Nhiều địa phương rất chậm trong sáp nhập huyện, xã

Bộ trưởng cho hay, đến nay có 54/63 đơn vị nằm trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Theo đó, có 49 đơn vị cấp huyện phải sắp xếp, dự kiến giảm 12-13 huyện. Số cấp xã phải sắp xếp là 1.247, dự kiến giảm 624 đơn vị.

Giai đoạn này, có 4 địa phương có số lượng sắp xếp rất lớn là Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An.

Bà Trà ghi nhận nhiều địa phương làm rất tích cực và hiện có 10 địa phương đã trình đề án lên Bộ Nội vụ để tổ chức thẩm định và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện.

Điển hình, là tỉnh Nam Định rất quyết tâm và sắp xếp rất ổn định, có nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi để giải quyết vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, tài sản dôi dư. Dự kiến, Nam Định giảm 50 xã sau sáp nhập.

Tuy nhiên, một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm chạp, chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong vấn đề này.

Biểu hiện cụ thể là chưa ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo căn cơ, khoa học, chặt chẽ về chính trị, thể hiện quyết tâm cao của địa phương. Trình tự thủ tục cũng rất chậm.

Nếu tính thời gian chỉ còn mấy tháng nhưng nhiều địa phương rất chậm, nếu không nhanh sẽ không kịp thời gian 30/9 phải xong, bà Trà nhấn mạnh.

Về xử lý về tài sản dôi dư sau sáp nhập, Bộ trưởng cho biết đến nay còn tồn đọng khoảng 50% của giai đoạn trước. Đây là tỷ lệ rất lớn.

“Số lượng tài sản, trụ sở dôi dư ở giai đoạn này khoảng 2.700, so với giai đoạn trước là rất lớn. Trong khi đó, số cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư ở giai đoạn này dự kiến 21.700 người”, bà Trà lưu ý đây là số lượng rất lớn, nếu không có giải pháp căn cơ sẽ khó thực hiện.

Cả Trung ương và địa phương đang cố gắng phối hợp chặt chẽ để chủ động phương án ngay từ khi xây dựng đề án, nhằm giải quyết những khó khăn này.

“Tinh thần chung là mong các địa phương tập trung để cố gắng hoàn thành trước 30/9, đảm bảo mục tiêu đưa ra tại nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Né trách nhiệm, sợ sai không dám làm là hành vi vi phạm

Cũng tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước sáng 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội sốt ruột khi tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không có chuyển biến, thậm chí “ngày càng trầm trọng”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận đúng như các đại biểu phản ánh. Theo bà, đến thời điểm này, các văn bản của Đảng, Nhà nước đã rất đầy đủ, mới đây nhất là Quy định 144 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Vừa rồi, Chính phủ cũng đã rà soát và sửa một loạt các nghị định có liên quan, như có các nghị định liên quan đến quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức; gắn với đánh giá xếp loại, xử lý kỷ luật cán bộ công chức, trong đó coi việc né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm là hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý.

Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận hệ thống thể chế có mặt chưa đồng bộ, thống nhất, có những mặt khi tiếp cận còn có cách hiểu khác nhau… dẫn đến khi thực thi công vụ khó khăn, lúng túng.

Thứ hai là, năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật để thực thi các quy định một số nơi chưa tốt.

Thứ ba là, khi siết chặt kỷ cương, kỷ luật, khi xử lý nghiêm khắc, kiên quyết, kiên định và thẳng tay những vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức dẫn đến có một số cán bộ có tâm lý e dè, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

“Nếu như vậy thì không được”, Bộ trưởng nói và lưu ý đến trách nhiệm người đứng đầu. Bởi ở đâu trách nhiệm người đứng đầu tốt thì ở đó phát triển tốt, mọi việc vẫn tốt.

Trước đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật) đề nghị Chính phủ có đánh giá, thống kê sâu hơn về tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, ông Ba cho biết đến hết năm 2023 đã có gần 18.000 cán bộ bị xử lý kỷ luật. Vị đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, đạo đức công vụ như trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc….

Cạnh đó, phải xem đơn vị nào để xảy ra tình trạng này. Trường hợp đơn vị có cán bộ công chức vi phạm phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, thì cán bộ công chức phải giữ gìn sự an toàn, không ai dám làm những việc pháp luật quy định không rõ ràng vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý.

“Việc đánh giá cán bộ né tránh trách nhiệm cần nhìn nhận đầy đủ. Trong đó có việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho rõ ràng không để hậu quả pháp lý xảy ra. Nếu cứ ép cán bộ công chức thực hiện, khi có hậu quả xảy ra thì thế nào?", nữ đại biểu tỉnh Điện Biên nói.

Hương Giang