Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 1: Những người trở về từ đất Thái

Minh Tân - Vũ Linh

Thứ hai, 29/07/2024 - 09:53

(Thanh tra) - Nhẹ dạ, nông nổi nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng phản động lưu vong về một cuộc sống ở nước ngoài đầy đủ, sung sướng mà không cần lao động vất vả... nhiều người dân ở Tây Nguyên rời xa buôn làng, gia đình trốn sang Campuchia, Thái Lan. Thế nhưng, đổi lại là những ngày tháng khổ cực, sống tủi nhục, ốm đau và thiếu thốn nơi xứ người.

Đinh Mah trở về với nương rẫy, với gia đình, với vòng tay dang rộng của bà con, chính quyền địa phương. Ảnh: Minh Tân

Nỗi ân hận của Mah

3 tháng qua, trở lại quê hương sau hơn 1 năm lưu lạc ở đất Thái, Đinh Mah (46 tuổi, trú tại làng Puih Jri, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trầm lặng hẳn đi, phần xấu hổ với dân làng, phần ân hận với những gì mà mình đã làm khi vượt biên trái phép sang đất Thái Lan.

Trong căn nhà thiếu vắng bàn tay người trụ cột gia đình đã lâu, không có gì đáng giá vì số tiền tích cóp bấy lâu nay đã bị Mah bán đi để lấy tiền nộp cho các đối tượng đưa người vượt biên trái phép. Mah kể lại những ngày tháng sai lầm lớn nhất trong cuộc đời: “Mình nghe họ lừa qua Thái Lan làm việc nhẹ mà lương lại cao, cuộc sống sung sướng, thế nhưng qua đó mới biết mọi thứ không như chúng nói”. Có lẽ nỗi ân hận lớn nhất của Mah hiện lên trong từng lời nói khi đứa con út mới 4 tuổi đã bị bệnh qua đời trong thời gian Mah lưu lạc trên đất Thái.

Rưng rưng nỗi buồn vì sai lầm của mình, Mah kể tiếp: Một buổi tối đầu tháng 3 năm 2023, tôi mang theo toàn bộ số tiền tích cóp của gia đình chục năm nay rồi cùng với 3 người đàn ông khác trong làng, gồm: Đinh Phúc (55 tuổi), Đinh Gan (46 tuổi) và Đinh Găm (48 tuổi, anh ruột của Gan), cùng trú tại làng Puih Jri rời khỏi buôn làng. Đêm đó, 4 người đàn ông lớn tuổi, chưa bao giờ đi xa lại âm thầm đón xe vào TP Hồ Chí Minh - nơi các đối tượng trong đường dây đưa người vượt biên trái phép chờ sẵn.

Niềm vui trở về với quê hương, với vợ, con đã hiện lên trong nụ cười của Đinh Mah. Ảnh: Minh Tân

Sau khi phải nộp 25 triệu đồng/người cho đối tượng môi giới tại một nhà trọ, 4 người trải qua nhiều chuyến xe, thuyền… qua các đường tiểu ngạch họ được đưa đến đất Thái Lan. Đến nơi, Mah với 3 người cùng làng được thả tại một phòng trọ chật chội tại huyện Băng Yai, Bangkok. Qua đến ngày thứ 2, mình biết bị lừa rồi. Họ thả mấy anh em mình ở nhà trọ rồi coi như xong chuyện, trong khi đó tiền trọ, tiền ăn, sinh hoạt mình phải tự lo hết. Không có việc làm luôn chứ đừng nói việc nhẹ, lương cao như bọn lừa mình rêu rao.

Ngừng một chút Mah kể tiếp: "Không biết tiếng, không học vấn, không công việc, Mah cũng tiêu dần hết số tiền mà mình mang theo. 5 tháng trời, không biết làm gì, chỉ ở trong khu nhà trọ thôi, không dám đi ra ngoài. Ra ngoài sợ cơ quan chức năng bên đó họ bắt vì mình đi trái phép mà. Ăn thì bữa đói, bữa no và nhờ vào hỗ trợ của các tổ chức từ thiện. Lúc đó, muốn về lại làng Puih Jri rồi mà không biết hỏi ai, không biết tiếng Thái Lan mà”.

Ở chung phòng trọ với Mah, còn có Đinh Phúc, Đinh Gan, Đinh Găm trong tình trạng tương tự. Thế nhưng, Đinh Phúc tập tễnh với cái chân bị đau, Đinh Găm sức khỏe yếu nên hầu như chỉ quanh quẩn bên bốn bức tường kín, không dám đi ra ngoài chứ đừng nói đi tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, không hề có ai thăm hỏi hay giới thiệu việc làm với số thu nhập lớn như lời rêu rao của các đối tượng xấu.

Trở về với làng Puih Jri

Không chỉ dụ dỗ bà con bằng chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”, các đối tượng lừa đảo đưa bà con vượt biên trái phép bằng việc hù dọa, xúi giục những người dân địa phương trước đây từng theo “Tin lành Degar”. “Họ nói với mình sang đó sẽ có người nuôi, cuộc sống sung sướng mà không phải làm gì vất vả. Nếu ở lại Việt Nam thì phải trốn, không thì công an bắt. Nhiều người trốn rồi nên mình cũng trốn thôi”, Đinh Gan lý giải về lý do trốn sang Thái Lan của mình.

Thế nên, Đinh Gan cùng anh ruột là Đinh Găm, Đinh Phúc, Đinh Mah âm thầm, không một lời nào với gia đình rồi cứ thế trốn đi. Đến đất Thái Lan, cả 4 người đàn ông mới vỡ lẽ rơi vào cạm bẫy của kẻ lừa đảo. Lúc tỉnh ngộ ra, tìm cách về Việt Nam thì họ mới hiểu rõ không hề có chuyện bắt bớ như những kẻ lừa đảo đã xuyên tạc.

Trong khi đó, ở làng Puih Jri, Đinh Phúc và Đinh Gan thuộc gia đình hộ có của ăn, của để hơn cả. Đinh Phúc có hơn 1ha rẫy cà phê. “Tại cái đầu mình ngắn quá! Lúc đó có nghĩ gì được đâu, nghe vậy thì cứ tin theo thôi rồi kéo nhau đi mà không hề biết mình bị lừa. Trong khi đó, vợ, con, ruộng rẫy thiếu bàn tay mình chăm sóc nên xơ xác cả đi”, Đinh Gan bần thần nói.

Quyết tâm tìm về quê hương, về lại với gia đình, Đinh Gan, Đinh Mah học thêm vài tiếng Thái rồi lân la tìm cách kiếm mọi việc làm, từ phụ hồ đến cắt cây, tỉa cành, nhặt ve chai. Thế nhưng, số tiền kiếm được cũng không đáng bao nhiêu khi vừa chỉ trả tiền ăn, tiền trọ và nuôi thêm cả Đinh Phúc, Đinh Găm khi cả 2 không thể lao động. “Cơm không có cơm ngon như ở nhà đâu, anh em mình toàn phải mua gạo cứng để ăn. Đi nhặt thêm ve chai, lúc nhịn ăn, lúc ăn rau trừ bữa nhằm tích cóp tiền để về”, Đinh Gan kể.

Đinh Phúc, Đinh Găm và Đinh Gan (từ trái qua) vui mừng trở về làng Puih Jri. Ảnh: Minh Tân

Tháng 3/2024, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam sang Thái Lan động viên những người dân đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú bất hợp pháp trên đất Thái. Nghe những lời động viên, thăm hỏi cũng như giải thích về các chính sách của Đảng và Nhà nước đã càng thôi thúc thêm sự tin tưởng của 4 người đàn ông trở về với buôn làng.

Hơn 1 năm trốn sang đất Thái, đến tháng 4/2024, họ trở về trong niềm vui mừng của gia đình, của dân làng. “Về Việt Nam rồi có ai bắt bớ gì đâu, chính quyền còn thăm hỏi, động viên thường xuyên nữa. Ở bên đó cuộc sống cực khổ lắm, mình đi chui mà, không có giấy tờ gì cả, đến ốm đau còn không dám đi chữa bệnh nữa. Không nơi nào bằng quê hương của mình đâu!”, Đinh Gan tâm sự.

Trở về với nương rẫy, với gia đình, với vòng tay dang rộng của bà con, chính quyền địa phương, cả 4 mới nhận ra không đâu bình yên và hạnh phúc bằng quê nhà. Ở đây, với các chính sách hỗ trợ, quan tâm của Đảng, Nhà nước và cùng với bàn tay lao động chăm chỉ, họ có được cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Thế nhưng, không may mắn và đủ nhận thức như họ, ở đâu đó trên đất Thái Lan vẫn còn những người dân đồng bào dân tộc thiểu số mê muội nghe theo lời xúi giục, rời bỏ quê hương. Đổi lại, họ phải đối mặt với những nghịch cảnh đau ốm, thiếu thốn, xa gia đình, vợ con, không được chăm sóc về y tế, giáo dục… mỏng manh phận đời nơi xứ người.

Bài 2: Không đâu bằng quê hương của mình

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm