Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 3: Nhận diện thủ đoạn

Minh Tân - Vũ Linh

Thứ ba, 30/07/2024 - 08:00

(Thanh tra)- Bằng phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt các đối tượng xấu, đối tượng phản động FULRO lưu vong tổ chức cho người dân tộc thiểu số (DTTS) xuất cảnh sang Thái Lan trái phép theo nhiều hình thức khác nhau. Thế nhưng, khi qua đó, chúng bỏ rơi ngay chính đồng bào của mình ở các nhà trọ, khu tị nạn rơi vào cảnh khốn cùng, số phận mong manh trên đất Thái.

Công an tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động, thông qua đó tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Công an cung cấp

Về quê, biết mình sống lại rồi!

Trở về Việt Nam sau những tháng ngày sống cơ cực, tưởng chừng có lúc nằm lại trong căn phòng trọ chật chội ở đất Thái Lan, ông Siu Blêh (62 tuổi), trú tại làng Khô Roa, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã mạnh khỏe trở lại.

Tháng 12/2022, bán gia súc cùng một số tài sản, Blêh cùng vợ và đứa con gái đang học lớp 4 tìm cách vượt biên trái phép rồi nhập cảnh sang Thái Lan.

“Mình tin lời bọn xấu rằng qua Thái Lan làm việc sẽ có được nhiều tiền, được các tổ chức giúp đỡ, phỏng vấn, đưa đi định cư ở nước thứ 3, có nhiều tiền, cuộc sống sung sướng. Thế nhưng, đến nơi mới biết rằng mình bị bọn xấu lừa. Không có tổ chức quốc tế nào giúp đỡ mình đâu, phải tự thuê nhà trọ, tìm việc làm bất hợp pháp, đau ốm, bệnh tật không có tiền chữa bệnh”, Blêh nói.

Sức khỏe yếu, Blêh chỉ tìm được những việc nhẹ với đồng tiền ít ỏi. Trừ tiền nhà trọ, 3 người gia đình Blêh rơi vào cảnh thiếu ăn quanh năm. “Gạo thì phải mua loại gạo cứng thôi à, đói thì bẻ thêm đọt keo để ăn. Nhiều lúc thèm lá mì (sắn) ở quê mình thôi mà không có ăn”, ông Blêh buồn rầu kể.

Ăn uống thiếu thốn, làm việc nặng nhọc, Blêh đổ bệnh, ho ra máu, miệng méo xệch đi, không thể nói chuyện. 3 người trong gia đình ôm nhau khóc vì nghĩ Blêh không thể qua khỏi. Không có tiền để đi khám bệnh cũng như không có giấy tờ hợp pháp, Blêh cũng không dám đến bệnh viện.

Muốn về quê nhưng lại bị các đối tượng phản động dọa dẫm về sẽ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Khi hay tin chuyến thăm của đoàn công tác Bộ Công an, vợ chồng Blêh mừng quá, gọi điện về cho người thân ở nhà vay mượn 40 triệu đồng để tìm cách trở về Việt Nam vào tháng 5/2024 vừa qua.

Chính quyền địa phương hỗ trợ, động viên Blêh. Ảnh: Vũ Linh

Về được đến làng Khô Roa, Blêh mừng lắm nhưng sức khỏe yếu. Blêh nằm liệt giường, ai tới cũng không thể trả lời. Hay tin, các cán bộ Công an huyện Chư Pưh đã đến thăm hỏi, động viên Blêh. Thấy Blêh bệnh nặng các cán bộ đã đưa Blêh đến bệnh viện cấp cứu.

Thẻ bảo hiểm y tế hết hạn, với sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, 3 ngày sau, Blêh có thẻ bảo hiểm y tế để tiếp tục điều trị.

“Mình được bác sĩ xác định suy tim, tai biến nhẹ, trào ngược dạ dày… vì ăn uống cực khổ, lao lực hơn một năm bên Thái Lan. Điều trị gần 10 ngày giờ mình đã nói được, đi lại được bình thường và làm được việc nhẹ. Giờ biết là sống rồi! Cảm ơn cán bộ, cảm ơn chính quyền nhiều lắm. Mình biết bỏ trốn, vượt biên trái phép là sai rồi, làm xấu tình hình buôn làng”, Blêh nghẹn lời khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ. Không chỉ Blêh, đứa con gái út lớp 4 của Blêh cũng đang được chính quyền xã Ia Rong hỗ trợ để em có thể trở lại lớp, lại trường sau hơn 1 năm bỏ học, theo chân cha mẹ lưu lạc ở đất Thái.

Blêh là một trong hàng loạt trường hợp trở về địa phương được sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất, y tế, giáo dục của chính quyền địa phương các cấp.

Trung tá Bùi Mạnh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết, được sự tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền, lực lượng công an, thời gian qua đã có nhiều trường hợp tự nguyện hồi hương, quay trở về với gia đình, buôn làng và đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Chư Pưh không có trường hợp bỏ trốn, vượt biên trái phép.

Bà con cần nêu cao cảnh giác

Theo Công an tỉnh Gia Lai, một số đối tượng từng có tiền án hoặc từng hoạt động FULRO. Mặc dù được cơ quan công an và chính quyền địa phương giáo dục, tuyên truyền, vận động, tuy nhiên chúng vẫn ngoan cố, không từ bỏ hành vi sai trái, lén lút nhóm họp, hoạt động “Tin lành Đê ga”, âm mưu phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, đồng thời lôi kéo một số hộ gia đình vượt biên trái phép.

Trước tình hình trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức đấu tranh, xử lý 4 đường dây tổ chức trốn, điều tra 4 vụ với 18 bị can liên quan tổ chức người khác trốn đi nước ngoài và trốn ở lại nước ngoài. Trong đó, đã đưa ra xét xử 2 vụ với 11 bị cáo và bị tuyên phạt với tổng hình phạt hơn 71 năm tù cho các bị cáo.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, hiện cuộc sống của bà con đồng bào DTTS ở Thái Lan rất khó khăn, họ phải ở trọ trong những căn phòng chật chội, công việc nặng nhọc, không ổn định, không biết tiếng địa phương nên dễ bị lừa tiền công lao động. Vì cư trú bất hợp pháp nên bà con thường xuyên bị lực lượng chức năng Thái Lan truy quét, bắt giữ. Chưa kể, họ không được hưởng các chế độ y tế, giáo dục, an sinh xã hội, sống vô gia cư, tâm lý tuyệt vọng nơi xứ người.

Các bị cáo trong vụ án Cao Văn Tỉnh cùng đồng phạm tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài xảy ra tại huyện Chư Sê bị đưa ra xét xử. Ảnh: Minh Tân

Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo, bà con không nên tin, nghe theo luận điệu tuyên truyền, kích động, lôi kéo người DTTS xuất cảnh sang Thái Lan để đi làm việc nhẹ, lương cao. Mục đích của các đối tượng chủ yếu là lừa phỉnh người DTTS xuất cảnh để trục lợi. Nhiều trường hợp bị lừa phỉnh bán hết tài sản để xuất cảnh trái phép, sau khi hồi hương đã rơi vào tình cảnh khó khăn, không còn đất đai, xe máy… đời sống lâm vào bế tắc.

Liên quan đến thông tin về chương trình bảo trợ tư nhân của Chính phủ Mỹ với tên “Welcome Corps”, bà con người DTTS cần phải tìm hiểu kỹ về diện đối tượng và điều kiện để được bảo lãnh sang Mỹ rất là khó khăn, tránh ngộ nhận cho rằng khi sang Thái Lan sẽ dễ dàng được đi Mỹ. Để được định cư phải có người ở Mỹ bảo lãnh, tốn chi phí rất lớn, phải đảm bảo về tiêu chuẩn lý lịch, khám sức khỏe tổng quát rất kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, nếu sang được nước thứ 3 thì công việc cũng rất vất vả, chi phí sinh hoạt cao nên không còn tiền để gửi về cho thân nhân, cuộc sống cô đơn nơi đất khách.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai khẳng định: Đối với những người có thân nhân ở Thái Lan nên vận động người thân hồi hương, chính quyền và lực lượng công an sẽ không xử lý. Đồng thời, hỗ trợ các điều kiện để làm ăn kinh tế, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối với hành vi tham gia hoạt động lừa đảo, lôi kéo, tổ chức người DTTS xuất cảnh trái phép là vi phạm quy định pháp luật sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm theo quy định.

Bài cuối: Tiếp tục xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm