Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xuân sớm trên đảo Lý Sơn

Thứ sáu, 08/02/2019 - 06:32

(Thanh tra)- Con thuyền dập dềnh vượt sóng hơn 20 phút đưa chúng tôi từ ga Sa Kỳ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) về với huyện đảo Lý Sơn vào một ngày đầu năm mới. Nhìn từ xa, Lý Sơn giống như con khủng long vươn mình trên biển Đông, nhưng khi đặt chân lên đảo, Lý Sơn rất rộn ràng, chân tình và gần gũi. Đi qua khắp thôn làng, ngõ xóm trong dịp Xuân này mới cảm nhận hết sự đổi thay kỳ diệu của người dân vùng đảo này.

Du khách đổ về tham quan du lịch Lý Sơn ngày càng nhiều. Ảnh: NP

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất, nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, bao gồm 3 xã: An Vĩnh, An Hải (nằm ở đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Tuy là một đảo nhỏ nhưng Lý Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng không chỉ của Quảng Ngãi mà vùng cả vùng Duyên hải miền Trung.

Người dân ở huyện đảo Lý Sơn đã định cư lâu đời và tạo lập được nhiều di sản văn hóa quý báu. Cư dân huyện đảo Lý Sơn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Trải qua các triều đại phong kiến, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài khơi biển Đông.

Đảo Lý Sơn có nhiều di sản văn hoá, tư liệu quý liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện trên đảo có gần 100 di tích, trong đó có nhiều di tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh như: Chùa Hang, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Âm linh tự và mộ gió Hoàng Sa...; cùng 14 di tích khác được tỉnh công nhận. Nhiều loại hình văn hoá phi vật thể thể hiện nét sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng của cư dân vùng sông nước cùng những lễ hội đặc sắc như: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ dồi bòng... Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đây là niềm ao ước từ bấy lâu của người dân trên đảo.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lý Sơn cho biết, có nhiều di tích lịch sử văn hóa sau khi được trùng tu, tôn tạo đã được công nhận di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương, góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh danh lam thắng cảnh, lịch sử, đất và người Lý Sơn.

Đánh bắt hải sản, trồng hành, tỏi là hoạt động kinh tế đặc thù của huyện đảo. Cho đến nay, việc trồng hành, tỏi vẫn rất phổ biến và thu nhập khá, hành tỏi Lý Sơn ngon nổi tiếng không chỉ trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi mà còn ra khắp cả nước.

Nhờ hành tỏi, nông dân ở Lý Sơn có thu nhập khá, đời sống tương đối ổn định. Thời điểm 2005, diện tích trồng tỏi là 297ha, sản lượng thu được 1.557 tấn, nay nâng lên trên 2.000 tấn mỗi năm. Lý Sơn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, trong đó loại tỏi cô đơn (tỏi một tép) có giá bán khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/kg.

Cổng Tò Vò luôn thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: NP

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Hồ Thị Nga, thôn Tây, An Vĩnh, gia đình chị trồng được 2 sào tỏi, thu hoạch hơn 500kg phơi khô để dành bán ra thị trường. Thời điểm tỏi có giá thì bán được 100 - 120 ngàn đồng/kg, còn bình thường giá chỉ 50 - 60 ngàn đồng/kg; nhưng đủ trang trải cho sản xuất và sinh hoạt.

Chị Nga chia sẻ: “Thấy tỏi Lý Sơn nổi tiếng, nhiều người liền đưa tỏi từ đất liền ra Lý Sơn giả tỏi trồng trên đảo, tung ra thị trường phá giá tiêu thụ. Người dân chúng tôi cũng bao phen lận đận vì cây tỏi rớt giá thê thảm...”.

Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư mạnh về xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Lý Sơn như: Đường nội bộ ở đảo từ điểm nút là cảng nằm ở phía Tây Nam đảo (gần huyện lỵ) có trục đường men theo bờ biển phía Nam nối hai xã của đảo Lớn. Đây là trục đường chính và các trục đường ngang nối phía Nam và phía Bắc nằm ở giữa đảo; có nhiều tuyến đường nhỏ ngang, dọc chạy về các di tích, thắng cảnh. Cho đến nay phương tiện giao thông của cư dân trên đảo có nhiều xe máy, ô tô, taxi...

Nhờ vậy, tiềm năng về du lịch thiên nhiên trên đảo được đánh thức, thu hút mạnh lượng khách tham quan. Nếu như năm 2017, lượng khách du lịch đến đảo đạt khoảng 120 ngàn lượt thì năm 2018 tăng lên trên 250 ngàn lượt người, doanh thu đạt trên 200 tỷ đồng; tăng hơn 15% so với năm 2017. Có ngày cao điểm Lý Sơn đón hơn 4 ngàn khách tham quan.

Người dân Lý Sơn sớm thích nghi với nghề kinh doanh dịch vụ du lịch, ưu tiên vốn đầu tư chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm mới. Đến nay, Lý Sơn có gần 120 cơ sở lưu trú, với tổng số gần 750 phòng nghỉ tiếp nhận phục vụ cùng lúc khoảng 2.500 - 3.000 khách; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Nắm được sở thích của khách, nhất là khách đi theo gia đình đến tham quan, du lịch, nhiều hộ dân trên đảo mạnh dạn đầu tư vốn sửa sang, trang trí lại nhà cửa để kinh doanh loại hình dịch vụ “Homestay” -  lưu trú tại nhà dân hoặc dịch vụ lưu trú trong các ngôi nhà gỗ thân thiện với môi trường.

Nắng ấm lên, trên con tàu nhỏ từ đảo Lớn sang thăm đảo Bé xã An Bình mất chừng hơn 10 phút, chúng tôi đặt chân đến di tích Bãi Sau đầy kỳ thú và thơ mộng.

Thắng cảnh Hang Cau, huyện Lý Sơn. Ảnh: NP

Cảm nhận đầu tiên là phong cảnh nơi đây hầu như hoang sơ nguyên vẹn, còn trong sinh hoạt đời sống của người dân đã có sự đổi thay rõ nét; đường sá khang trang; nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh cùng các thiết bị hiện đại khác kể từ khi đảo Bé được cung ứng điện ổn định từ năm 2017 đến nay. Hệ thống giao thông nội địa có nhiều tuyến đường chính đã được bê tông, thảm nhựa rất thuận lợi trong giao thông của người dân và du khách.

Chị Bùi Thị Mùi, thôn Bắc, xã An Bình khoe rằng: “Cách đây hơn 2 năm, trên đảo nguồn điện không ổn định, muốn trồng hành, tỏi mỗi năm chỉ 1 vụ bấp bênh; nay thì có nước tưới tiêu chủ động, sản xuất giảm nhọc nhằn mà cuộc sống thư thả hơn nhờ phát triển du lịch...”.

Thật vậy, phong trào “nhà nhà làm du lịch” như có sức hút khá mạnh. Hàng chục hộ đóng góp vốn mua sắm 22 xe taxi chạy bằng điện đưa, đón khách ra thưởng ngoạn các cảnh đẹp trên đảo như: Bãi Sau kỳ thú, vách đá trầm tích núi lửa, lặn ngắm san hô, du thuyền hay đắm mình trên biển xanh... Nhiều nhà khá giả đầu tư cho khách lưu trú tại nhà hay mở các quầy, quán kinh doanh dịch vụ.

Để phục vụ khách tham quan du lịch đến Lý Sơn, huyện đã mở khu phố chợ đêm giới thiệu nhiều hàng hóa, đặc sản riêng của huyện đảo; cũng như những tiềm năng khác đến với khách gần xa.

Để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân xã An Bình, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao UBND xã An Bình thực hiện phương án vận hành nhà máy nước với sản lượng nước sạch sản xuất tương ứng 12 ngàn m3/năm; cung ứng nguồn nước sinh hoạt cho hơn 150 hộ dân nơi đây.

Đảo Bé nhìn từ xa. Ảnh: NP

Nghề cá xa xưa chủ yếu chỉ đánh bắt ở ven bờ. Ngày nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng cảng cá Lý Sơn và hỗ trợ ngư dân mua sắm ngư, lưới cụ phát triển nghề và ngành đánh bắt hải sản ngày càng mở rộng, nhất là đánh bắt xa khơi.

Toàn huyện có hơn 1.000 ngư dân và trên 100 tàu cá tham gia vào tổ chức Nghiệp đoàn Nghề cá. Mỗi năm, các Nghiệp đoàn Nghề cá ở Lý Sơn đã đoàn kết vươn khơi khai thác trên 20 ngàn tấn hải sản các loại tổng giá trị gần cả trăm tỷ đồng.

Ngày càng có nhiều ngư dân hoặc nhóm hộ ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng mới tàu công suất lớn trị giá hàng chục tỷ đồng để vươn khơi, bám biển dài ngày trên ngư trường truyền thống. Mùa biển mới sau những ngày vui Tết đón Xuân, các ngư dân mong được vươn mình ra khơi xa hơn để đánh bắt được nhiều cá hơn, góp phần làm giàu kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.

Một mùa Xuân lại về trên đảo Lý Sơn, khoác lên diện mạo mới. Lý Sơn ngày thêm khởi sắc và  trào dâng sức sống mới trên vùng đất mênh mông trùng khơi...

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm