Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dùng “mức tham chiếu” thay lương cơ sở để đóng BHXH từ 1/7 sẽ khó áp dụng

Hương Giang

Thứ hai, 27/05/2024 - 12:13

(Thanh tra) - Nhận định dùng “mức tham chiếu” thay lương cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 1/7 sẽ khó áp dụng, đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thông qua Luật BHXH sửa đổi trước khi có bảng lương mới.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh để tính mức đóng - hưởng chế độ BHXH, cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 7, Quốc hội dành trọn 1 ngày (27/5) để thảo luận Dự thảo Luật BHXH sửa đổi ở hội trường. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 11 chương và 147 điều, tăng 11 điều mới.

Đây là một dự án luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, mang tính xã hội cao và đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến.

Cả 2 phương án hưởng BHXH một lần đều “chưa tối ưu”

Đề cập đến điều kiện hưởng BHXH một lần, đại biểu Thu thấy, 2 phương án dự thảo luật đưa ra “chưa phải là phương án tối ưu”.

Theo dự thảo luật, phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Nhận định 2 phương án đưa ra “chưa giải quyết được triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao”, bà Thu dẫn báo cáo của BHXH Việt Nam, dự báo với đà tăng hiện nay, đến năm 2024 có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH một lần, cao nhất từ trước đến nay. Điều này, có nghĩa, hàng triệu người lao động ra khỏi lưới an sinh và không được đảm bảo cuộc sống sau này.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình). Ảnh: P.Thắng

Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH, đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, bà Thu cho rằng, phương án 1 cơ bản đảm bảo tính kế thừa quy định hiện hành, không gây xáo trộn trong xã hội và hạn chế được tình trạng một số bộ phận người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần.

Cạnh đó, về lâu dài, người tham gia mới không còn được hưởng BHXH một lần, góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống BHXH, giảm gánh nặng cho cả xã hội.

Nếu Quốc hội chọn phương án 1, đại biểu Thu nhấn mạnh cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và lương hưu khi về già.

“Khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm”, bà Thu lưu ý.

Không chọn phương án 2, nhưng với phương án 1, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn vì những người đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực sẽ không còn lựa chọn hưởng BHXH một lần.

“Trong khi chưa có chính sách chăm lo hữu hiệu, người lao động vẫn mong muốn rút BHXH một lần để lo cho những bức thiết của cuộc sống. Khi bản thân và gia đình người lao động ốm đau, phải nhắm mắt vay tín dụng đen, cần cân nhắc việc không cho họ được quyền lựa chọn rút BHXH một lần”, bà Hạnh nêu quan điểm.

Vì chưa có phương án tối ưu, bà Hạnh đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh sự xáo trộn.

Đồng thời, bà đề xuất một chính sách có thể hạn chế người lao động rút BHXH một lần, đó là giao BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp và mức vay, mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút BHXH một lần. Trường hợp này, sổ BHXH như một sự đảm bảo khoản vay của người lao động nên thủ tục phải hết sức đơn giản, không phải chứng minh tài sản và thu nhập.

Trường hợp người lao động không đồng ý vay, nên cho người lao động rút BHXH một lần, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh.

Đề nghị lùi thông qua Luật BHXH sửa đổi

Vấn đề nữa, khi thực hiện cải cách tiền lương, từ sau 1/7, sẽ không còn “mức lương cơ sở” để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu và tính hưởng một số chế độ BHXH.

Quốc hội dành trọn 1 ngày (27/5) để thảo luận Dự thảo Luật BHXH sửa đổi ở hội trường. Ảnh: P.Thắng

Vì vậy, Chính phủ đề xuất mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương đóng BHXH. Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ BHXH.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 76) và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (Điều 77).

Với các quy định này, theo đại biểu Thu, chưa đánh giá tác động đầy đủ. Bởi, bên cạnh việc đóng BHXH của các đối tượng đang thụ hưởng ngân sách Nhà nước, còn có các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động tự chủ.

“Việc điều chỉnh mức lương cơ sở này chưa có căn cứ để các đơn vị sự nghiệp tự chủ có thể áp dụng. Trong khi, giá dịch vụ của giá dịch vụ y tế, học phí chưa được điều chỉnh cho phù hợp với các luật hiện hành đã ban hành, cũng như dự kiến của Luật BHXH”, bà Thu phân tích.

Từ đó, bà Thu đề nghị xem xét lùi thông qua dự luật này từ kỳ họp 7 sang kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá tác động thực tế của các chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách BHXH, cũng như các dự án luật liên quan.

Luật chỉ nên ban hành khi đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động trên cơ sở nguyên tắc đóng - hưởng, tăng trưởng quỹ BHXH trong dài hạn, đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.

Chung mối quan tâm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhấn mạnh để tính mức đóng - hưởng chế độ BHXH, cần một mức tiền lương cố định làm cơ sở tính toán. “Mức tham chiếu là chỉ sự thay đổi, sẽ khó áp dụng hay xác định dự toán kế hoạch về BHXH trung hạn”, bà Thơ nói.

Cạnh đó, đại biểu băn khoăn khi chưa rõ nguyên tắc xác định mức tham chiếu và việc xây dựng mức tham chiếu được thực hiện như thế nào.

“Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm để tính mức hưởng BHXH là vấn đề quan trọng được các đối tượng tham gia quan tâm trước tiên. Một khi cơ sở tính toán chưa có thì việc triển khai BHXH liệu có khả thi?”, đại biểu Thơ đặt vấn đề và đề nghị cân nhắc việc Luật BHXH được thông qua trước khi có bảng lương do Nhà nước ban hành.

Về thời gian thông qua Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) bày tỏ sự thống nhất, nên thông qua luật này sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm