Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đức Tuyền
Thứ hai, 04/07/2022 - 18:05
(Thanh tra)- Xác định việc loại bỏ hủ tục trong tang lễ của đồng bào dân tộc Mông là một cuộc “cách mạng”, vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền tại huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, nơi có đông đồng bào người Mông sinh sống đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong tang lễ trở thành nền nếp, tập quán bền vững.
Nụ cười mới cho một cuộc sống mới! Ảnh: Đức Tuyền
Loại bỏ “con ma hủ tục”
Nhắc đến huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của Yên Bái, ai cũng thầm nghĩ đến huyện nghèo Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Nơi đây có hơn 91% người dân là đồng bào dân tộc Mông, chủ yếu là Mông Đu (Mông Đen), Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Xi, Mông Lềnh (Mông Hoa), còn lại là các dân tộc khác.
Cũng như các dân tộc khác, đồng bào dân tộc Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu có những nét văn hoá, phong tục tập quán đặc trưng, trong đó có việc tang với nhiều nghi lễ đặc biệt thể hiện đạo lý, sự tri ân của người sống đối với người đã khuất. Tuy nhiên, đồng bào nơi đây còn lưu giữ một số hủ tục, tập quán lạc hậu kéo dài nhiều năm, cần xoá bỏ để đổi mới.
Từ lâu, khi một người Mông mất đi, người thân sẽ cho nổ 3 phát súng kíp, để thông bao trong nhà có người mất. Có nơi đồng bào sẽ bắt một con gà, dùng tay bóp chết rồi để gần người chết trong suốt quá trình làm ma; ban tổ chức tang lễ không tiến hành khâm liệm, đưa thi hài vào áo quan mà buộc dựng người chết vào cột nhà, cột gỗ, hoặc cho nằm trên chiếc ky được đan bằng tre, nứa rồi treo trên tường nhà. Tiếp đến là chuyện đưa người chết ra phơi nắng, làm tang kéo dài ba, bốn ngày, có đám lên đến năm, bảy ngày. Có những nơi, người dân mổ trâu chia thịt cho người tham gia ban tang lễ và tổ chức ăn uống linh đình.
Ông Giàng A Vừ - Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Mù Cang Chải cho biết: Đây là phong tục từ lâu đời của đồng bào. Một điều khó thực hiện nữa là do người Mông sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình phức tạp cho nên nếu đóng quan tài thì trong quá trình khiêng người chết đi chôn khi lên dốc, xuống dốc rất khó di chuyển.
Biết là khó khăn, nhưng ông Giàng A Vừ cũng không khỏi trăn trở: Người chết, gà chết để lâu ngày mùi hôi thối, rất mất vệ sinh đó là còn chưa kể những người chết do mắc bệnh truyền nhiễm, sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người sống. Dẫu biết là vậy nhưng để xoá bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu là điều không phải dễ dàng thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Để thay đổi tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc Mông, vấn đề tiên quyết phải làm đó là phát huy vai trò, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ đó, từng bước tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, hiện Yên Bái có gần 100.000 người dân tộc Mông, chiếm 12,2% dân số toàn tỉnh; người Mông sinh sống tại 244 thôn, bản của 41 xã trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên và Văn Chấn.
Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm đưa các mô hình dân vận khéo và chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, trong đó có đồng bào dân tộc Mông, nhằm hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện đề án vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt trong việc cưới và việc tang, đã mang lại chuyển biến trong nhận thức của đồng bào dân tộc.
Đến nay, đa số đồng bào người Mông đã thực hiện ăn chung một Tết, các hủ tục thách cưới dần được xóa bỏ, trong việc tang đã đưa người chết vào áo quan bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, nhiều cộng đồng người Mông đã tập trung phát triển kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, từng bước nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình.
“Cởi trói” từ nhận thức bằng hành động
Xác định rõ hủ tục là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của Trạm Tấu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã họp bàn và xây dựng 5 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Trong đó, phải kể đến 2 chương trình lớn về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa mới và chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm nghiệp.
Chương trình gồm những nội dung cụ thể như: Tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ việc tảo hôn, thách cưới cao và thực hiện các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch; khâm liệm người chết vào quan tài và không để lâu trong nhà, xóa bỏ những hủ tục không còn phù hợp trong đời sống mới ở những đám tang; thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch và không nuôi nhốt gia súc gần nhà.
Cùng với đó là việc đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng cách sử dụng những giống ngô, lúa có chất lượng, năng suất cao, chuyển đổi diện tích sắn và lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đồi, đưa cây ngô trở thành cây hàng hóa; thực hiện trồng cỏ voi, dự trữ rơm khô và thức ăn cho gia súc trong mùa rét, không thả rông gia súc để đảm bảo sức kéo. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy về sắp xếp đất đai các xã vùng cao, đảm bảo cho hộ nông dân có đất sản xuất, không di dịch cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, không đốt phá rừng làm rẫy...
Là người con của bản làng, ông Giàng A Phong, Bí thư Đảng uỷ xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu từ lâu đã có ý thức được rằng, những hủ tục trong việc tổ chức đám tang của người Mông, không chỉ khiến đời sống của bà con triền miên trong đói nghèo, lạc hậu mà còn khiến môi trường, sức khoẻ cũng bị đe doạ. Vì vậy, trong tiềm thức của mình, ông Giàng A Phong luôn khẳng định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con xoá bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng văn minh.
Trao đổi, ông Giàng A Phong cho biết: Thời điểm cụ ông Giàng A Sinh ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù mất, Đảng uỷ, chính quyền xã đã thống nhất hỗ trợ cho gia đình 4 triệu đồng để mua gỗ đóng quan tài. Tuy vất vả trong việc di chuyển, nhưng gia đình dần cảm thấy lợi ích từ việc để người đã khuất vào quan tài. Thời gian qua, huyện Trạm Tấu luôn tích cực vận động nhân dân đưa người chết vào quan tài theo nếp sống văn hoá mới. Hiện nay, địa phương thực hiện tốt nhất là xã Trạm Tấu.
Ông nói, trong “cuộc chiến” xoá bỏ hủ tục, phải khẳng định rằng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá 8 về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, đã giúp làng bản người Mông xoá bỏ nhiều tập quán lạc hậu, từng bước lưu giữ nhiều bản sắc văn hoá tốt đẹp.
Từ nghị quyết, ông Phong cũng như nhiều cán bộ khác trong huyện đã từng bước tuyên truyền, thuyết phục các trưởng dòng họ cùng tham gia vận động xoá bỏ hủ tục.
Từ một cá nhân dám đi đầu trong việc chấp hành việc để xác người chết vào quan tài của ông Giàng A Phong, nay càng nhiều thêm các dòng họ khác tham gia. Thắng lợi trong việc xoá bỏ hủ tục từ đám tang dần thành hình, thành dạng.
Chị Giàng Thị Mỷ ở thôn Km14, xã Trạm Tấu, là một trong những gia đình đã thực hiện việc đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức làm đám tang, cho biết: Khi mẹ tôi mất, anh em họ hàng nhà tôi đã đưa vào quan tài rồi mới làm đám ma và chỉ để 2 ngày. Tôi thấy như vậy sẽ giữ gìn được vệ sinh và không gây sợ hãi cho khách đến phúng viếng.
Ông Mùa A Sùng - Già làng ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu cũng ủng hộ việc đưa những người chết vào áo quan: Tôi thấy đây là việc tốt, văn minh, bà con ta nên phát huy. Rõ ràng, bà con đã dần hiểu ra những lợi ích từ việc thay đổi thói quen, tập tục cũ đã lạc hậu. Tuy nhiên, để tiến tới bản làng văn minh, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tại các địa phương có đồng bào người Mông sinh sống, cần tiếp tục xác định việc loại hỏ hủ tục không để người chết vào quan tài, là một cuộc “cách mạng”.
Như ông Phong khẳng định, biện pháp chính trong giai đoạn tiếp theo chính là tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cần có sự đổi mới trong hình thức tuyên truyền; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín để xây dựng đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới ở những bản làng người Mông.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân