Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo động tình trạng sử dụng hóa chất trong thủy sản

Thứ ba, 07/06/2016 - 15:13

(Thanh tra) - Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cảnh báo sản phẩm của 2 doanh nghiệp Việt Nam nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Nhật

Liên tiếp cảnh báo

FSIS yêu cầu Nafiqad chậm nhất đến ngày 17/6/2016 phải gửi thông báo cho biết nguyên nhân các lô hàng bị nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và các biện pháp khắc phục. 

Sau Mỹ, EU cũng vừa có thông báo các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào thị trường này trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo hóa chất kháng sinh cấm theo quy định.

Hiện, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010 - 2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thị trường này.

Ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Chỉ thị số 4361 về việc tăng cường công tác thú y thủy sản. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, TPtổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, phế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Nafiqad phối hợp với Cục Thú y và Hiệp hội Chế biến Thủy sản xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn, rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản. Tổ chức điều tra và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, trả về hoặc cấm nhập khẩu do nhiễm hóa chất, kháng sinh để làm căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Hiện nay có khoảng 5.000 - 6.000 loại thuốc, hóa chất phòng trị bệnh, xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản đang được lưu hành trên thị trường. Trong đó mới cấp phép lưu hành cho 642 sản phẩm thuốc thú y thủy sản, bao gồm 501 sản phẩm được sản xuất trong nước và 141 sản phẩm nhập khẩu.

Điều đáng nói, số lượng không được cấp phép hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ, khiến người nuôi trồng thủy sản hoang mang không thể biết được đâu là sản phẩm có thể sử dụng được và không để lại tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản.

Để kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản, các chuyên gia cho rằng, cần tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trên cả nước hệ thống văn bản pháp quy về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản Bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam), nếu doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thủy sản, cần truy cập website của các nước nhập khẩu để đánh giá thử nghiệm và khảo nghiệm của từng loại, qua đó nắm được liều dùng và thời gian ngừng sử dụng trước khi thu hoạch.

Ông Bùi Trọng Khiêm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hải Phòng cho rằng, doanh nghiệp và người nuôi trồng cần tập trung kiểm soát chặt chẽ các loại hóa chất, kháng sinh nhiễm vào thủy sản nuôi. “Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất thức ăn và không sử dụng nguyên liệu như tinh bột, đậu nành, bột cá... quá hạn trong sản xuất thức ăn”, ông Khiêm khuyến cáo.

Cảnh Nhật

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm