Vấn đề này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt ra tại cuộc họp nghe báo cáo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch), ngày 9/4.

Xóa dự án chậm triển khai, xây dựng 5 vùng đô thị

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, Dự thảo Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 10,5 triệu người; tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 8,5-9,5%/ năm; GRDP bình quân/người khoảng 13.500-14.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa từ 65-70%...

Đến năm 2050, quy mô dân số thường trú ở Hà Nội khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 45.000 USD-46.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.

Ông Tuấn cho hay, Quy hoạch nêu một số nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển.

Trong đó, với giao thông, phát triển đô thị, nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển hạ tầng giao thông công cộng, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc; cải tạo các khu chung cư cũ.

Các khu phố cổ, phố cũ được bảo tồn, chỉnh trang nhằm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển du lịch; khai thác không gian ngầm; xóa bỏ tình trạng dự án chậm triển khai; xây dựng mô hình “phố trong làng” cùng một số không gian văn hóa nông thôn mang đậm nét đặc sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; khai thác tiềm năng sông Hồng…

Quy hoạch cũng nêu rõ yêu cầu cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; phát triển dịch vụ logistics và các hệ thống phân phối.

Cạnh đó, phát triển kinh tế đô thị gắn với khai thác các không gian: Trên cao, văn hóa - sáng tạo, không gian ngầm, không gian số, công cộng…

Các khâu đột phá phát triển tập trung vào: thể chế và quản trị; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đô thị, môi trường và cảnh quan; sắp xếp, phân bố không gian phát triển.

Đáng chú ý, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị.

Thủ đô Hà Nội sẽ có vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Đánh giá kỹ "TP trong rừng", tránh để "phố cổ là phố cũ"

Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần có sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội; giải quyết tốt mối quan hệ với các quy hoạch chuyên ngành về đất đai, giao thông, cây xanh, nông nghiệp, thuỷ lợi, văn hoá, giáo dục…

Theo đó, Hà Nội cần đánh giá kỹ lưỡng, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới như trong TP có rừng, TP trong rừng; xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hoá, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường…

Lãnh đạo Chính phủ cũng mong muốn Quy hoạch sẽ tái hiện được một Hà Nội nghìn năm văn hiến, gắn với những con sông, nhất là sông Hồng và cảnh buôn bán tấp nập trên bến, dưới thuyền.

Từ đó, đặt ra yêu cầu cải tạo, chỉnh trị và trả lại cho các con sông những chức năng như trước đây như là không gian mặt nước, thoát nước, thoát lũ, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, vui chơi, giải trí.

Quy hoạch chung Hà Nội cũng phải giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, hạ tầng văn hóa xã hội quá tải, tỷ lệ cây xanh, mặt nước không đạt yêu cầu.

Nếu không giải quyết được các tồn tại, bất cập Hà Nội sẽ không thể “vươn xa, vươn cao”, theo Phó Thủ tướng.

Về chỉnh trang đô thị, Phó Thủ tướng quán triệt Hà Nội cần quy hoạch, sắp xếp lại, trong đó có khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng cơ quan hành chính nằm lẫn trong khu dân cư, thương mại, dịch vụ; tránh để phố cổ là phố cũ.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cần là một bộ phận của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, điểm khởi nguồn, kết nối, trải nghiệm và lan tỏa không gian văn hóa sông Hồng, cùng với các địa phương trong vùng, như một câu chuyện về dòng chảy văn hóa, lịch sử, di sản, bản sắc, tư liệu…

Hương Giang