, các chế độ phúc lợi.

Đó là tôi nói về lâu dài, còn về ngắn hạn, người tiêu dùng đang phải trả giá rồi, ví dụ trong thời gian cao điểm, giá xe cao gấp 3 đến 4 lần. Đây là hậu quả từ sự dễ dãi của người tiêu dùng trong thời gian đầu, họ thấy cái lợi nhỏ ngay trước mắt mà không quan tâm tới hậu quả sau này của nó.

Đối với chúng tôi, cái thành công nhất không phải là yếu tố công nghệ mà chính là nhân tài - con người, tất nhiên công nghệ lại là thành quả do con người tạo ra.

Chúng tôi rất tự hào về năng lực vận hành của mình, "Be" luôn tìm cách làm sao có chi phí vận hành hợp lý hơn đối thủ và để thực hiện được điều đó cần sự hỗ trợ của công nghệ được xây dựng bởi con người.

Chúng tôi luôn cố gắng lựa chọn những nhân tố nào tốt nhất để xây dựng được một đội ngũ giỏi nhất. Quả thật, trong một thời gian ngắn mà có thể tập hợp được từng đó nhân tài là điều không hề dễ dàng. Chính kinh nghiệm 20 năm lăn lộn trong ngành công nghệ Việt Nam đã giúp ích cho tôi rất nhiều.

Nhân sự của "Be" đều có chung một ước mơ: Làm sao có thể đặt được lá cờ Việt Nam lên nhiều nước khác và tôi tin chúng tôi có thể chạm đến ước mơ đó. Tại "Be", có không ít các bạn Việt kiều, nhiều năm sinh sống ở nước ngoài và làm việc trong các tập đoàn lớn, cũng trở về Việt Nam để đồng lòng thực hiện giấc mơ lớn đó.

+ Xin trân trọng cảm ơn anh!

Thành Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm