Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 2: Không đâu bằng quê hương của mình

Minh Tân - Vũ Linh

Thứ hai, 29/07/2024 - 16:03

(Thanh tra) - Bằng những lời động viên cũng như giải thích về chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, những người dân đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan càng hiểu rõ hơn ai hết: Không đâu bằng quê hương của mình. Chỉ có quê hương mới đem lại cho họ sự yên bình, hạnh phúc và ấm no. Điều ấy đã đưa họ trở lại quê hương trong vòng tay rộng mở của người thân, chính quyền địa phương.

Những người dân là đồng bào DTTS ở 4-6 người trong những căn phòng trọ chật chội chỉ khoảng 20m2 trên đất Thái Lan. Ảnh: Công an cung cấp

Giữa tháng 3/2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến công tác sang Thái Lan để gặp gỡ những bà con người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan.

Số phận những “lao động chui”

Nonthaburi là nơi tập trung của những người đồng bào DTTS Tây Nguyên cư trú bất hợp pháp, chủ yếu là người Bahnar, Jrai, Ê Đê. Đa phần những người này đã nghe theo lời dụ dỗ, lôi kéo và vượt biên trái phép theo các đường tiểu ngạch qua Campuchia đến đất Thái Lan.

Không học vấn, không biết tiếng nên họ chỉ sống tạm bợ tại các khu trọ thiếu thốn, căn phòng chỉ khoảng 20m2 nhưng luôn phải chứa 4 - 6 người. Để có cái ăn, trả tiền trọ họ chỉ biết làm những công việc như quét rác, nhặt ve chai, phụ hồ với đồng tiền công rẻ mạt với khoảng 200-300 Baht, tương đương khoảng 140.000 - 210.000 đồng mỗi người/ngày. Thế nhưng, trừ đi số tiền thuê trọ, chi phí sinh hoạt khác thì cảnh thiếu ăn luôn diễn ra.

Không việc làm ổn định, không nhà cửa, họ mới hiểu rằng: Không có một giấc mộng giàu sang nào như lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo và núp bóng sau là số đối tượng phản động, FULRO lưu vong ở nước ngoài. Đối diện với họ là những khổ cực, tủi nhục nơi xứ người. Nỗi ao ước miếng cơm lúa rẫy mình trồng, thèm tắm ở con suối của bản làng, thèm nhìn những cánh rừng bạt ngàn ở quê hương... trở nên xa vời.

Họ thường xuyên đối mặt với việc bị bóc lột sức lao động với đồng tiền công rẻ mạt bởi toàn bộ là “lao động chui”, không giấy tờ hợp pháp. Chưa kể, việc chăm lo y tế, đau ốm gần như họ không dám đến bệnh viện vì sợ cơ quan chức năng Thái Lan bắt giữ.

Người phụ nữ này mòn mỏi trên đất Thái Lan chờ định cư ở nước thứ 3 suốt 10 năm qua nhưng chưa hề có tia hy vọng nào. Ảnh: Công an cung cấp

Không chỉ lời dụ dỗ về một cuộc sống giàu sau, “việc nhẹ, lương cao” mà các đối tượng xấu còn dụ dỗ, lôi kéo người dân về việc được bảo lãnh đi nước thứ 3, nguy hại hơn, một số người dân đồng bào DTTS vượt biên trái phép sang Thái Lan thường đưa ra trong các buổi phỏng vấn xét duyệt hồ sơ của UNHCR là bị đàn áp, bắt bớ và không có tự do, tín ngưỡng tôn giáo. Thực tế, đó chỉ là những ngụy biện không đúng sự thật nhằm che đậy động cơ, mục đích ý đồ cơ hội đi định cư ở nước thứ 3.

Một số người vẫn nuôi ảo mộng về việc chờ đợi để được đi định cư ở nước thứ 3 dù chưa từng thấy một tia hy vọng nào đành phó mặc số phận mình long đong ở đất Thái. Đáng lo ngại hơn, nhiều trường hợp trẻ nhỏ theo chân cha mẹ đến đất khách quê người ở trong các phòng chật hẹp phải chịu cảnh thiếu thốn. Bữa cơm của những đứa trẻ đang lớn còn dang dở chứ chưa nói đến chuyện học hành.

Luôn dang rộng vòng tay

Theo Công an tỉnh Gia Lai, qua rà soát, đến nay có hơn 500 người đồng bào DTTS ở tỉnh Gia Lai xuất cảnh trái phép và lẩn trốn tại Thái Lan. Đa số, những người này đang sinh sống tại các huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan. Họ đang đối diện với đời sống khó khăn, ở nhà trọ, làm thuê không ổn định, như: Phụ hồ, dọn dẹp vệ sinh, bán hàng… nhưng vẫn tìm cách ở lại Thái Lan để mong chờ được đi nước thứ 3.

Tại chuyến công tác, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con và khẳng định rằng những ai có nhu cầu trở về Việt Nam thì Đảng, Nhà nước và đồng bào quê hương sẵn sàng bảo lãnh, hỗ trợ. Đồng thời, khẳng định rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng tự do dân chủ nhân quyền luôn quan tâm phát triển đời sống của người DTTS.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cùng thăm hỏi, động viên đồng bào DTTS đang cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan. Ảnh: Vũ Linh

Trò chuyện với bà con, Thiếu tướng Rah Lan Lâm bộc bạch: “Việt Nam, Chính phủ Việt Nam tham gia về nhân quyền quốc tế hai nhiệm kỳ của Liên hợp quốc, thế nên là ai nói Việt Nam không có nhân quyền là người ta nói bậy. Bây giờ bạn cứ về đi, ví dụ Lâm đây, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai sẽ bảo lãnh, bảo hộ cho chị và gia đình và các DTTS ở đây. Những bà con nguyện vọng quay về, tôi trực tiếp bảo lãnh về còn có thể cho tiền ăn, tiền xe để đi về quê hương của mình”.

Những lời động viên, chia sẻ của Thiếu tướng Rah Lan Lâm đã làm cho bà con vững tin hơn việc trở về quê hương. Trái ngược với nỗi lòng của người dân, một số đối tượng trong các tổ chức phản động đã xuyên tạc rằng đoàn công tác sang yêu cầu bà con về nước, tới đây chuẩn bị cho một cuộc bắt bớ, xử lý những người hồi hương nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thế nhưng, với những thực tế diễn ra cũng như những video của đoàn công tác Bộ Công an tại Thái Lan đã làm những người từng lầm lỡ vượt biên sang Thái Lan hiểu rõ và kịch liệt lên án, lật tẩy những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động.

Lực lượng Công an huyện Chư Pưh động viên, hỗ trợ trường hợp Rơ Châm Ty vừa hồi hương vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Minh Tân

Đặc biệt, sau chuyến công tác đó của Bộ Công an cũng như những lời trò chuyện, cam kết của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, bà con đã trở về với quê hương, với bản làng của mình. Trở về địa phương, những người lầm lỡ được bà con, chính quyền địa phương dang tay rộng mở giúp họ tháo bỏ mặc cảm, tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Rơ Châm Ty (43 tuổi) trú tại làng Bê Tel, xã Ia Roòng, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai vừa trở về quê hương vào tháng 4/2024 sau hơn 1 năm vượt biên sang Thái Lan, tâm sự: “Tháng 3, lúc đó bác Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai qua động viên, kêu gọi bà con anh em ruột thịt của người Việt Nam chúng ta là quay về quê hương. Lúc đó mình mừng lắm quyết tâm về với vợ con, gia đình. Về đây được rồi, mình được các anh công an động viên, giúp đỡ rất nhiều. Giờ mình hiểu ra rằng, không đâu bằng quê hương của mình cả”.

Bài 3: Nhận diện thủ đoạn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm