Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mong các thành viên UNCAC thống nhất hành động kiểm soát tham nhũng

Thứ hai, 02/11/2015 - 12:55

(Thanh tra) - Hôm nay (2/11), Hội nghị Các quốc gia thành viên Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) Kỳ họp thứ 6 khai mạc tại Nga. Trả lời phỏng vấn của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy cho biết, Việt Nam mong muốn các quốc gia sẽ đạt được đồng thuận cơ bản có liên quan đến UNCAC, nhất là cùng chia sẻ quan điểm, chung cam kết và thống nhất hành động nhằm kiểm soát có hiệu quả tham nhũng.

Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Lê Thị Thủy. Ảnh: HG

+ Xin bà cho biết, Việt Nam đã có kế hoạch để tiếp tục thực hiện các khuyến nghị được rút ra từ chu trình thứ nhất đánh giá thực thi UNCAC chưa?

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06/12/2012 nhằm thực hiện các khuyến nghị được rút ra từ chu trình đánh giá thứ nhất. Đồng thời, các khuyến nghị cũng được nghiên cứu và đưa vào kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng.

+ Việt Nam đang chuẩn bị cho chu trình đánh giá thứ 2 như thế nào?

Như đã thể hiện trong chu trình đánh giá đầu tiên, Việt Nam luôn rất tích cực, nghiêm túc và hiện đã sẵn sàng cho chu trình đánh thứ thứ hai. Ở chu trình đầu tiên, với việc là một trong các Quốc gia thành viên hoàn thành sớm quá trình tự đánh giá của mình và tích cực tham gia đánh giá các quốc gia thành viên khác (Cộng hòa Áo, Trung Quốc), cũng như sự tham gia chủ động vào quá trình thảo luận về chu trình đánh giá thứ hai, Việt Nam tin tưởng rằng, quá trình thực hiện chu trình thứ hai cũng sẽ gặp nhiều thuận lợi.

+ Việt Nam mong đợi gì ở chu trình đánh giá thứ hai và kết quả về vấn đề này tại Hội nghị ở Xanh Pê-téc-bua?

Cũng như các quốc gia thành viên khác, Việt Nam tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của Liên bang Nga và những nỗ lực không mệt mỏi của Ban Thư ký CoSP (UNODC), của phái đoàn ngoại giao các quốc gia thành viên tại Cộng hòa Áo và các bên liên quan, chắc chắn CoSP6 sẽ thành công tốt đẹp. 

Chúng tôi hy vọng các quốc gia thành viên có thể thống nhất được về chu trình thứ hai theo hướng thực chất, tích cực, khách quan, hiệu quả, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm tốt và hỗ trợ tăng cường năng lực giữa các quốc gia thành viên. 

+ Nhìn chung, Việt Nam mong đợi điều gì ở Hội nghị các quốc gia thành viên ở Xanh Pê-téc-bua?

Chúng tôi mong đợi các quốc gia cùng hướng về và đạt được đồng thuận cơ bản về các vấn đề có liên quan đến UNCAC, đặc biệt là chu trình đánh giá thứ hai. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cùng chia sẻ quan điểm, chung cam kết và thống nhất hành động nhằm kiểm soát có hiệu quả tham nhũng, hạn chế và khắc phục tối đa những thiệt hại mà tham nhũng đã hoặc có thể gây ra đối với xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế.

+ Quan điểm của Việt Nam liên quan đến sự tham gia của xã hội dân sự trong các quy trình của UNCAC, ở cấp độ toàn cầu và quốc gia? Kinh nghiệm mà Việt Nam đã có trong việc hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự liên quan đến quá trình đánh giá thực thi UNCAC là gì?

Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực và mang tính xây dựng của các tổ chức xã hội vào quá trình thực thi và đánh giá thực thi UNCAC. Trong quá trình đánh giá thực thi UNCAC ở chu trình đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đã huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội vào các hoạt động đánh giá như thu thập thông tin, phản biện và đóng góp ý kiến vào kết quả đánh giá thực thi UNCAC trên tất cả các khía cạnh, lĩnh vực có liên quan. 

Sự tham gia tích cực và mang tính xây dựng của các tổ chức xã hội đã góp phần để Báo cáo tự đánh giá và Báo cáo quốc gia thực thi UNCAC của Việt Nam mang tính khách quan, toàn diện và chất lượng, được Ban Thư ký CoSP và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây có thể coi là kinh nghiệm tốt để Việt Nam chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.

+ Quan điểm của Việt Nam về cam kết minh bạch? 

Việt Nam hoan nghênh những sáng kiến, cam kết của các chủ thể, các tổ chức nói chung góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, đặc biệt là các sáng kiến, cam kết về minh bạch và phòng, chống tham nhũng trên cơ sở tôn trọng và phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm