Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” diễn ra sáng nay 18/9.

Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế còn rất nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời, kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả tích cực, quan trọng.

“Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nhờ phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%.

Trong tháng 8/2022, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% năm 2022, mức cao nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình dương.

Đến đầu tháng 9//2022, tổ chức này nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s “nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay”.

Dù vậy, việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.

Ông phân tích, thách thức đầu tiên đến từ bên ngoài, khi rủi ro do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính thế giới sẽ tác động tới khả năng phục hồi, nhất là với những ngày thiếu nguyên liệu, phụ kiện do gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Cùng đó là nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực ở mức cao…

Trong nước, một số cấu phần của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế triển khai còn chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu, nhất là giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, hỗ trợ lãi suất qua ngân hàng thương mại.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Đầu tư cơ sở hạ tầng, quy mô 113.000 tỷ đồng, vốn kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, nhưng chậm, khó khăn trong chuẩn bị đầu tư.

Giải ngân đầu tư công cũng chậm và vẫn là điểm nghẽn, đến hết tháng 8 mới chỉ đạt 39,2%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giải ngân ODA chỉ mới đạt 15% so với kế hoạch.

Lạm phát tăng chậm lại song vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng trở lại khi kinh tế trở lại bình thường. Giá năng lượng cao, chi phí vận tải… khiến giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng, gây thêm áp lực lạm phát.

Nợ xấu tiềm ẩn, xử lý các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại hệ thống tài chính - ngân hàng còn nhiều thách thức, khó khăn. Thị trường tiền tệ, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…). Thị trường bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, phát triển thiếu lành mạnh, bền vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn.

“Ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố “bất biến” để ứng phó với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế”, ông Huệ nói.

Ông đề nghị các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế phân tích, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới và những tác động, cơ hội với kinh tế vĩ mô, dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; đề xuất các chính sách cũng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực

Tại phiên khai mạc, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu có thể giảm tốc do suy giảm kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính, nhất là ba nền kinh tế lớn - Mỹ, EU và Trung Quốc.

Tỷ giá Việt Nam đồng so với đồng đô-la đang chịu nhiều sức ép do xuất khẩu có thể giảm tốc. Lãi suất trong nước cũng có thể sẽ tăng lên trước áp lực tăng lãi suất trên toàn cầu.

leftcenterrightdel
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng 

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hệ luỵ dây chuyền. “Vốn đầu tư công lại có vai trò rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và các dòng vốn đầu tư tư nhân”, ông Thắng nói.

Phân tích rõ hơn, ông Thắng nhìn nhận, giải ngân vốn đầu tư công liên tục chậm là câu chuyện “dài nhiều kỳ” về sự lãng phí, có tiền mà không tiêu được.

Nguyên nhân quan trọng là chưa tháo gỡ được các nút thắt về cơ chế, chính sách, nhất là các thủ tục về giải phóng mặt bằng, đấu thầu, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực thật sự và sự thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm… trong việc triển khai các dự án lớn.

Hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều rủi ro bởi thiếu vắng sự giám sát an toàn hệ thống, về sở hữu chéo, giao dịch thiếu lành mạnh, thậm chí vi phạm luật pháp…

Lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại những bất cập liên quan đến các quy định về xác định giá đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án…

“Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô không chỉ nằm ở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hay quản lý, điều tiết giá cả mà còn nằm ở việc tháo gỡ những điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, các doanh nghiệp tự tin đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư, khơi thông dòng chảy trên thị trường và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội”, ông Thắng khái quát.

Từ đó, ông Thắng cho rằng, cần tiếp tục cải cách thể chế; cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra một không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, ưu tiên tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển Thủ đô Hà Nội và TP HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước gắn liền với các vùng xung quanh như: Vùng Thủ đô Hà Nội - Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ - Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng TP HCM - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ.

Cạnh đó, chú trọng một số đột phá phát triển như các tuyến hành lang kinh tế dọc các trục giao thông, tuyến cao tốc, các khu kinh tế cửa khẩu…

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 sẽ có hai phiên thảo luận chuyên đề và một phiên toàn thể.

Phiên 1 bàn luận về đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở phiên 2, các chuyên gia sẽ thảo luận, tìm giải pháp thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Phiên toàn thể và toạ đàm cấp cao sẽ bàn luận về củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền 

 

Hương Giang