Theo dõi Báo Thanh tra trên
Cảnh Nhật
Thứ ba, 03/09/2024 - 17:25
(Thanh tra) - Mặc dù các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố của tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu. UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh An Giang đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Ảnh minh họa: Cảnh Nhật
Kết quả giải ngân chưa đạt yêu cầu
UBND tỉnh An Giang cho biết, tổng số vốn được HĐND tỉnh giao trong năm kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài) là hơn 9.679,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2024 hơn 635,5 tỷ đồng; vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao hơn 8.660,1 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao hơn 9.044,3 tỷ đồng, tăng 584.139 triệu đồng, đạt 104% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 7/2024 (bao gồm vốn kéo dài) là hơn 3.638 tỷ đồng, đạt 37,58%. Trong đó, kế hoạch năm 2023 kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2024 hơn 89,6 tỷ đồng, đạt 14,11%; thanh toán vốn kế hoạch năm 2024 hơn 3.548,4 tỷ đồng, đạt 39,23%.
Ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 8/2024 (bao gồm vốn kéo dài) là gần 4.240 tỷ đồng, đạt 43,80%. Trong đó, thanh toán vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2024 hơn 125,4 tỷ đồng, đạt 19,74%; thanh toán vốn kế hoạch năm 2024 hơn 4.114,4 tỷ đồng, đạt 45,49%.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, mặc dù các chủ đầu tư, sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực, phấn đấu, tuy nhiên kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công đến hết tháng 7/2024 (bao gồm vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 được kéo dài sang năm 2024) đạt 37,58%, thấp hơn yêu cầu đề ra.
Việc giải ngân chưa đạt yêu cầu có nhiều nguyên nhân. Trong đó, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục là “nút thắt” lớn nhất trong thực hiện các dự án cần giải phóng mặt bằng, nhất là dự án thuộc lĩnh vực giao thông và nông nghiệp có kế hoạch vốn lớn. Ngoài ra, trong quá trình triển khai cũng phát sinh vấn đề cần phải điều chỉnh thủ tục dự án, từ đó dẫn đến giải ngân chậm.
Bên cạnh khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, đó là nguồn nguyên vật liệu cát. Hiện nay, nguồn cát cung cấp cho các dự án chưa đủ so với nhu cầu và tiến độ thực hiện, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm…
Trong khi đó, vốn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 mới được giao bổ sung trong năm 2024 là 1.000 tỷ đồng tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; vốn kéo dài năm 2023 sang 2024 mới được cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Cụ thể, vốn ngân sách địa phương được UBND tỉnh phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tại Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 2/5/2024, vốn ngân sách Trung ương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kéo dài tại công văn ngày 22/5/2024.
Triển khai thực hiện nhiều giải pháp
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo từng ngành, từng cấp, từng chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt. Trong đó, các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, về hướng dẫn các quy định, việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục phải được thực hiện hoàn thành sớm, nhanh để làm cơ sở triển khai thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành, giải ngân kế hoạch vốn.
Chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án; rà soát báo cáo kịp thời nguyên vật liệu, nhất là nguồn cát gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh phân bổ cho từng dự án được kịp thời.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh và các địa phương tìm giải pháp xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhà thầu tập kết vật tư, nhân công, máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với chất lượng công trình, nghiệm thu ngay khi có khối lượng hoàn thành để sớm thanh toán, giải ngân, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2024 để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án phải đảm bảo hồ sơ thủ tục (chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu dự án...); thủ tục thanh toán, quyết toán vốn kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định; triển khai thi công dự án phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả sau đầu tư; chủ động rà soát và đề xuất khối lượng cát đảm bảo cho các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm được kịp thời.
Đối với điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, các chủ đầu tư tiếp tục rà soát đánh giá cụ thể khả năng thực hiện và giải ngân nguồn vốn đến cuối năm nay. Trường hợp không có khả năng sử dụng hết chỉ tiêu vốn đã bố trí thì tổng hợp gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn (nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn đã bố trí, dự án đề xuất điều chỉnh phải phù hợp tiến độ thực hiện và phải cam kết giải ngân hết số vốn sau điều chỉnh.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu đoàn kiểm tra công trình trọng điểm của tỉnh năm 2024 đối với các chủ đầu tư, các dự án có khó khăn vướng mắc để kịp thời xử lý, tháo gỡ chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thi công và giải ngân kế hoạch vốn…
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 11/12/2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức khai trương Công viên Logistics Viettel. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
ĐT
14:46 11/12/2024(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.
Nam Dũng
12:43 11/12/2024T.T
22:35 10/12/2024T.T
22:11 10/12/2024Thanh Giang
19:09 10/12/2024Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trọng Tài
Nam Dũng