Đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt 

Báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, 5 năm qua (2015 – 2020), Hội đã thể hiện được vai trò trong nhiều hoạt động. Bảo vệ quyền lợi hội viên với việc kiến nghị bộ đề xuất với Chính phủ xem xét nâng mức quy đổi giá trị giải thưởng Cánh diều Vàng từ ½ lên mức 2/3 giá trị giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim quốc gia, để nghệ sĩ đỡ thiệt thòi khi xét tặng danh hiệu nghề nghiệp...

Đặc biệt, Hội hoạt động mạnh mẽ trong sáng tác và hỗ trợ sáng tác, trong có việc mở nhiều trại sáng tác, trại tập huấn nghề nghiệp có hiệu quả cao. Từ 2015 đến tháng 7/2020, Hội đã đầu tư cho 1.313 kịch bản ở các thể loại với tổng số tiền đầu tư là 15,526 tỉ đồng.

Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam. Nhà sản xuất tư nhân tập chung khai thác những đề tài thuần giải trí, đậm tính thương mại, chủ yếu phục vụ thanh, thiếu niên đô thị. Hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh.

Điện ảnh đang thiếu những bộ phim giáo dục lòng yêu nước tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức doanh nghiệp tự chủ. Do mất dần đi sự hỗ trợ của Nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội…

Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiến hành. Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ. Hệ thống phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các công ty trong nước chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần.

Điểm sáng là điện ảnh đã có nhiều đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt là đối với dòng phim tài liệu, phim khoa học.

Đại hội đã đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IX (2020-2025) là: Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển với mục tiêu xây dựng Điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Điện ảnh Việt Nam đóng góp phát triển văn hóa, con người

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh, phát triển không ngừng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã hội. Nghị quyết số 33-NQ/TW (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển  văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, cùng nhiều văn kiện, chiến lược của Đảng, Nhà nước đã nhất quán xác định vai trò quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, cũng như quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới.

“Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định hệ thống các giải pháp quan trọng nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có uy tín quốc tế với ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Khẳng định, nhiệm kỳ tới của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng là giai đoạn tổng kết 50 năm chặng đường văn học nghệ thuật Việt Nam từ khi đất nước thống nhất, 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương, Phó Thủ tướng hy vọng, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung và rộng hơn là phát triển đất nước. Hội Điện ảnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục là cầu nối không thể thiếu với các hội, tổ chức và với cộng đồng điện ảnh quốc tế.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cấp chính quyền, địa phương quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để Hội Điện ảnh, ngành Điện ảnh hoàn thành sứ mệnh cao cả; để các nghệ sỹ điện ảnh, phim truyền hình nói riêng bằng tài năng, trách nhiệm, tình yêu nghệ thuật sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao, góp phần quan trọng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đại hội đã bầu ra 15 thành viên Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ khóa IX. Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội tới khi Ban Chấp hành khóa mới bầu ra người kế nhiệm.

Nguyễn Điểm