Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung

Minh Huyền

Thứ tư, 31/07/2024 - 18:11

(Thanh tra) - Ngày 31/7, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024 nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.

6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với 397.758.084 bản

Theo đánh giá, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng hoạt động xuất bản; bảo đảm việc chỉ đạo, định hướng thống nhất, kịp thời và thuyết phục.

Số liệu thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với 397.758.084 bản (tăng 18,9% về cuốn và tăng 31% về bản). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với 370.545.267 bản (tăng 20% về cuốn và tăng 29,2% về bản); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với 27.212.817 bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng 62,9% về bản).

Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản trong 6 tháng đầu năm về cơ bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Bám sát định hướng của cơ quan chỉ đạo, quản lý xuất bản, 6 tháng đầu năm, hoạt động xuất bản đạt nhiều kết quả nổi bật, như sau: Xuất bản nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Xuất bản các ấn phẩm đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc. Tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch; đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại. Nâng cao hoạt động giới thiệu, phê bình sách, phê bình văn học nghệ thuật; đổi mới phương thức truyền thông sách góp phần phát triển văn hóa đọc. Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và quản lý xuất bản phẩm theo chuẩn quốc tế. Triển khai tích cực các chương trình sách quốc gia.

Trong 06 tháng đầu năm 2024, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đọc, kiểm tra, thẩm định trên 500 xuất bản phẩm lưu chiểu. Qua đó, đã kịp thời phát hiện những vi phạm về nội dung xuất bản phẩm.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, mặc dù những vi phạm không nghiêm trọng nhưng sai sót vẫn tập trung ở một số vấn đề sau: Nhận định không chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ; nhận định về vai trò của Nhà nước cần lưu ý, xem xét lại; nhận định về tín ngưỡng, về việc thờ cúng mang tính chủ quan, nặng nề; có một số chi tiết không thống nhất khi đề cập đến quần đảo Trường Sa; nêu một số thông tin về lịch sử chưa được kiểm chứng.

Với những vi phạm nêu trên, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau: Tạm dừng phát hành để sửa chữa (03 xuất bản phẩm); sửa chữa trước khi phát hành (03 xuất bản phẩm); yêu cầu thẩm định nội dung (03 xuất bản phẩm); tái bản phải sửa chữa (01 xuất bản phẩm).

Bên cạnh đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp, cung cấp thông tin phục vụ công tác kiểm tra, xử lý của các sở thông tin và truyền thông, cơ quan chức năng; giải quyết phản ánh, kiến nghị của bạn đọc đối với các vấn đề trong hoạt động xuất bản 07 vụ việc.

Những tháng cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác phối hợp quản lý, thanh tra kiểm tra giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương, đồng thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản, nhất là tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư.

Các nhà xuất bản tập trung nghiên cứu, chủ động xây dựng đề tài, xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo, tiền bối tiêu biểu..

Tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi bản quyền.

Triển khai tích cực, hiệu quả chuyển đổi số, xuất bản điện tử để bắt kịp với xu thế phát triển của xuất bản thế giới. Đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ xuất bản...

Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng liên quan đến hoạt động xuất bản, đặc biệt là Quyết định số 281-QĐ/TW, ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư về một số vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung xuất bản phẩm; Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản và Luật Xuất bản cùng một số văn bản pháp quy khác.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm