Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cơ chế đánh giá thực thi Công ước UNCAC cần tiếp tục đổi mới”

Thứ tư, 04/11/2015 - 07:06

(Thanh tra)- Tại hội nghị Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) lần thứ 16 tại Saint Petersburg, Liên bang Nga diễn ra từ ngày 2-6/11/2015, Trưởng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy phát biểu tại hội nghị Quốc gia thành viên UNCAC lần thứ 16. Ảnh: H.G

Kính thưa Ngài Chủ tịch Hội nghị, thưa Hội nghị

Tôi cũng hoàn toàn đồng tình và chia sẻ với Tuyên bố của G77 và Trung Quốc, cũng như một số phát biểu trước của đại diện các khu vực, các Quốc gia. Tham nhũng là một thách thức không chỉ riêng đối với mỗi Quốc gia mà còn đối với tất cả chúng ta trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, xuất hiện ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và như những “tế bào ung thư” có thể làm hủy hoại và suy yếu mọi xã hội. 

Bởi vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, đặc biệt là Mục tiêu 16 trong Chương trình nghị sự về phát triển sau 2015 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm nay, chúng ta cần nỗ lực thu hẹp những khác biệt, chung tay và hiệp lực làm suy yếu, từng bước loại bỏ tệ nạn này ra khỏi xã hội; giảm thiểu và từng bước hạn chế những tác động tiêu cực của tham nhũng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia.

Tại Hội nghị năm nay, Việt Nam trân trọng và ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà, cũng như sự tích cực của các Quốc gia thành viên nhằm đảm bảo sự thành công của Hội nghị. Việt Nam hoan nghênh đề xuất của các nước liên quan đến phòng ngừa, thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế, cũng như Tuyên bố St. Petersburg của nước chủ nhà. Đây là những dấu hiệu đảm bảo cho sự thành công của Hội nghị.

Về phần mình, nhận thức được một cách sâu sắc về tác hại của tham nhũng, Việt Nam luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, và phòng, chống tham nhũng đã trở thành quan tâm chính trị của chúng tôi, đặc biệt, chúng tôi coi việc thực hiện UNCAC, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu với sự tham gia của các thành phần khác nhau trong xã hội. Kết quả đánh giá thực thi Công ước trong Chu trình đầu tiên cho thấy Việt Nam đã có những nỗ lực quan trọng về phòng, chống tham nhũng.

Về phòng ngừa tham nhũng, Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; triển khai các sáng kiến phòng, chống tham nhũng từ cộng đồng; đặc biệt là đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào đào tạo, bồi dưỡng đối với các cấp học từ trung học phổ thông trở lên.

- Về hình sự hóa, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi toàn diện pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự nhằm hướng tới việc quy định các hành vi phạm tội tham nhũng theo yêu cầu của Công ước, đặc biệt là các hành vi tham nhũng trong khu vực tư, hối lộ công chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế công. 

- Về hợp tác quốc tế, bên cạnh việc tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương, Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong các diễn đàn hợp tác đa phương có nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng như khuôn khổ APEC, SEA-PAC, Sáng kiến chống tham nhũng ADB - OECD....

- Về thu hồi tài sản, Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu các cơ chế thu hồi tài sản do phạm tội nói chung và tài sản do phạm tội tham nhũng mà có nói riêng trong quá trình sửa đổi toàn diện pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Đặc biệt, Việt Nam đang rất quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có.

Trong các nỗ lực phòng, chống tham nhũng nêu trên, chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật tích cực của các đối tác như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (Dfid), Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các đối tác khác.

Thưa ngài Chủ tịch, thưa Hội nghị

Trong chu kỳ đầu tiên, Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia chủ động đề nghị được tiến hành đánh giá thực thi Công ước sớm và hoàn thành đúng thời hạn các yêu cầu đặt ra đối với quá trình đánh giá (giai đoạn 2011 - 2012). Đồng thời, Việt Nam cũng tích cực tham gia hoạt động đánh giá thực thi Công ước đối với các quốc gia thành viên khác như đối với Cộng hòa Áo, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (trong giai đoạn 2012 – 2015) và đang tiếp tục đánh giá Cộng hòa Công Gô. 

Dù là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn coi việc đánh giá vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là cơ hội để trao đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.

Căn cứ vào những kết quả bước đầu đạt được trong Chu trình đánh giá đầu tiên, chúng ta có thể tin tưởng khẳng định rằng, Công ước và Cơ chế đánh giá thực thi Công ước là thành tố quan trọng và thiết yếu, góp phần tạo ra được những chuyển biến tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của các quốc gia ở phạm vi toàn cầu, vì vậy, cần được tiếp tục ghi nhận, cam kết và thúc đẩy thực hiện bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau, phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia, mang tính sáng tạo, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng, cơ chế đánh giá Công ước hiện nay theo Nghị quyết 3/1 nhìn chung là phù hợp. Dù ở vai trò là Quốc gia được đánh giá hoặc Quốc gia đi đánh giá, cơ chế đánh giá đều mang lại những lợi ích to lớn đối với Quốc gia thành viên như tạo cơ hội tiến hành rà soát tổng thể các nỗ lực phòng, chống tham nhũng của mình, nhận diện thực trạng tham nhũng và đưa ra các giải pháp phòng, chống phù hợp; thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm tốt về phòng, chống tham nhũng; qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác quốc tế giữa các Quốc gia thành viên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng. 

Như vậy, cơ chế đánh giá cần được coi là một trong những trụ cột chính, quan trọng nhất, tạo sự kết nối, thúc đẩy và điều phối quá trình hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong khuôn khổ Công ước nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung. Vì vậy, các Quốc gia thành viên cần tuân thủ chặt chẽ Nghị quyết 3/1 về cơ chế đánh giá mà Hội nghị đã thông qua để tránh phương hại đến những đồng thuận đã đạt được.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm cho rằng, cơ chế đánh giá thực thi Công ước cần được tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hơn nữa để trở thành một công cụ đơn giản, hiệu quả và thiết thực trong việc đánh giá thực trạng phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác thực chất hơn trong phòng, chống tham nhũng ở phạm vi toàn cầu. 

Chúng tôi tin tưởng rằng tại Hội nghị lần này, chúng ta sẽ thảo luận đi đến thống nhất và thu hẹp dần những khác biệt lớn, để cơ chế đánh giá thực sự trở thành phương thức giúp các Quốc gia thành viên cùng nhau thể hiện cam kết, thống nhất trong hành động và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác về phòng, chống tham nhũng nói chung và thực thi có hiệu quả Công ước nói riêng.

Trên tinh thần đó, chúng tôi tin tưởng rằng, các Quốc gia thành viên sẽ thảo luận sôi nổi, hiệu quả và mang tính xây dựng trong những ngày tới tại Saint Petersburg và sẽ thống nhất cao về chu trình đánh giá thứ hai để Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để chúng ta cùng tiếp tục hợp tác và thực hiện có hiệu quả những cam kết trong khuôn khổ Công ước, đặc biệt là khi triển khai Chu trình đánh giá tiếp theo đối với Chương 2 về phòng ngừa tham nhũng và Chương V về Thu hồi tài sản.

Một lần nữa, xin chúc mừng Ngài Chủ tịch và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ngài trên cương vị Chủ tịch. Chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự điều hành và dẫn dắt của Ngài trong các phiên hội nghị và thảo luận, Hội nghị của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa bế mạc Kỳ họp 24 HĐND tỉnh khóa XVIII

Thanh Hóa bế mạc Kỳ họp 24 HĐND tỉnh khóa XVIII

(Thanh tra) - Sáng 14/12, tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm; đồng thời, báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2025.

13:30 14/12/2024
Nghệ An: Sắp xếp “tinh gọn” bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả

Nghệ An: Sắp xếp “tinh gọn” bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả

(Thanh tra) - Tỉnh Nghệ An xác định thực hiện nghiêm chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm sự thống nhất quản lý theo ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương; đồng thời từ thực tiễn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, để sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Văn Thanh

08:28 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm