Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

250 lợn bố mẹ đầu tiên được nhập về Việt Nam

Lê Phương

Thứ năm, 14/05/2020 - 13:55

(Thanh tra) - Ngày 13/5, lô lợn 250 con bố mẹ đầu tiên được nhập về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là lô lợn đầu tiên trong tổng số 20 nghìn con lợn nái và 200 con lợn đực giống được nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam để nhân giống phục vụ tăng đàn, tái đàn lợn đối với các trang trại, gia trại và HTX đủ điều kiện an toàn sinh học.

250 lợn bố mẹ đầu tiên được nhập về Việt Nam. Ảnh: NVG

Việc nhập khẩu lợn nái hậu bị được thực hiện giữa Cty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Việt Nam) thông qua ký kết hợp đồng với Cty Inspired Nutrient - Cty Sản xuất lợn giống của Thái Lan liên kết với Đan Mạch.

Chi cục Phó Chi cục Thú y Vùng III Lê Đình Huệ cho biết, ngay sau khi thông quan tại Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, cơ quan kiểm dịch thú y đã thực hiện kiểm tra hồ sơ khai báo tình trạng sức khỏe của đàn lợn giống, bước đầu không phát hiện triệu chứng lâm sàng của các dịch bệnh truyền nhiễm trên lợn.

Số lô lợn này sẽ tiếp tục được chuyển vào khu cách ly để theo dõi trong thời gian tối đa là 45 ngày và tiếp tục được lấy mẫu giám sát về các bệnh truyền nhiễm trên động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nếu lô hàng đảm bảo các yêu cầu về an toàn dịch bệnh sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu để cơ sở tiếp nhận chăn nuôi nhân giống phục vụ tăng đàn, tái đàn.

“Thời gian cách ly theo quy định không quá 45 ngày, trong quá trình kiểm dịch, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu lợn tổ chức lấy mẫu sớm nhất để xét nghiệm đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp áp dụng tiêm phòng đầy đủ các bệnh trên động vật theo quy định. Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm sẽ cấp giấy chứng nhận, điều này khẳng định lô lợn giống nhập về an toàn về các bệnh truyền nhiễm để khi cơ sở tiếp nhận chăn nuôi biết được con giống đó đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh góp phần tăng đàn và khôi phục đàn”, ông Huệ cho biết.

Lô heo bố mẹ được doanh nghiệp nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tái đàn của doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ trang trại sau "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: NVG

Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức Phạm Trần Sum cho biết, dự kiến từ nay đến tháng 8, doanh nghiệp sẽ hoàn tất việc nhập khẩu 20 nghìn con lợn nái và 200 con lợn đực giống.

Ước tính, với chu kỳ khoảng 5 tháng sau khi lợn nái nhập khẩu sinh sản thì đến tháng 12 năm nay, doanh nghiệp không những đủ con giống để tăng đàn và tái đàn cho các trang trại vệ tinh mà còn cung cấp con giống ra thị trường đáp ứng nhu cầu tái đàn cho các gia trại, trang trại ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Vĩnh Phúc.

Cũng theo ông Sum, trong số 20 nghìn lợn nái nhập về theo kế hoạch có một nửa phục vụ việc tái đàn của doanh nghiệp, số còn lại sẽ cung cấp ra thị trường để phục vụ tái đàn ở các nông hộ, gia trại và trang trại. Giai đoạn này, Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp cùng chia sẻ với người tiêu dùng về giá thịt lợn, việc nhập khẩu lợn giống là hết sức cần thiết không chỉ giúp doanh nghiệp có con giống để tái đàn mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm sao giảm được nhanh nhất giá thịt lợn hơi trên thị trường để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng và chỉ số giá tiêu dùng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN & PTNT) cho biết, theo số liệu đăng ký, năm nay, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12 nghìn con lợn giống. Tính đến ngày 18/4, số lượng nhập khẩu lợn giống gốc là 3 nghìn 016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đăng ký nhập khẩu 20 nghìn con lợn nái phục vụ sản xuất. Với số lượng đàn giống sản xuất trong nước và nhập khẩu thì Việt Nam có thể chủ động về lợn giống phục vụ sản xuất giai đoạn 2021-2024.

Đến nay tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn trước khi có dịch tả lợn châu Phi, tăng bình quân 5,78%/tháng.

Trong số 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh hiện đang chiếm khoảng 35% tổng đàn lợn thương phẩm với tốc độ tái đàn đạt 17%. Còn các hộ chăn nuôi quy trang trại, gia trại và hợp tác xã chiếm tỷ trọng tới 66 - 67% tổng đàn lợn.

Tuy nhiên, do khan hiếm về nguồn cung nên giá lợn giống, lợn hậu bị đang tăng rất cao, ngay cả các hộ có tiền cũng khó mua được lợn giống để tái đàn, tăng đàn. Chính vì vậy, để giải quyết những khó khăn này, cùng với các giải pháp hỗ trợ về vốn, đất đai mở rộng quy mô chăn nuôi,…

Bộ NN & PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa tăng cường nhập khẩu lợn giống bố mẹ để nhân giống phục vụ tăng đàn và tái đàn. Việc nhập khẩu lợn nái hậu bị nói chung và lợn giống là không có “hạn ngạch”.

Để chứng kiến lô lợn bố mẹ đầu tiên được nhập về Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Phùng Đức Tiến đã trực tiếp có mặt tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - khu cách ly kiểm dịch để kiểm tra quy trình thực hiện kiểm dịch động vật đối với lô hàng nhập khẩu này.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, việc nhập giống về trước hết đáp ứng cung cầu về giống và bình ổn giá thịt lợn. Khi đàn nái bố mẹ được nhập về sản xuất ra con giống sẽ đáp ứng từng bước nhu cầu giống đang thiếu hụt hiện nay, qua đó giảm giá bán lợn giống cũng như đáp ứng nhu cầu con giống cho các gia trại, trang trại hiện nay của doanh nghiệp và của các địa phương để tăng quy mô đàn lợn giống và lợn thịt từng bước đáp ứng nhu cầu thịt lợn vào quý 3 và quý 4 trong năm nay.

Ông Tiến cũng cho biết, vừa qua một số địa phương đã kịp thời quan tâm, có các chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn như: Hà Nội bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con lợn nái, Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống, Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi từ 20 con lợn trở lên...

Cùng với đó là việc tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; kịp thời công bố hết dịch để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm