Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

​Bơm tiền cho nền kinh tế phải “cầm cân” kiểm soát được lạm phát

Hương Giang

Thứ ba, 04/01/2022 - 21:09

(Thanh tra) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tín dụng tăng nhưng phải trong tầm kiểm soát.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Tính toán để kiểm soát được lạm phát

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,58% là cố gắng lớn, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,5-7% còn khoảng cách lớn.

Vì vậy, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này. Theo ông, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tín dụng tăng vì không còn cách nào khác nhưng trong tầm kiểm soát.

“Mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Anh tung tiền ra nhiều nhưng phải tránh tình trạng không cầm cân được khiến lạm phát tăng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhìn nhận gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam so với các nước còn rất nhỏ, Chủ tịch nước cho rằng đây là mức tối thiểu cần thiết, không cần quá lo lạm phát mà không thực hiện hỗ trợ.

Người đứng đầu Nhà nước lưu ý, quá trình thực hiện phải làm sao hỗ trợ “nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí”, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Ông cũng nhấn mạnh cần ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém. Đồng thời có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”.

Kế hoạch huy động vốn phải thật sát

Đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh cần tính toán đến vấn đề lạm phát và để lạm phát trong tầm kiểm soát.

“Khi đẩy mạnh đầu tư công, tất yếu lạm phát sẽ dịch chuyển nhưng báo cáo của Chính phủ không nêu rõ sự lạm phát có thể dịch chuyển ở mức độ nào, không đưa ra được dự báo lạm phát”, ông đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nội dung này.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng quan ngại về vấn đề nợ công, đặc biệt là lạm phát. Theo ông, lạm phát hiện đang ở mức thấp nhưng cũng không thể coi thường bởi một số nước như Mỹ khi tung ra gói hỗ trợ lập tức lạm phát tăng lên.

Trong khi, nợ xấu vẫn đang hiện hữu, nêu không có cách gỡ thì nợ xấu lại trở thành “cục máu đông”. Tiếp đó, chưa tung gói hỗ trợ thì thị trường bất động sản, chứng khoán đã bắt đầu sốt.

Ông Lâm lưu ý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần mặt bằng sản xuất kinh doanh thì phải thuê, chi phí cho mặt bằng cao, ảnh hưởng lớn tới tính hấp dẫn đầu tư.

Ngoài ra, đi cùng với chi tiêu các dự án luôn tiềm ẩn vấn đề tham nhũng, thất thoát lãng phí. Nếu không làm tốt thì gánh nặng thất thoát, lãng phí sẽ “đổ” vào nền kinh tế, và chịu hậu quả là tăng trưởng, hệ số ICOR tăng cao.

Đại biểu Phan Chí Hiếu (Thái Bình) đề nghị, tính toán chi tiết dự kiến quy mô các gói hỗ trợ. Ông ví dụ gói giảm phí, lệ phí, nếu tính toán càng sát, sau này càng dễ thực hiện. Ngược lại, nếu tính không sát, sau này “đội” lên thì rất khó.

Cạnh đó là làm rõ nguồn lực huy động ở đâu. “Theo tôi, kế hoạch huy động vốn phải thật sát. Nếu không huy động kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giải ngân và hiệu quả chương trình”, ông Hiếu góp ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm