Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

3 nhóm DN được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

Thứ năm, 28/11/2013 - 11:20

(Thanh tra)- Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang tiếp tục lùi thời hạn cấp giấy phép cho các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ truyền hình cáp từ trước năm 2011 để sắp xếp lại thị trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Bộ sẽ cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) theo hướng chọn lọc các DN có khả năng truyền dẫn phát sóng, đã có hạ tầng mạng truyền dẫn rộng khắp và có quy mô, năng lực đầu tư đáng kể. Trong đó, ưu tiên DN có khả năng đầu tư dịch vụ đến cả những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
      
Theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg quy định về Quy chế Quản lý hoạt động THTT, đến ngày 15/5/2013, tất cả DN cung cấp dịch vụ truyền hình cáp phải chuyển đổi mô hình tổ chức sang loại hình DN và phải lập hồ sơ xin cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông đáp ứng điều kiện kỹ thuật dịch vụ trước khi xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Bộ TT&TT đã có công văn hướng dẫn tạm thời việc cấp đổi giấy phép truyền hình cáp, lùi thời hạn để làm thủ tục xin cấp phép cho các DN này đến ngày 31/12/2013. 

Nếu áp dụng theo đúng Quy chế nói trên, hết năm 2013, các DN truyền hình cáp chưa có giấy phép sẽ phải ngưng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn khi triển khai nên tại cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã đồng ý với phương án gia hạn thời hạn cấp phép cho các DN truyền hình cáp. Như vậy, sau năm 2013, các DN truyền hình cáp đang cung cấp dịch vụ sẽ được tiếp tục hoạt động như cũ. Sau khi có Nghị định của Chính phủ về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, Bộ TT&TT sẽ xem xét để cấp phép cho các DN cáp đang cung cấp dịch vụ tới người dân.

Hiện nay, số lượng DN cung cấp dịch vụ truyền hình lên đến hơn 40 đơn vị, nhưng thực tế, thị phần chỉ nằm trong một vài đài lớn, do đó các DN truyền hình cáp có quy mô nhỏ được dự báo sẽ buộc phải mua bán và sáp nhập để đáp ứng điều kiện cấp phép. Theo số liệu của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, cục diện thị trường THTT phát triển không đồng đều và chủ yếu thị phần nằm trong tay 3 đơn vị lớn. Tính đến hết tháng 12/2012, Cty Truyền hình Cáp Saigontourist (SCTV) chiếm tới 40% thị phần, Trung tâm Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) chiếm 30% thị phần, Trung tâm Truyền hình Cáp của Đài Truyền hình TP HCM chiếm tới 15% thị phần. 15% thị phần chia cho các DN có thị phần nhỏ, trong đó có tới 26 đơn vị cung cấp truyền hình cáp. 

Đơn cử việc mua bán và sáp nhập, vào đầu tháng 11/2012, Cty Cổ phần Điện tử và Truyền hình Cáp Việt Nam (CEC - Cty cổ phần có vốn góp của VTC) đã phải chuyển nhượng hơn 20.000 thuê bao truyền hình cáp sang cho VCTV (nay là VTVcab - đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam) do nợ nần. Tổng số nợ ngân hàng của CEC lên tới trên 100 tỷ đồng khó có khả năng thanh toán trong ngắn hạn. Đến nay, CEC đã chính thức không có mặt trên thị trường truyền hình. Các Cty truyền hình cáp nhỏ khác, với lượng khách hàng không bù nổi chi, sớm muộn cũng sẽ phải tính đến việc sáp nhập, hoặc buộc phải chia tay với tham vọng tìm kiếm thị trường thuộc lĩnh vực này. 

       
Bộ TT&TT dự kiến đến hết năm 2013 sẽ có khoảng 20 DN cung cấp dịch vụ THTT theo 3 nhóm: Nhóm DN có hạ tầng truyền dẫn, phát sóng, đã có hạ tầng mạng truyền dẫn rộng khắp, có quy mô đầu tư lớn và có khả năng cung cấp dịch vụ đến những khu vực khó khăn. Nhóm thứ hai là DN đã tham gia đầu tư, hợp tác cung cấp dịch vụ truyền hình cáp ở giai đoạn trước, có kinh nghiệm và năng lực đầu tư ở quy mô trung bình và đã hoàn thiện địa vị pháp nhân để được cấp phép. Nhóm thứ ba, các DN có quy mô nhỏ, đã đầu tư hạ tầng và hợp tác kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp ở giai đoạn đầu hình thành thị trường, có kinh nghiệm triển khai dịch vụ trên phạm vi một tỉnh, TP và đáp ứng các điều kiện cấp phép. 

     
Bộ TT&TT cũng tổ chức cấp phép lại cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đã tham gia thị trường trong giai đoạn trước theo quy định mới. Theo đó, các đơn vị có gốc hình thành từ các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình và DN thông qua hợp tác kinh doanh đã có đầu tư mạng cáp truyền hình cung cấp trên phạm vi rộng tại một số tỉnh, TP, nếu có nhu cầu tiếp tục cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp phép thiết lập mạng, cấp phép cung cấp dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Mai Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm